Vì sao Mỹ không nên lo lắng về AIIB?
Theo một số nhà kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng là một tổ chức mang tính biểu tượng và không có tầm quan trọng thực sự đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
* Mỹ không tham gia ngân hàng trăm tỉ USD do Trung Quốc đứng đầu
* 'Nước cờ' AIIB của Trung Quốc thu hút các đồng minh lớn của Mỹ
* Mỹ dịu giọng về AIIB
* IMF sẽ hợp tác với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á
Michael Pettis, Giáo sư Tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Chúng ta liên tục nghe rằng ngân hàng này là một bước đi chưa có tiền lệ của Trung Quốc. Chúng ta chưa hề thấy điều này trước đây. Nó cho thấy sự thay đổi rất lớn trong việc quản lý cơ chế dòng vốn và thương mại toàn cầu. Đúng là chuyện phi lý!”
Nhiều chuyên gia cho rằng AIIB là mối đe dọa đối với sự thống trị hiện tại của Mỹ trong các tổ chức tài chính, như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thứ Tư tuần trước, Trung Quốc chính thức công bố danh sách 57 quốc gia đồng ý trở thành thành viên sáng lập của AIIB, 37 trong số đó là các quốc gia châu Á. Mỹ, Canada và Nhật Bản là các quốc gia thuộc nhóm G7 vẫn không tham gia.
Fraser Howie, Giám đốc điều hành tại Newedge Singapore, cho biết: “Tôi nghĩ chuyện này đã bị thổi phồng. Nếu Trung Quốc đang cố gắng sử dụng chiến thuật “con ngựa thành Troy” để “hạ bệ” đồng USD và dành chỗ đứng trong giới tài chính thì điều đó sẽ không xảy ra”.
Những điểm không hợp lý
Pettis, một quan sát viên lâu năm đối với các vấn đề về Trung Quốc và là thành viên cao cấp tại Carnegie Endowment for International Peace, đã chỉ ra hai yêu cầu lớn để AIIB có thể trở thành một tổ chức quan trọng. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc sẽ phải đạt đến tầm cỡ của nền kinh tế Mỹ trong thập niên 1940 và 1950 – giai đoạn mà nước Mỹ có được sức mạnh kinh tế và chính trị sâu rộng. Thứ hai, đồng Nhân dân tệ sẽ phải trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Theo Pettis, cơ hội để hai điều trên xảy ra là rất mong manh. “Có thể một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng ngay cả khi điều đó thành hiện thực thì họ sẽ không bao giờ đạt đến tầm mà người Mỹ đã làm được trong thập niên 1940,” ông nói.
Ngoài ra, theo quan điểm của Pettis, vị thế tốt nhất mà đồng Nhân dân tệ có được sẽ là trở thành đồng tiền dự trữ thứ yếu.
“Chỉ có hai cách khiến thế giới có thể tích trữ đồng Nhân dân tệ: hoặc là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) chấp nhận thu lại hàng ngàn tỷ USD rủi ro của các quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm dưới cấp độ đầu tư hoặc là nước này phải sẵn sàng chịu thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Có lẽ họ sẽ không làm thế,” ông cho biết.
Điều gì khiến AIIB trở nên đặc biệt?
Theo ông Howie - Giám đốc điều hành Newedge, AIIB có thể sẽ phải đối mặt với những thử thách tương tự như các kế hoạch được “quảng cáo” quá mức trước đó. “Trong thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi, Mỹ Latinh, và cũng phải chịu nhiều vất vả như các quốc gia phát triển từng chịu trước đó, trước khi thu về được lợi nhuận,” ông nói.
“Ngoài ra, việc thiếu mục đích rõ ràng của ngân hàng này là một thách thức quan trọng trong việc tìm kiếm ‘chỗ đứng’ trên toàn cầu,” ông cho biết thêm.
“Khi Ngân hàng Thế giới (World Bank) được thành lập, mục tiêu của nó là giảm đói nghèo. Đó không phải là mục tiêu của AIIB. Không hề có một mục tiêu rõ ràng. Họ đang bàn về chuyện xây dựng hạ tầng châu Á, nhưng họ có thật sự đang cố gắng nói với chúng ta rằng thế giới không có đủ vốn cho vấn đề này không?”
Hãy chờ xem
Các chuyên gia đều đồng ý rằng vẫn còn quá sớm để nói về tầm quan trọng của việc thành lập AIIB. Chi tiết về nguồn vốn cũng như hoạt động quản trị của ngân hàng này vẫn chưa được giới thiệu rõ ràng với thế giới. Đây là điều khiến Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ chỉ chào đón AIIB nếu những tiêu chuẩn của ngân hàng này phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức hiện hành.
Philippe Le Corre, thành viên tại The Brookings Institution, cho biết: “Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Suốt nhiều năm qua không có một tổ chức mới nào giống như vậy được thành lập. Trung Quốc ý thức được sự thật rằng họ không thể thất bại, còn Washington và Tokyo đều đang quan sát tình hình, vì vậy đó là một thử thách lớn”.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
|