Vì sao “đại gia” bất động sản Mefrimex bị tố cáo?
Ngày 6.4, UBND TP.Hà Nội vừa có kết luận yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà B6 (phố Nam Cao, phường Giảng Võ, Quận Ba Đình, HN) - Cty CP đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex - phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án.
Dự án tòa nhà B6 Giảng Võ tiếp tục giậm chân tại chỗ sau khi Cty Mefrimex trở thành chủ đầu tư.
|
Thế nhưng, ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT Cty Mefrimex - đang bị tố cáo có hành vi báo cáo sai năng lực của Cty Mefrimex trong việc nhận chuyển nhượng dự án tòa B6. Điều này cho thấy, dự án tòa nhà B6 sẽ còn “sa lầy” và hàng trăm hộ dân B6 đang chờ được tái định cư sẽ còn phải chờ đợi trong nhiều năm nữa!
3 lần chuyển chủ đầu tư
Năm 2004, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Cty CP Hà Nội - ICT lập dự án đầu tư xây dựng lại tòa nhà B6 Giảng Võ với thời gian thực hiện 6 tháng, nếu không đúng thời hạn sẽ giao đơn vị khác. Thời điểm đó, cư dân tòa nhà B6 đã nghi ngờ về năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư.
Sau nhiều năm, dự án B6 giậm chân tại chỗ, năm 2008 TCty 36 (Bộ Quốc phòng) đã được giao làm chủ đầu tư. Tháng 7.2011, công trình được khởi công. Tuy nhiên do yêu cầu của Ban Thường vụ Quân ủy T.Ư thoái vốn và thu hồi vốn dự án B6 Giảng Võ để thực hiện CPH ngày 23.1.2014, TCty 36 đã chuyển nhượng dự án lại cho Cty Mefrimex.
Để được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho nhận dự án B6, Cty Mefrimex đã chứng minh năng lực “khủng” với vốn điều lệ/vốn của chủ sở hữu xấp xỉ 800 tỉ đồng, tổng giá trị tài sản và vốn theo báo cáo tài chính đến ngày 30.9.2012 là trên 1.993 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận dự án, Cty Mefrimex không hề triển khai thêm cũng như thanh toán tiền chuyển nhượng, thi công dự án cho TCty 36.
Về vấn đề này, Báo Lao Động số 66 ra ngày 24.3.2015 đã đăng bài phản ánh việc Cty Mefrimex có dấu hiệu chiếm dụng hàng trăm tỉ đồng của TCty 36 (Bộ Quốc phòng) tại dự án nhà B6 Giảng Võ. Việc tiếp tục dự án này gần như hoàn toàn bế tắc khi Mefrimex “dọa” trả lại dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty Mefrimex được thành lập và đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 5.2007 có trụ sở chính tại B7 Giảng Võ, phố Trần Huy Liệu (Hà Nội), lĩnh vực kinh doanh chính là đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát công trình, lưu trú, vận tải, xây dựng, kinh doanh BĐS… Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỉ đồng, được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập: Ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT, đồng thời cũng là người đại diện pháp luật sở hữu 49,4%; bà Phạm Thị Đức (vợ ông Dương Văn Nguyên) sở hữu 20,32% và ông Ông Văn Kỳ sở hữu 5,95%.
Việc Mefrimex chiếm dụng hàng trăm tỉ đồng của TCty 36 đã khiến quá trình cổ phần hóa của TCty 36 theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng bị cản trở. Mới đây, tòa soạn đã nhận được đơn đề ngày 31.3 của TCty 36 tố cáo ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT Cty Mefrimex - “có hành vi báo cáo sai năng lực của Cty Mefrimex trong việc nhận chuyển nhượng dự án tòa B6” và chiếm dụng trên 258 tỉ đồng của TCty 36.
Mefrimex thừa nhận không có năng lực thực hiện dự án?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng Giám đốc TCty 36 - về những căn cứ của đơn tố cáo Cty Mefrimex.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết: “Khi TCty 36 khởi kiện Cty Mefrimex ra TAND huyện Đông Anh để đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự thì ông Dương Văn Nguyên - đại diện pháp luật của Cty Mefrimex - đã trả lời với toà án là không có năng lực thực hiện dự án B6, đòi trả dự án lại cho TCty 36. Trong khi, sau hơn một năm nhận chuyển nhượng, Mefrimex đã rao bán toàn bộ căn hộ thương mại tại Dự án B6 cho Cty CP bất động sản HT thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 68/2014/HĐHTKD/Mefrimex-HT. Đây là điều không thể chấp nhận được”.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, TCty 36 đã thu thập các tài liệu liên quan đến năng lực tài chính Cty Mefrimex và thấy Cty Mefrimex không có khả năng thanh toán công nợ.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết: “Theo quy định của pháp luật, để được UBND TP.Hà Nội cho phép nhận chuyển nhượng dự án B6, Cty Mefrimex phải chứng minh là có năng lực tài chính để đầu tư vào dự án này. Cty Mefrimex đã cung cấp các báo cáo tài chính thể hiện công ty có vốn điều lệ 800 tỉ đồng. Nhưng qua phân tích báo cáo tài chính của các năm 2012, 2013, báo cáo tài chính tại thời điểm 23.6.2014 của Cty Mefrimex, đã cho thấy, rất có thể Cty này không có vốn điều lệ như đã đăng ký.
Nếu đúng như vậy, ông Dương Văn Nguyên - đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng của Cty Mefrimex - đã không trung thực trong việc lập hồ sơ xin nhận chuyển nhượng dự án, đã gian dối trong báo cáo với UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan những số liệu, tài liệu về năng lực của Cty Mefrimex, làm cho các cơ quan có thẩm quyền nhầm tưởng là Cty Mefrimex có đủ năng lực thực hiện dự án. Điều này cho thấy có đủ dấu hiệu phạm vào “Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế” được quy định tại Điều 167 Bộ luật hình sự”.
Trước băn khoăn của phóng viên, liệu có dấu hiệu hình sự hóa một quan hệ kinh tế, dân sự, đại tá Nguyễn Đăng Giáp khẳng định: “Ông Dương Văn Nguyên đã báo cáo sai năng lực là một quan hệ giữa người đại diện theo pháp luật của Cty Mefrimex với UBND TP.Hà Nội và các sở, ban, ngành của TP.Hà Nội, thuộc quan hệ hành chính giữa chủ đầu tư và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng chung của cả nước và các quy định riêng của Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời, việc báo cáo sai năng lực này còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, quyết định của Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp quốc phòng - TCty 36. Vì thế, cần phải được Cục điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xem xét độc lập với quan hệ hợp đồng dân sự giữa TCty 36 với Cty Mefrimex hiện đang được Toà án nhân dân huyện Đông Anh giải quyết”.
Đô Văn
Lao động
|