Nhật Bản lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng:
Mũi tên Abenomics đi đúng hướng?
Với mục tiêu khuyến khích người dân "mạnh tay" hơn nữa trong chi tiêu, Thượng viện Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua Luật Thuế sửa đổi năm 2015.
Theo đó, thời hạn tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai lên 10% được lùi vào tháng 4-2017, tức là chậm hơn một năm rưỡi so với thời điểm dự kiến (tháng 10-2015). Không có nhiều khác biệt so với quyết định trước đó của Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng động thái này được xem là bước đi cần thiết khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bước vào năm tài khóa mới (từ ngày 1-4) trong bối cảnh tiêu dùng nội địa ảm đạm. Và điều đó tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng của nước này.
Người dân Nhật Bản "thắt chặt hầu bao" sau khi thuế tiêu dùng tăng từ tháng 4 năm ngoái.
|
Số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2 vừa qua đã chững lại. Và lần đầu tiên trong 7 tháng, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản không tăng, trong khi chỉ số của các ngành bán lẻ, giao dịch bất động sản… đều giảm mạnh so với năm trước. Cùng với việc giá dầu thế giới giảm sâu, nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng nêu trên là do người tiêu dùng Nhật Bản thắt chặt hầu bao sau quyết định tăng thuế tiêu dùng lần đầu từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm ngoái. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Chỉ số CPI không tăng là một dấu hiệu cho thấy sự yếu ớt của lĩnh vực tiêu dùng ở đất nước Mặt trời mọc. Điều này khiến cho mục tiêu tăng tỷ lệ lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm tới nhằm hồi sinh tiêu dùng nội địa của chính quyền Thủ tướng S.Abe trở nên khó khăn. Chưa kể tiêu dùng nội địa giảm còn gây lo lắng trong dư luận rằng nền kinh tế Nhật Bản có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài. Theo nhiều nhà phân tích, sự yếu ớt của ngành tiêu dùng trong nước có thể sẽ gây sức ép buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải tung ra gói kích thích kinh tế mới.
Trước thực tế đó, việc Thượng viện Nhật Bản quyết định lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai lên 10% vào tháng 4-2017 là một liệu pháp cần thiết. Và do vậy, đạo luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đảng Công minh mới và đảng Thế hệ tương lai. Cùng với quyết định lùi thời gian tăng thuế, đạo luật này còn đưa ra những "ưu ái" khi quy định giảm 2,51% thuế cho doanh nghiệp và miễn thuế đối với các khoản tiền nhận từ cha mẹ hoặc ông bà khi cưới xin hoặc để chăm sóc con nhỏ… Luật thuế sửa đổi này đã thể hiện nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế đất nước của chính phủ Nhật Bản sau những tác động không mong muốn do chính sách tăng thuế vào năm ngoái.
Nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á và thứ ba thế giới đã thoát khỏi suy thoái vào quý IV-2014, với mức tăng trưởng khiêm tốn 0,4% so với quý trước đó, bởi sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tiêu dùng còn hạn chế liên quan đến việc tăng thuế và chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn do đồng yen xuống giá. Các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 2 vừa qua đã giảm 3,4%, lớn hơn nhiều so với mức dự báo 1,8% trước đó và trái ngược với mức tăng 3,7% trong tháng 1. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc vẫn đang rất vất vả trong nỗ lực phục hồi. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), lĩnh vực sản xuất ô tô và phụ tùng giảm 3,6% - một trong những ngành sản xuất mũi nhọn của Nhật Bản - thể hiện nhu cầu nội địa yếu.
Thừa nhận nền kinh tế nước này đang phục hồi ở mức độ vừa phải, trong cuộc họp giữa tháng 3 vừa qua, BOJ dự báo mức tăng CPI có thể là 0% trong những tháng tới do ảnh hưởng của giá dầu giảm. Dù điều chỉnh dự báo về giá cả nhưng BOJ vẫn giữ nguyên nhận định: Sự phục hồi ổn định của nền kinh tế sẽ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong tài khóa 2015 (kết thúc tháng 4-2016) mà không cần nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Sự lạc quan này được thúc đẩy bởi quyết định hoãn tăng thuế của Chính phủ nhằm tạo thêm động lực cho các mũi tên của chính sách Abenomics đi đúng hướng.
Đình Hiện
Hà Nội Mới
|