Bát phở “mặn” ngang tạ muối!
Đầu tháng 5, muối sản xuất thủ công ở tỉnh Khánh Hòa được thương lái mua với giá 350.000 đồng/tấn. Diêm dân bán tạ muối với giá 35.000 đồng tương đương với giá ăn một bát phở. Muối sản xuất theo phương pháp công nghiệp có giá cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung cả hai loại muối này đều có chung một số phận: Khó tiêu thụ và giá thấp đến bất ngờ. Năm nay được mùa muối trên cả nước nhưng lại mất giá.
Ảnh minh họa: vnanet.vn
|
Muối được sản xuất ở một số tỉnh ven biển rải từ miền Bắc, miền Trung đến cả Nam bộ. Hiện cả nước có 14.802ha đất sản xuất muối, tăng 294ha so với cùng kỳ năm 2014, trong đó diện tích muối sản xuất thủ công đạt 10.890ha, muối công nghiệp đạt 3.912ha. Sản lượng muối năm nay đạt 275.428 tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2014. Năng suất muối sản xuất thủ công đạt 171.755 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014. Muối sản xuất công nghiệp đạt 103.673 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014. Muối được mùa nhưng không bán được nhanh như mọi năm. Hiện trong diêm dân và trong kho các doanh nghiệp còn tồn 167.324 tấn, trong đó miền Bắc tồn 15.300 tấn, miền Trung 67.805 tấn. Đồng bằng sông Cửu Long tồn 84.214 tấn.
Làm nông nghề nào cũng vất vả, nhưng đối với nghề muối, diêm dân giãi bày: Nghề “đổi bát mồ hôi lấy bát cơm”. Lý giải về sự khó nhọc, họ kể: Khi nắng nhất, khi gió nóng thổi mạnh nhất thì người làm muối lăn mình trên ruộng muối để làm. Vì đó là thời điểm nước biển bốc hơi nhanh nhất, cho sản lượng muối cao và muối đạt được độ trắng tốt nhất.
Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá muối tụt thảm hại:
Được mùa làm cho cung vượt cầu, phí vận chuyển muối tăng mạnh (phí vận chuyển từ miền Trung vào TP Hồ Chí Minh tăng gấp 2 lần). Phí tàu chở muối đậu ở cảng cũng tăng so với trước.
Cục Dự trữ Nhà nước mua muối chưa nhiều bởi trong các kho vẫn còn đầy ứ, chưa có bão lụt nghiêm trọng trên diện rộng để “giải phóng” số muối trong kho về đối tượng hỗ trợ.
Công tác xuất khẩu muối vẫn “con kiến leo cành đa” do chất lượng muối chưa đạt chuẩn.
Về tiêu thụ nội địa, các nhà máy hóa chất vẫn hướng tới nguồn muối công nghiệp nhập khẩu do giá cả phù hợp và chất lượng được đáp ứng. Bất cập ở chỗ: Ở nước ta có nhiều nhà máy hóa chất sản xuất chất tẩy rửa như sản xuất xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là muối để sản xuất xút ăn da (nguyên liệu cơ bản để sản xuất chất tẩy rửa). Mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn muối, thế nhưng muối của ta chưa đáp ứng tối đa yêu cầu về độ sạch.
Cả nước có khoảng 90 triệu dân nhưng tiêu thụ muối ăn vẫn không tăng, bởi ăn mặn là một trong các nguy cơ tăng huyết áp...
Từ những lý do trên, hạt muối của Việt Nam không những mặn mà còn chát đắng!
Vậy giải pháp nào để hạt muối làm ra tiêu thụ được ngay đang là câu hỏi lớn đối với các nhà quản lý kinh tế, hoạch định chính sách.
Trong vòng 2 tháng nay, nhà nông phải chịu tình cảnh: Dưa “nhạt”, hành “ít cay”, bây giờ lại đến lượt muối “nhạt”. Bao giờ người nông dân mới thoát được khỏi vòng luẩn quẩn: Được mùa lại mất giá?
Để tự cứu mình, khi nghề truyền thống không kiếm đủ bát cơm, nhiều diêm dân ở vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An đã bỏ ruộng để đi sang Lào, Thái Lan và cả Trung Quốc để làm thuê.
Một số chuyên gia kinh tế nêu đề xuất: Quy hoạch diện tích đất dành cho nghề muối quá rộng mà lại toàn đất vàng bên bờ biển, những nơi nhiều nắng, nhiều gió phù hợp với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Nên chăng, có thể chuyển đổi một phần diện tích đang làm muối sang làm du lịch nghỉ dưỡng để giải phóng bớt sự vất vả cho diêm dân.
Thế Lữ
thanh tra
|