Điều gì khiến ngân hàng Hồi giáo “mọc lên như nấm sau mưa” ở Thổ Nhĩ Kỳ?
“Gửi ngân hàng lấy lãi là một... tội lỗi. Tôi sẽ không bao giờ làm thế đâu. Tôi dùng tiền để mua vàng hoặc cất dưới gối”.
Theo báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), ít nhất 8% người Thổ Nhĩ Kỳ trưởng thành hiện không có tài khoản ngân hàng vì lý do tôn giáo, bởi vì đạo Hồi cấm cho vay lấy lãi.
Dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan hiện nay, một nhà lãnh đạo xuất thân từ Hồi giáo và có ác cảm với chuyện cho vay nặng lãi, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể biến sự khinh thường của những người ngoan đạo đối với các ngân hàng truyền thống thành một cuộc bùng nổ trong ngành tài chính Hồi giáo. Các ngân hàng thay vì trả lãi sẽ thành nơi thu phí dịch vụ và người gửi tiền sẽ chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng.
Hai ngân hàng quốc doanh, Halkbank và Ziraat Bank, đang đẩy nhanh kế hoạch mở thêm các chi nhánh Hồi giáo trong năm nay nhằm góp mặt cùng với bốn ngân hàng Hồi giáo tư nhân khác hiện đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ziraat, ngân hàng chưa niêm yết lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành giao dịch với người Hồi giáo vào tháng 5 năm nay, còn Halkbank nói rằng họ hy vọng việc này sẽ bắt đầu vào cuối năm.
Các nhà điều hành ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng qua cũng đã chấp thuận việc thành lập một ngân hàng Hồi giáo thứ 3 khác có liên quan gián tiếp với ngân hàng nhà nước Vakifbank.
Trung tâm tài chính
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hành đợt trái phiếu Hồi giáo đầu tiên trị giá 1.5 tỷ USD cách đây 3 năm và năm ngoái đã giới thiệu một khung pháp lý dành cho các ngân hàng Hồi giáo đại chúng. Nay họ mong muốn tài sản của ngành công nghiệp này sẽ tăng gấp đôi lên 100 tỷ USD vào năm 2023.
Fadi Hakura, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ tại Chatham House (một nhóm chuyên gia ở Luân Đôn) cho biết: “Tổng thống Erdogan rất muốn giúp lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Đó là một phần trong những nỗ lực biến Istanbul thành trung tâm tài chính, và cũng là ác cảm của tổng thống đối với lãi suất, điều mà ông xem là bị cấm trong Hồi giáo”.
Tổng thống Erdogan luôn cho rằng lãi suất cao là nguyên nhân gây ra lạm phát – một lập luận đi ngược lại với kinh tế học chính thống. Tổng thống cũng cho rằng những người bảo vệ lãi suất cao là... phản quốc và làm cho các thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ hoảng loạn thời gian gần đây.
Ông cũng yêu cầu ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất mạnh hơn nữa. Những bài phát biểu đả kích chính sách tiền tệ của ông đã khiến đồng lira giảm đến 12% trong năm nay và liên tục xác lập các mức thấp kỷ lục nhưng lại tạo hiệu ứng khá tốt trong số người ủng hộ ông, gồm cả những nhà công nghiệp phất lên trong suốt thập niên qua nhờ vào nguồn vay rẻ và sự tương đối ổn định về mặt chính trị.
Oznur, một cô gái 25 tuổi, chia sẻ sau khi rời trụ ATM tại một ngân hàng Hồi giáo ở Fatih: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi sử dụng dich vụ của một ngân hàng Hồi giáo vì điều đó nằm trong sự cho phép của tôn giáo chúng tôi”.
* Thị trường dịch vụ tài chính Hồi giáo ước đạt 4.000 tỷ USD vào 2020
* S&P: Ngân hàng Hồi giáo nỗ lực mở rộng thị phần tại vùng Vịnh
* Mô hình tài chính Hồi giáo có phải là giải pháp?
Không thể là nhà vô địch?
Thoạt nhìn, một quốc gia không dính dáng gì đến tôn giáo về mặt hiến pháp như Thổ Nhĩ Kỳ dường như không thể là nhà vô địch của ngành ngân hàng Hồi giáo.
Tháng trước, các nhà điều hành đã giành quyền kiểm soát ngân hàng Hồi giáo Bank Asya. Lợi nhuận và nguồn vốn của ngân hàng này đã bị giảm mạnh vì có liên quan đến “cuộc chiến” giữa Tổng thống Erdogan và một giáo sĩ ở Mỹ. Những môn đồ của giáo sĩ này lại là những người sáng lập ngân hàng trên.
Nhưng theo các nhà phân tích, “cuộc chiến” trên không cho thấy được tầm nhìn rộng hơn về ngành công nghiệp tài chính Hồi giáo toàn cầu trị giá đến 1.8 ngàn tỷ USD. Các rắc rối trong vụ ngân hàng Bank Asya là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Erdogan nhằm “nghiền nát” mạng lưới hoạt động của giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà ông buộc tội là đã chiếm đoạt quyền lực của mình thông qua “một nhà nước song song” được hình thành từ những môn đồ trong nhiều ngành, gồm cả ngành cảnh sát và tư pháp.
Emre Deliveli, một nhà kinh tế và cũng là cây bút của Hurriyet Daily News cho rằng động lực mở rộng mảng tài chính Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là để thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nói với Reuters: “Tôi xem nó như là một nỗ lực để được hưởng lợi từ nhu cầu về mảng tài chính Hồi giáo bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ẩn ý của Tổng thống Erdogan về chuyện lãi suất còn nằm ở lý tưởng phục hồi di sản Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ của ông, biến nó thành trung tâm của xã hội sau 9 thập niên thống trị bởi một nhóm tu sĩ đầy quyền lực khi đế chế Ottoman sụp đổ.
Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý ngân hàng, tính đến tháng 1 năm nay, các ngân hàng Hồi giáo đã chiếm trên 5% tổng tài sản của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều hơn gấp đôi so với cách đây một thập niên.
Bốn ngân hàng Hồi giáo hiện tại - Albaraka Turk, Bank Asya, Turkiye Finans và Kuveyt Turk – có gần 1,000 chi nhánh và thuê hơn 16,000 nhân viên, cả hai con số này đều gấp ba số lượng mà họ có cách đây 10 năm.
Khi lĩnh vực này phát triển, những người Thổ Nhĩ Kỳ còn đang e dè với các tài khoản truyền thống vì lí do tôn giáo sẽ có thể thay đổi suy nghĩ và những con số trên sẽ còn tăng.
Berat Tasci, một chủ tiệm bánh 38 tuổi đang ăn trưa trước một cửa hàng kebab ở Fatih, cho biết: “Ngân hàng là một hệ thống bóc lột nhưng chúng tôi phải sử dụng nó trong công việc. Chúng tôi biết đó là tội lỗi, nhưng chúng tôi phải dùng. Tôi có thích nó không ư? Không, dĩ nhiên là không”.
Nhã Thanh (Theo BusinessInsider)
|