Vì sao chứng khoán Việt Nam miễn nhiễm với tin tốt?
Kinh tế Việt Nam dường như đang có tất cả - nhân khẩu học tốt, thu nhập ngày càng cao và tiêu thụ cũng đang trên đà gia tăng – nhưng điều đó vẫn chưa đủ để chuyển thành đà tăng cho thị trường chứng khoán.
* Bloomberg: Việt Nam - công xưởng mới của Châu Á
* Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á, tín hiệu khủng hoảng nợ xấu kết thúc
* Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2015
“Một điều không thể phủ nhận là Việt Nam tự hào vì có cơ cấu nhân khẩu học mạnh. Điều này đã góp phần gia tăng sức cạnh tranh về chi phí lao động và nhu cầu nội địa. Tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền vững là dấu hiệu cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm sản xuất”, nhận định của chuyên gia kinh tế HSBC Trinh D. Nguyen trong báo cáo công bố tuần này.
Tuy nhiên, bà cho biết những gì tốt cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại không giúp ích nhiều cho các nhà đầu tư trong nước.
Bà Trinh cho biết: “Các doanh nghiệp trong nước đã không thành công trong việc tận dụng nguồn lao động rẻ của Việt Nam”. Theo đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp này đã suy giảm trong quý cuối cùng của năm ngoái và tiếp tục đi xuống trong quý đầu tiên của năm nay, thậm chí khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chứng kiến thặng dư thương mại gia tăng.
Về cơ cấu dân số chi tiết của Việt Nam, hơn 60% dân số tập trung ở độ tuổi lao động từ 15-54 và khoảng 6% rơi vào độ tuổi 65 trong khi độ tuổi bình quân là khoảng 29. Con số này thấp hơn so độ tuổi bình quân của Nhật Bản là khoảng 46 và của Trung Quốc là khoảng 37.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, VN-Index chỉ tăng 0.6% và hiện chỉ số này đã giảm khoảng 9% so với mức đỉnh xác lập đầu tháng 3. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (03/04), VN-Index tăng 1 điểm (tương ứng 0.18%) lên 547.85 điểm. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ Market Vectors Vietnam ETF niêm yết tại Mỹ đã sụt mạnh gần 13% trong năm 2015.
Bà Trinh cho biết thêm, lĩnh vực du lịch cũng không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế do sự trỗi dậy của Thái Lan và tỷ giá mạnh hơn. Bà trích dẫn số liệu cho thấy trong quý 1/2015, lượng du khách đến Việt Nam đã giảm gần 14% so cùng kỳ năm ngoái.
Sắp kết thúc?
Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi rằng liệu lợi thế từ yếu tố nhân khẩu học của Việt Nam kéo dài được bao lâu?
“Động cơ chính cho tăng trưởng dân số đang thay đổi. Trước đây là tỷ lệ sinh cao còn hiện giờ là tuổi thọ ngày càng cao”, báo cáo được Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung của Anh công bố đầu năm nay cho thấy. Tỷ lệ sinh hiện đã xuống dưới mức thay thế và chỉ trong 20 năm tỷ lệ dân số trên độ tuổi 65 sẽ tăng gấp đôi.
Hơn nữa, khả năng cạnh tranh về thu nhập của Việt Nam cũng có thể gặp khó khăn. Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thu nhập bình quân của Việt Nam là 197 USD/tháng, thấp hơn nhiều so mức 391 USD của Thái Lan, 613 USD của Trung Quốc và 651 của Malaysia.
Bên cạnh đó, bà Trinh cho biết Việt Nam còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề vì giáo dục đại học không bắt kịp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Chỉ là tạm thời?
Đúng vậy, một số người kỳ vọng đà sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ là tạm thời.
Một trong những lý do chính khiến VN-Index giảm điểm là do GAS, cổ phiếu chiếm khoảng 12% tỷ trọng chỉ số, sụt giảm mạnh do giá dầu thấp và công ty này không thể mua lại cổ phiếu quỹ, nhận định của ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành PXP Vietnam Asset Management trong báo cáo công bố tuần này.
Ông Snowball cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng tốt nhất từ trước đến nay, vì thế hiện thị trường đang cực kỳ rẻ sau đà sụt giảm gần đây”. Theo ông, các cổ phiếu trong danh mục của PXP đang giao dịch với P/E 11.6 lần và P/E forward 10.6 lần.
Trong quý 1/2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng cả năm sẽ đạt 6.1%.
Theo ông Snowball, việc nâng room nước ngoài từ 40% lên 60% sẽ là chất xúc tác cho thị trường trong thời gian tới. Ông kỳ vọng, việc nâng room sẽ diễn ra vào cuối tháng 7.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|