Cẩn trọng với đòn bẩy cơ sở hạ tầng
Bên cạnh lợi ích, khi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) khu vực do Trung Quốc dẫn dắt hoặc cấp vốn, Việt Nam cũng phải đối diện nhiều thách thức.
Dự án “Một vành đai, một con đường”, bao gồm con đường tơ lụa trên bộ và trên biển của Trung Quốc. Ảnh: Internet
|
Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 và năm 2014 trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ đứng vào hàng các quốc gia có GDP hơn 10.000 tỉ đô la Mỹ. Sự lớn mạnh về kinh tế góp phần quan trọng vào việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách ngoại giao của mình.
Những cuộc tranh luận gần đây của các học giả Trung Quốc cho thấy xu hướng quốc gia này chuyển từ phương châm “ẩn mình chờ thời” sang “phấn đấu để thành công”. Sự thay đổi này đánh dấu bằng việc Trung Quốc lần đầu tiên nêu lên một sáng kiến hợp tác kinh tế trên quy mô liên châu lục và tự mình dẫn dắt thực hiện - sáng kiến “Một vành đai, một con đường” - nhằm cung cấp vốn cho các dự án kết nối CSHT, thúc đẩy thương mại và đầu tư mang tính liên khu vực.
Tại châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dành nhiều khoản vay hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho việc hỗ trợ các quốc gia xây dựng hệ thống CSHT. Tuy nhiên, nguồn vốn của cả WB và ADB mới chỉ đáp ứng được 2,5% nhu cầu của khu vực. Thêm vào đó, các điều kiện vay khắt khe đòi hỏi độ minh bạch cao đã cản trở việc tiếp cận vốn trên diện rộng. Đó là lý do khiến nhiều quốc gia châu Á kỳ vọng rằng sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ đem đến cho họ các giải pháp tài chính cho phát triển hiệu quả hơn.
Khó khăn trong kết nối CSHT với Trung Quốc
Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ thiết lập một con đường tơ lụa hai trục “nối đất” xuyên qua Trung Á, và “lấp biển” bắt đầu từ các hải cảng tại các nước ASEAN. Câu hỏi với Việt Nam là có tham gia vào tất cả các sáng kiến này của Trung Quốc hay không? Nếu chỉ tham gia một phần, Việt Nam sẽ cân bằng thế nào giữa lợi ích của mình với mục đích của Trung Quốc khi mà nhiều khả năng những dự án CSHT sẽ được AIIB ưu tiên là các dự án phù hợp với kế hoạch kết nối của Trung Quốc.
Thứ hai, để thực hiện các dự án CSHT có số vốn lớn, ngoài vốn ODA (từ Trung Quốc), Việt Nam còn có thể cần vay của AIIB. Lãi suất cao có thể là một trở ngại với ý định vay vốn. Đồng thời, nếu trong tương lai, AIIB chuyển dần từ sử dụng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán như hiện nay, sang sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT), mà NDT vẫn chưa thể tự do hoán đổi thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi nếu vay vốn để sử dụng cho các dự án CSHT của mình.
Xem thêm tại đây
Phạm Sỹ Thành - Trương Minh Huy Vũ
tbktsg
|