Trung Quốc điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế
Trong hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thu được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế. Mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 9,6%/năm. Hiện, Trung Quốc đang từng bước điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Công trình xây dựng nhà ga Từ Châu trên tuyến đường sắt Xi-ang-pu, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc. Ảnh TÂN HOA XÃ
|
Trong "Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 12" (từ năm 2011 đến 2015), Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng GDP là 7%/năm. Như vậy, nền kinh tế của Trung Quốc đã và đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao vừa phải.
Trong những năm gần đây, tổng lượng tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt những bước tiến vững chắc, nhưng có xu hướng chậm lại sau khi đạt mức tăng GDP 9,8% vào quý IV năm 2010. Kinh tế Trung Quốc xuất hiện xu hướng tăng chậm lại, liên tục giảm trong 10 quý gần đây và mức tăng GDP năm 2014 đạt 7,4%. Mức tăng từ hai con số chuyển xuống còn một con số. Trên thực tế, mức tăng GDP của Trung Quốc chậm lại một phần do bị ảnh hưởng từ những tác động của tình hình kinh tế thế giới. Hiện kinh tế toàn cầu đang từ thời kỳ phát triển nhanh trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bước vào thời kỳ điều chỉnh chuyển đổi mô hình phát triển. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc cũng đang từ thời kỳ tăng trưởng cao bước sang thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao vừa phải. Trước đây, kinh tế Trung Quốc quá coi trọng tốc độ tăng trưởng, cho nên đã nảy sinh rất nhiều vấn đề như: tiêu hao năng lượng quá mức, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều ngành nghề xuất hiện năng lực sản xuất dư thừa nghiêm trọng... Hiện kinh tế Trung Quốc chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mức tăng trưởng chậm lại để điều chỉnh kết cấu kinh tế, nhưng cũng đối mặt không ít thách thức và rủi ro, gồm: rủi ro tài chính có thể làm gián đoạn nhịp độ tăng trưởng, ưu thế phát triển chưa thể phát huy đầy đủ, mức độ khó khăn trong bình ổn kinh tế vĩ mô gia tăng, ảnh hưởng tăng trưởng bền vững, khó khăn trong duy trì ổn định xã hội sẽ tăng lên, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã gây tác động trực tiếp đến lĩnh vực việc làm cho người lao động. Theo tính toán, ở Trung Quốc, GDP cứ tăng 1% sẽ tạo thêm từ 1,2 đến 1,3 triệu việc làm. Vì vậy, nếu mức tăng không thấp dưới 7,5% sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu tạo thêm việc làm mới cho chín triệu người/năm ở Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc khi bước sang giai đoạn phát triển mới có sự khác biệt rất lớn so với giai đoạn trước đây. Ðó là, đẩy nhanh điều chỉnh kết cấu. Kết cấu ngành nghề của Trung Quốc trước đây dựa vào ngành chế tạo, ngành công nghiệp, nay chuyển sang phát triển đồng đều các ngành công nghiệp khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3, trong đó tốc độ phát triển của ngành dịch vụ là rất nhanh. Vì vậy, những thay đổi do điều chỉnh kết cấu mang lại từ trước đến nay là chưa từng thấy. Ðối với lĩnh vực đầu tư, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh trước đây, thì hiện nay việc lấy đầu tư để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đang đứng trước thách thức rất lớn. Rất nhiều ngành nghề ở Trung Quốc hiện nay đều đang trong tình trạng dư thừa năng lực sản xuất.
Trong "Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 12", Trung Quốc đã đưa ra định hướng phát triển rõ ràng. Theo đó, ngành công nghiệp khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3 phát triển đồng đều, nhất là phải phát triển ngành dịch vụ. Ðiều này không thể đơn thuần dựa vào nhu cầu nước ngoài, mà cần phải phát triển nhịp nhàng kích cầu trong và ngoài nước. Trọng điểm là mở rộng kích cầu trong nước, chủ yếu là mở rộng tiêu dùng. Hiện Trung Quốc không chủ trương áp dụng kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn, mà chú trọng thúc đẩy điều chỉnh kết cấu thông qua cải cách để bảo đảm phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây người ta thường chỉ trích một số vấn đề xuất hiện trong kết cấu kinh tế của Trung Quốc: Một là, khoảng cách phát triển giữa miền đông và miền tây ngày càng lớn, thì hiện nay khoảng cách này đang được thu hẹp, tốc độ tăng trưởng của miền trung và miền tây đã nhanh hơn khu vực duyên hải miền đông. Hai là, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng. Nhưng hiện nay khoảng cách thu nhập của người nông dân với người thành thị đang được thu hẹp. Mức tăng thu nhập của cư dân khu vực nông thôn nhanh hơn mức tăng thu nhập của cư dân thành thị. Ba là, kết cấu trước đây lấy ngành công nghiệp là chính, thì trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ nhanh hơn ngành công nghiệp. Bốn là, tỷ trọng kinh phí nghiên cứu và phát triển trong GDP trước đây là tương đối thấp, nhưng năm 2014 lần đầu tiếp cận mức 2% GDP, tương đương với trình độ của các nước phát triển trung bình.
Việc điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang mở ra con đường phát triển kinh tế trong thời kỳ mới ở Trung Quốc. Theo Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Vĩ, tốc độ tăng trưởng không phải là vấn đề cốt lõi mà điều cốt yếu vẫn là nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nhìn vào môi trường quốc tế và điều kiện cung, cầu trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ mới có thể ở mức từ 6% đến 7%/năm. Và xét từ góc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất cần thiết đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển trung và dài hạn, muốn thực hiện mục tiêu đến năm 2020, GDP tăng gấp hai lần so với năm 2010 được đưa ra trong Báo cáo của Ðại hội XVIII của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, thì trong thời gian thực hiện "Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13", Trung Quốc chỉ cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế trung bình 6%/năm là có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Hải Nam
Nhân Dân
|