TPA thất bại vòng đầu ở Thượng viện Mỹ
Khi các đoàn đàm phán TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) đã có mặt ở Guam để bắt đầu vòng đàm phán mới thì tiến trình TPP chịu một cú vấp lớn: dự luật TPA (quyền đàm phán nhanh) đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện hôm 12-5.
Các nghị sĩ của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ thảo luận về dự luật trao quyền đàm phán TPP cho Tổng thống Obama hôm 16-4. Ảnh NYT
|
Dự luật này chỉ đạt được 52-45 phiếu cho bước bỏ phiếu thủ tục trước khi tranh luận trong khi cần 60 phiếu để vượt qua vòng bỏ phiếu này. Phe cản trở TPA, không ngạc nhiên lắm, chính là nhóm Thượng nghị sĩ Dân chủ của Tổng thống Obama.
Dấu hiệu thất bại xuất hiện ngay khi tám Thượng nghị sĩ Dân chủ được coi là ủng hộ hiệp định thương mại xuất hiện sau cuộc họp và tuyên bố sẽ phản đối TPA.
“Đây là nhóm hoàn toàn muốn dự luật này được thông qua,” TNS Ron Wyden của phe Dân chủ từ Oregon, thành viên lãnh đạo Uỷ ban ban tài chính, nói. Nhưng họ chỉ muốn thông qua TPA kèm với các dự luật khác, trong đó có dự luật về biện pháp “đảm bảo về thương mại” như cấm các nước thành viên phá giá đồng tiền.
Theo New York Times, các Thượng nghị sĩ Cộng hoà và các Thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ thương mại tự do đang gấp rút đàm phán lại gói TPA mới để có thể đưa ra bỏ phiếu một lần nữa.
Phe Dân chủ chống lại chính Tổng thống Obama và yêu cầu phải có một loạt biện pháp đi kèm với TPA như kiểm soát việc can thiệp vào tỷ giá, có gói hỗ trợ người lao động bị mất việc bởi toàn cầu hoá, thắt chặt luật về chống lao động trẻ em, tăng các biện pháp đáp trả với các hành vi thương mại không bình đẳng.
Thế khó của TPA lúc này là phe Cộng hoà thì chống lại các biện pháp bảo đảm mà phe Dân chủ muốn áp vào. Phe Cộng hoà nói họ không muốn gắn TPA với việc mở rộng các gói hỗ trợ cho công nhân mất việc vì toàn cầu hoá.
Vượt qua được vòng Thượng viện, TPA sẽ còn cần đi qua Hạ viện Mỹ, nơi các hạ nghị sĩ Cộng hoà, đặc biệt là phe Tea Party, không muốn cho tổng thống Obama một chiến thắng dễ dàng.
Với quyền đàm phán nhanh, thoả thuận TPP khi đàm phán xong được trình ra Quốc hội Mỹ, Quốc hội sẽ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ chứ không có quyền được thay đổi các điều khoản đã được đàm phán.
11 nước đàm phán còn lại trong TPP coi TPA là một trong những điều kiện tiên quyết cần có trước khi chốt lại các thoả thuận cuối cùng của TPP.
Hiện Nhà Trắng đang muốn đẩy TPA sớm được thông qua trước 22-5 để các cuộc hội đàm bộ trưởng bắt đầu vào 28-5 có thể tuyên bố kết thúc đàm phán.
Thanh Tuấn
tbktsg
|