Vì sao cổ phiếu ngành thép lao dốc không phanh?
Không chỉ những cổ phiếu của doanh nghiệp ngành thép thua lỗ mới sụt giảm, ngay cả những ông lớn “ăn nên làm ra” cũng chịu chung số phận trong suốt 6 tháng giao dịch qua.
Theo thống kê của Vietstock, bắt đầu từ những tháng cuối năm 2014 đến nay, giá cổ phiếu của hầu hết doanh nghiệp thép đang giao dịch trên hai sàn đều giảm điểm đáng kể và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Biến động cổ phiếu ngành thép trong 6 tháng qua (Từ 01/10/2014 đến 02/04/2015)
Giảm nhiều nhất trong số đó là Thép Bắc Việt (HNX: BVG) với hơn 39%, hiện đang giao dịch tại mức 1,700 đồng. Nếu tính từ khi niêm yết thì cổ phiếu BVG đã mất gần 92%. Có thể thấy, một trong những nguyên nhân lớn khiến nhà đầu tư quyết định “rời bỏ” BVG chính là hoạt động kinh doanh đi lùi những năm gần đây. Tính đến hết năm 2014 thì BVG đã ghi nhận 3 năm lỗ liên tiếp và sẽ phải rời sàn theo quy định.
Tương tự, cổ phiếu POM của Thép Pomina đã mất 25% trong 6 tháng qua, từ 9,500 đồng về 7,200 đồng/cp, với khối lượng giao dịch bình quân gần 2,500 đơn vị/phiên. Kết quả kinh doanh của POM năm 2014 lỗ gần 29 tỷ đồng mặc dù doanh thu tăng đến 9%, đạt hơn 10,800 tỷ đồng.
Nếu lấy lý do làm ăn thua lỗ nên giá cổ phiếu sụt giảm thì BVG và POM là hai đơn vị phù hợp với nhìn nhận này. Song, ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng như Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) hay Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng chịu chung số phận như vậy. Cả hai mã cổ phiếu VGS và HPG đều đã giảm khoảng 25% qua 6 tháng qua mặc dù cả doanh thu cùng tăng hơn 20% và lãi ròng tăng hơn 60%.
Những trường hợp cổ phiếu giảm mạnh còn lại như HSG, DNY, SSM, TLH thì cùng chung bối cảnh là kết quả kinh doanh năm 2014 sụt giảm đáng kể so với năm trước. Riêng ông lớn HSG giảm hơn 22%, cổ phiếu đang giao dịch quanh mức giá 33,000 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân 6 tháng qua là 266,000 đơn vị/phiên. Năm 2014, doanh thu HSG tăng gần 28%, đạt 14,990 tỷ đồng nhưng lãi ròng lại giảm 29%, đạt 410 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 68% kế hoạch.
Ở chiều ngược lại, trong số 10 doanh nghiệp thép đang niêm yết, chỉ có 1 doanh nghiệp duy nhất giá cổ phiếu tăng mạnh trong 6 tháng qua là Thép Nam Kim (NKG) với mức tăng hơn 37% và 1 doanh nghiệp giữ nguyên mức giá là Đại Thiên Lộc (DTL).
Đi tìm ẩn số
Khi người viết đề cập đến hiện tượng trên, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra bi quan với viễn cảnh cổ phiếu ngành thép. Trưởng bộ phận nghiên cứu một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến cổ phiếu ngành thép lao dốc là lo ngại vấn đề biên lợi nhuận trong ngành sẽ giảm đáng kể. Theo đó, tình hình trong nước đang đối mặt với khả năng thừa cung lớn khi thép từ Trung Quốc nhập về Việt Nam ngày càng nhiều với giá rẻ.
Thực tế, nhìn nhận trên của vị chuyên gia trên là có cơ sở khi số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó nhập sắt thép tăng mạnh, với mức tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, đồng Rúp của Nga mất giá cũng khiến thép Nga bán ở thị trường Việt Nam rẻ một cách “kinh khủng”, vị chuyên gia này nói thêm.
Ở khía cạnh trong nước, việc giá điện tăng cũng khiến chi phí đầu vào sản xuất các doanh nghiệp thép trong nước bị đội lên đáng kể.
Một cách khá chi tiết, ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Phòng Phân tích CTCK May Bank Kim-Eng (MBKE) phân tích, lượng thép tiêu thụ của những doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng theo sự hồi phục của thị trường bất động sản, nhưng giá bán thì lại không tăng mà còn giảm khiến biên lợi nhuận sụt giảm. Đó là chưa kể đến rủi ro khi mà nhà máy thép Formosa (công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động sẽ cung cấp lượng cung rất lớn ra thị trường, càng khiến cho giá bán có thể giảm thêm từ 5-10%. Khi đó, các doanh nghiệp ngành thép trong nước về cơ bản sẽ bị định giá kém hấp dẫn đi và nhà đầu tư theo đó cũng ngại mua vào.
Việc giá bán giảm không phải là doanh nghiệp thép trong nước không lường trước được. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, Chủ tịch HPG đã thừa nhận nguyên nhân khiến HPG giảm kế hoạch lãi 2015 so với năm 2014 (mặc dù sản lượng cao hơn) là do sức ép từ giá bán đang giảm và chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc và từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế FTA, TPP… Doanh nghiệp này cũng đang hướng tới phát triển thêm ngành nghề mới, kỳ vọng sẽ là một ngành chủ lực trong tương lai là đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Và nếu đem lại kết quả tốt, HPG sẽ xây dựng chiến lược để đưa ngành này là một trong những ngành mũi nhọn trong những năm tiếp theo. Dự kiến đến năm 2020, HPG sẽ sản xuất 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và 1 triệu con heo, đem lại nguồn doanh thu từ 15,000-20,000 tỷ đồng.
Còn với HSG, đánh giá các thị trường xuất khẩu vẫn khó có thể khai thông trong năm 2015 nên doanh nghiệp này đã định hướng mở rộng chi nhánh phân phối – bán lẻ để tiêu thụ trong nước. Song với việc giá bán được dự báo tiếp tục giảm thì rõ ràng đây là một thách thức lớn cho không chỉ HSG mà còn cả những doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, cũng có một ý kiến nữa cho rằng nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngành thép bắt đầu giảm từ những tháng cuối năm 2014 là do việc Tổng cục Hải quan phải áp lại mã số hàng hóa (HS code) đối với mặt hàng phôi thép không hợp kim có thành phần carbon dưới 0.25% (HS code 7207.19.00), đang chịu mức thuế nhập khẩu 5%, chuyển thành mã HS theo code mới là 7207.11.00, với mức thuế suất gần gấp đôi, lên 9% kể từ ngày 15/11/2014.
Việc thuế tăng lên trong khi giá bán trong nước chẳng những không tăng mà còn giảm rõ ràng là thiệt hại đối với doanh nghiệp trong ngành.
Sanh Tín
|