Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Xử hình sự?
Nhiều chuyên gia ủng hộ việc dự thảo (BLHS) sửa đổi quy định thêm một số tội liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm như trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động hay trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm...
Tại một hội thảo mới đây, đại diện Bộ Tư pháp cho biết dự thảo BLHS (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm các tội liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Đó là các tội: Trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH) (Điều 218); tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) (Điều 219); tội trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (Điều 220).
“Hình sự hóa, răn đe vi phạm”
Theo đại diện Bộ Tư pháp, những năm gần đây tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT ngày càng gia tăng ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ). Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, nhất là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Lĩnh vực này có những đặc thù, việc gian lận trong bảo hiểm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo sự ổn định và phát triển các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ NLĐ nên dự thảo BLHS bổ sung thêm một số tội danh liên quan như trên.
Ủng hộ, giảng viên Trương Anh Tuấn (khoa Bảo hiểm Trường ĐH Lao động - Xã hội TP.HCM) nhận xét: “Chủ trương hình sự hóa một số vi phạm pháp luật về bảo hiểm rất đúng, rất kịp thời. Đây sẽ là liều thuốc đủ mạnh để trị các vi phạm về bảo hiểm hiện nay”.
Theo ông Tuấn, hiện tình trạng chủ doanh nghiệp (DN) “xù” tiền BHXH của NLĐ rất phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ và chính sách an sinh xã hội. Nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam khi làm ăn thua lỗ thì chủ DN trốn về nước, bỏ lại nhà xưởng, máy móc cũ kém giá trị (thậm chí nhiều DN khi hoạt động toàn đi thuê trụ sở, nhà xưởng, máy móc). Khi cơ quan BHXH khởi kiện các DN này đòi tiền bảo hiểm cho NLĐ cũng thường chỉ thắng kiện trên giấy vì DN không có tài sản hoặc giá trị tài sản còn lại rất thấp. Thậm chí có vụ dù có thanh lý tài sản thì cũng không đủ chi phí thi hành án.
“Luật BHXH sửa đổi vừa thông qua cho cơ quan BHXH quyền thanh tra DN khi phát hiện nợ BHXH, BHYT. Đây là biện pháp tốt ngăn ngừa việc trốn đóng bảo hiểm nhưng dù sao nó cũng chỉ là biện pháp hành chính, chưa đủ mạnh để trừng trị các DN cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm. Do đó, chỉ có hình sự hóa một số vi phạm như trên mới có giá trị răn đe trực tiếp khiến các DN phải thực hiện đúng nghĩa vụ” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Một phiên xử vụ kiện của cơ quan BHXH đối với DN để đòi tiền nợ BHXH tại TAND quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh : T.TÙNG
|
Mong cơ quan lập pháp thông qua
“Đây vốn là kiến nghị và mong mỏi của ngành BHXH TP.HCM từ mấy năm trước” - ông Cao Văn Sang (Giám đốc BHXH TP.HCM) cho biết.
Ông Sang phân tích: Khi thấy DN này nợ mà không bị xử lý nghiêm khắc thì DN kia cũng nợ dù họ không thiếu thốn, khó khăn. Các hành vi cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm của NLĐ từ phía DN rất nguy hiểm cho xã hội vì số tiền chiếm dụng thường rất lớn. Tình trạng này làm cho quỹ BHXH có nguy cơ bị vỡ, khó khăn cho công tác chi trả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách phúc lợi xã hội. Chỉ có xử lý thật nghiêm thì tình trạng này mới giảm thiểu.
“Chúng tôi rất mừng vì những kiến nghị của ngành BHXH TP.HCM đã được ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) ghi nhận. Chúng tôi rất mong cơ quan lập pháp sớm thông qua để BLHS thực sự giải quyết được vướng mắc khó gỡ của ngành BHXH” - ông Sang nói.
Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) cũng cho rằng Quốc hội cần thông qua đề xuất hình sự hóa một số vi phạm về BHXH bởi theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện chỉ có một nửa số DN đang hoạt động có đóng BHXH.
Để đảm bảo cơ chế cho việc xử lý vi phạm hiệu quả, giảng viên Trương Anh Tuấn đề nghị cần có các biện pháp khác kèm theo. Chẳng hạn khi cơ quan thanh tra bảo hiểm phát hiện DN nợ đọng tiền bảo hiểm từ ba tháng trở lên thì có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mời chủ DN lên làm việc. Nếu chủ DN không khắc phục ngay thì có các biện pháp từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự (nếu đã bị phạt hành chính mà còn tái phạm). Hoặc khi cơ quan BHXH kiến nghị cấm chủ DN nước ngoài đang nợ tiền BHXH xuất cảnh khỏi Việt Nam thì cơ quan công an cần áp dụng ngay...
Thiết kế thành tội riêng
Có một số ý kiến cho rằng với những hành vi gian lận BHXH, BHYT và trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm thì có thể vận dụng một số tội danh đã có sẵn trong BLHS để xử lý. Ví dụ có thể quy vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức... Vì thế việc thiết kế thành các điều luật mới là không cần thiết.
Tuy nhiên, theo tôi, việc vận dụng một số tội có sẵn không phù hợp với bản chất cũng như tính chất, mức độ của hành vi vi phạm về bảo hiểm. Ngoài ra, bảo hiểm là lĩnh vực có đặc thù nhất định, có nhiều dạng vi phạm khác nhau, xảy ra phổ biến. Chưa kể thiệt hại gây ra cho người tham gia bảo hiểm là rất lớn nên việc bổ sung các tội danh trên là cần thiết. Nhất là việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động là rất cần thiết. Nó khắc phục được tình trạng các cơ quan BHXH vất vả đi khởi kiện đòi tiền cho NLĐ, còn chủ DN thì mặc kệ vì không biết sợ.
Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN,Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Công lý
TP.HCM đã kiện gần 4.000 DN nợ BHXH
Chỉ trong năm 2014, ngành BHXH TP.HCM đã khởi kiện hơn 1.700 DN trên địa bàn vì nợ đọng BHXH kéo dài (gần 130 tỉ đồng). Trước đó, từ năm 2008 đến 2013, BHXH TP.HCM đã khởi kiện khoảng 2.200 đơn vị nợ đọng BHXH.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một số DN thực sự gặp khó khăn, còn lại là rất nhiều DN chây ỳ, cố tình không đóng BHXH. Có NLĐ khi chủ DN bỏ trốn mới biết DN cả năm vẫn thu tiền BHXH nhưng không đóng cho Nhà nước.
Ông CAO VĂN SANG,Giám đốc BHXH TP.HCM
|
Thanh Tùng
Pháp luật tphcm
|