Khởi tố vụ 8 "doanh nghiệp ma” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Chiều 28/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc.
* Chậm xử án gian lận thuế, mất cả ngàn tỷ
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn La, sinh năm 1963, ở tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, là nhân viên công ty này về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 280 và 164a Bộ Luật hình sự.
Khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Dậu (sinh năm 1967) trú tại Lô 34, Đầm Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội về hành vi "Bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 164a Bộ Luật hình sự. Các quyết định trên đều được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, Lê Văn La là nhân viên kinh doanh Phòng xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc (có 20% vốn nhà nước, trước đây là Chi nhánh Tổng công ty Cổ phần Mỏ Việt Bắc) phối hợp với Nguyễn Thị Dậu thành lập 8 "doanh nghiệp ma" để bán hóa đơn nhằm hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho Lê Văn La.
Tại những vụ vi phạm này, Lê Văn La chịu trách nhiệm liên hệ với khách hàng là Công ty khai thác Mỏ tại Quảng Ninh có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng. Nguồn hàng do Lê Văn La cung cấp cho các công ty này là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường, sau đó được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức.
Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng phòng PC 46, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng vi phạm thường sử dụng thủ đoạn mượn chứng minh thư nhân dân và xin phép đăng ký kinh doanh để thành lập các công ty “ma”.
Khi có tư cách pháp nhân, các công ty này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng nhỏ; đồng thời, mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa đầu vào.
Từ năm 2010-2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỷ đồng cho các công ty “ma” của Nguyễn Thị Dậu. Sau đó, Dậu đến ngân hàng rút tiền, giữ lại 5-10% (tiền hoa hồng đã thỏa thuận với Lê Văn La) rồi chuyển lại 90-95% tiền mà Công ty Việt Bắc vào tài khoản của La.
Hiện, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Hạnh Quỳnh
Vietnam+
|