Đổ xô tìm cơ hội tại Cuba
Không chỉ du khách đang tràn ngập thủ đô Havana của Cuba, chưa bao giờ, tại Cuba, người ta chứng kiến sự xuất hiện nhiều đến thế của các phái đoàn ngoại giao và kinh tế ở đây.
Thủ đô La Havana, Cuba.
|
Tấp nập thăm viếng
Năm tháng trước, ông chủ Jonathan Blue quyết định thành lập thêm một nhóm đặc biệt trong công ty đầu tư Blue Equity ở Louisville, bang Kentucky, Mỹ, để giao đặc trách nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội ở thị trường Cuba. “Đối với chúng tôi, nếu không chuẩn bị sẵn sàng để vào một thị trường lớn 12 triệu dân, lại chỉ cách xa 90 dặm, là điều đáng xấu hổ”, ông Blue nói với hãng tin CNBC.
Blue không phải là người Mỹ duy nhất để mắt đến Cuba. Theo ông John Kavulich, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Kinh tế Mỹ-Cuba, nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ đã để ý thị trường Cuba suốt 20 năm qua.
Kể từ khi quan hệ giữa Mỹ và Cuba có dấu hiệu ấm lên hồi cuối năm 2014 sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn, nhiều đoàn ngoại giao và doanh nghiệp đã tới Cuba để thăm dò và tìm cơ hội hợp tác.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo mới đây đã tới thủ đô Havana để xúc tiến thương mại. Tháp tùng ông có các giám đốc điều hành từ hãng hàng không JetBlue Airways, Công ty Dược phẩm Pfizer và Công ty Thẻ tín dụng Mastercard, cùng nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh khác. Trong chuyến thăm lần này, Mỹ công bố việc thành lập đường bay thẳng từ thành phố New York tới thủ đô La Habana của Cuba, kể từ tháng 7-2015, do JetBlue thực hiện.
Và không chỉ có Mỹ quan tâm tới Cuba. Đầu tuần này, Tổng thống François Hollande trở thành vị tổng thống đầu tiên của Pháp và châu Âu tới thăm quốc đảo Caribbean này.
Đi cùng ông Hollande là một phái đoàn hùng hậu gồm năm bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp, trong đó có Pernod-Ricard (đối tác của Cuba trong xuất khẩu rượu Havana Club) và Soufflet (nhà xuất khẩu ngũ cốc có hoạt động tại Cuba).
“Không thể phủ nhận quan hệ ngoại giao ấm dần giữa Washington và Havana đã thúc đẩy quá trình bình thường hóa giữa Cuba và châu Âu”, Salim Lamrani, một chuyên gia về Cuba tại trường Đại học của Pháp La Réunion nói với hãng tin AFP.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đầu tháng này cũng vừa trở thành quan chức cao cấp nhất của quốc gia châu Á này tới thăm Cuba. Ông Kishida cũng không quên đưa theo hàng chục đại diện của ngành công nghiệp ô tô, tài chính, y tế và du lịch của đất nước mình.
Một phái đoàn doanh nghiệp Anh do nghị sĩ Hutton dẫn dầu cũng đến Havana tháng trước và công bố hàng loạt dự án hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, du lịch, trị giá 400 triệu đô la. Truyền thông nhà nước Cuba cuối tuần trước đưa tin, Bộ Du lịch nước này vừa ký kết thỏa thuận với đối tác Trung Quốc để xây dựng một sân golf phía Đông của Havana.
Cạnh tranh đã bắt đầu
Theo phát ngôn viên của Tổng thống Hollande, Chính phủ Pháp không kỳ vọng thu được những lợi ích kinh tế trước mắt từ chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một nguyên thủ châu Âu tới Cuba, mà quan trọng ở đây chính là chữ “đầu tiên”.
Các nước Liên hiệp châu Âu hiện là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Cuba với giá trị kim ngạch thương mại đạt 4,65 tỉ đô la. Venezuela đứng đầu với 7 tỉ đô la, chủ yếu là xuất khẩu dầu mỏ.
Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba mới đây thông báo, quốc đảo Caribbean này chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài vào 246 dự án thuộc 11 lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, khai thác mỏ, công nghiệp, xây dựng... với tổng trị giá lên tới 8,71 tỉ đô la Mỹ.
Ông Malmierca tự tin cho rằng, trong “ngắn hạn”, Cuba sẽ thu hút được nguồn tài chính từ bên ngoài, trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Quốc hội Cuba năm ngoái cũng đã thông qua đạo luật nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đặc biệt là vào Đặc khu phát triển Mariel.
“Chúng tôi chưa bao giờ thôi tin tưởng vào Cuba”, Jean-François Lepy, Giám đốc thương mại của Soufflet, nói với AFP trong chuyến tháp tùng Tổng thống Pháp. Tập đoàn xuất khẩu ngũ cốc này đã có mặt tại Cuba suốt trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, kể từ khi quan hệ giữa Cuba và Mỹ ấm lên, ông Lepy không khỏi lo ngại sẽ phải cạnh tranh với một đối thủ vừa lớn và gần như Mỹ. Để chuẩn bị đối phó, ông Lepy cho biết công ty của mình đang lên kế hoạch để chuyển giao công nghệ và bí quyết, thay vì chỉ xuất khẩu ngũ cốc.
Tuy nhiên, ông John Kavulich, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Kinh tế Mỹ-Cuba, cho rằng bình thường hóa quan hệ không có nghĩa là việc kinh doanh sẽ dễ dàng hơn cho người Mỹ.
Kirby Jones, chuyên gia tư vấn kinh doanh ở Cuba, làm việc cho công ty Alamar Associates nhận định, sẽ có nhiều cơ hội trong lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp, du lịch khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
“Người Cuba rất kiên nhẫn. Họ đã tồn tại mà không có Mỹ suốt 50 năm qua, và giờ họ còn có cả Brazil và Trung Quốc”, ông nói.
Minh Đức (Theo AFP, CNBC)
tbktsg
|