“Đại gia” nước ngoài quan tâm đến hạ tầng cao cấp
Tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân mới đây, ông Rustam Ibragimov- đại diện Tập đoàn EPS của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đặt vấn đề về khoản vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD nếu thành phố tạo điều kiện cho Tập đoàn này đầu tư xây dựng hệ thống bãi đậu xe thông minh theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Nhà đầu tư đến từ UAE đặt vấn đề với
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về thị phần đầu tư hạng sang
Ảnh: HỒNG PHÚC
|
EPS là tập đoàn giữ vị trí thứ 19 trên thế giới trong danh sách các nhà đầu tư quốc tế vào hệ thống bãi đậu xe cho nhiều quốc gia. Tập đoàn này cũng có hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực về giao thông và hạ tầng xây dựng có thứ hạng quốc tế. Ngoài sự quan tâm của EPS thì trong cuộc gặp với chủ tịch Lê Hoàng Quân, ông Sultan Rashed Ahmad Lootah (Tổng GĐ Quỹ đầu tư Vault Investment) cũng bày tỏ quan tâm đến các dự án đầu tư tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc tế tại TP.HCM.
Việc Quỹ đầu tư Vault Investment, cũng như Tập đoàn EPS ngỏ ý đầu tư vào một trong những thị phần bất động sản hạng sang của TP.HCM đang cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2007, TP.HCM đã có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài vào xây dựng khách sạn cao cấp để phục vụ cho các hoạt động hội nghị quốc tế, cũng như đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách quốc tế hạng sang. Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp chủ yếu mới thống kê được tăng trưởng của khối khách sạn 3 sao. Theo số liệu của Sở VH-TT&DL TP.HCM (trước đây) thì tính đến tháng 6-2011 thành phố mới có 13 khách sạn 5 sao, trong số gần 1.500 cơ sở lưu trú. Sau đó, thị phần này được bổ sung thêm Nikko Sài Gòn và khách sạn Grand (5 sao) và mới đây bổ sung thêm khách sạn Tân Sơn Nhất. Ngay cả Saigontourist cũng rất tích cực tham gia vào thị phần này nhưng cũng chỉ cung ứng được 1/3 nhu cầu về lượng phòng cao cấp của thành phố. Trong đó, khách sạn Rex hoàn thành xây dựng thêm khu mới (300 tỷ đồng) để nâng cấp tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Cho đến nay, tổng công ty chủ lực của ngành du lịch thành phố đang tiếp tục khai thác có hiệu quả nhiều dự án khách sạn 5 sao khác gây được chú ý, như Pullman Saigon Centre, Majestic hay khách sạn Kim Đô đặt tại trung tâm Q.1.
Dự báo của các chuyên gia kinh tế, thị phần các tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp tại TP.HCM còn nhiều tiềm năng. Cushman & Wakefield thậm chí đã có một nghiên cứu rất chi tiết đối với thị phần khách sạn, hạ tầng cao cấp của TP.HCM. Trong đó, Cushman & Wakefield đánh giá, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng 8,2%, đạt gần 18 tỉ USD. Trong đó, ngành dịch vụ tăng trưởng trung bình 9,6%. Đơn vị này cũng chỉ ra những tiềm năng cho tiêu dùng hạng sang trong lương lai của thành phố khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM luôn đạt mức tăng trung bình 6,9%.
Tuy nhiên, Cushman & Wakefield cũng công bố báo cáo cho thấy nguồn cung mới rất hạn chế đối với thị phần khách sạn đẳng cấp quốc tế của TP.HCM, nổi bật chỉ là có khách sạn Pullman Saigon Centre (Q.1) khai trương năm 2014 với 306 phòng. Cushman & Wakefield dự báo, trong thời gian tới, sẽ có hơn 2000 phòng cung cấp cho thành phố, trước mắt là cuối năm 2015 sẽ có 1100 phòng chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó là sự đóng góp đáng kể về nguồn cung của các thương hiệu quốc tế như khách sạn Ibis Sài Gòn (338 phòng), Le Meridien Saigon (350 phòng), M-Gallery (168 phòng) cũng đang được xây dựng và khách sạn The Reverie Hotel sẽ sớm khai trương.
Nhiều báo cáo về thị phần hạ tầng hạng sang của TPHCM cũng dự báo, trong trung hạn những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện với phân khúc cao cấp của thị trường có thể kể đến hiện nay như Lavenue Crown, Union Square, Liberty Central và Ritz-Carlton Saigon (dự kiến khai trương năm 2017). Khách sạn nổi tiếng Caravelle cũng đã bắt đầu được trùng tu vào tháng 5 năm 2014 và dự kiến hoạt động lại vào năm 2016. Đây là tín hiệu được dự báo mức độ cạnh tranh trong khối khách sạn cao cấp sẽ tiếp tục gay gắt hơn tại TP.HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, hiện thành phố đã thu hút 5.800 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 398 tỉ USD Mỹ. Ngoài ra, hiện đang có 2.600 văn phòng của các công ty, tập đoàn các nước có mặt tại thành phố. Ông Lê Hoàng Quân gợi ý các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vào các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, hệ thống hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng và bãi đậu xe ngầm mà thành phố đang rất chú trọng thu hút đầu tư. Về phía UBND TP.HCM sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao cho các Sở, ngành lên kế hoạch làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Quân cũng trình bày thực tế hiện khu trung tâm thành phố đã không còn quỹ đất trống và TP.HCM có thể giới thiệu các khu đất xa trung tâm hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
T. Luân
Đại đoàn kết
|