Xuất khẩu gặp khó, nguy cơ nhập siêu trở lại
Sáng 16/4, tại Diễn đàn Xuất khẩu Việt Nam 2015, nhiều doanh nghiệp nhận định thủ tục xuất khẩu ngày càng khó khăn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn
|
Anh Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty CP Yên Thành (tỉnh Yên Bái) cho biết, công ty anh là một công ty nhỏ chuyên xuất khẩu nông lâm sản (măng, thực phẩm khác và gỗ rừng trồng). Trước đây, thời gian chuẩn bị thủ tục xuất khẩu một lô hàng là một ngày thì nay tăng lên hai ngày. Nguyên nhân là từ tháng 2 tới nay, phải có giấy phép kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
“Dù chi phí phát sinh để làm thủ tục này không nhiều nhưng công ty phải điều thêm một nhân viên đi lo thủ tục kiểm dịch thực vật. Các đối tác của tôi ở Nhật và Đài Loan đều không cần giấy phép này, vậy thì tại sao ở mình lại bắt buộc?”, anh Dũng băn khoăn.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, năm nay sẽ là năm cực kỳ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói chung. Chỉ riêng chỉ tiêu tăng trưởng 10% , thấp hơn các năm trước, cũng nói lên lo lắng của các cơ quan quản lý.
“Xuất khẩu năm nay khó vì sẽ không còn những con số “bốc đồng” từ Samsung, trong khi đó giá nông sản trên thị trường thế giới lại giảm thê thảm. Dù Việt Nam là nước xuất khẩu số 1 về cà phê, số 2 về hạt tiêu, hạt điều, số 3 về gạo nhưng giá các mặt hàng nông sản này, Việt Nam không thể tác động được mà lại phụ thuộc vào thị trường các nước”, ông Võ Trí Thành lưu ý.
Thừa nhận xuất khẩu của nước ta hiện đang rất bấp bênh, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Cục đang tìm cách giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại…
“Theo dự báo, năm 2015 có thể chúng ta sẽ nhập siêu trở lại nếu không kiểm soát tốt và thúc đẩy được xuất khẩu”, ông Hải nói.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang đàm phán tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các ưu đãi về thuế quan. Nếu biết tận dụng tốt cơ hội thì dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, nông sản có khả năng tạo đột phá xuất khẩu. “Nhưng điều này không dễ dàng bởi gỡ được thuế quan chỉ là bước qua được hàng rào đầu tiên, còn phía sau đó là các rào cản khác như chứng minh xuất xứ hàng hóa – đây vốn là vướng mắc lớn của các doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.
Cao Sơn
báo giao thông
|