Lương hưu và tuổi nghỉ hưu sẽ thay đổi từ đầu 2016
Một số thay đổi quan trọng về lương hưu và cách tính tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2016.
Quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tiến tới người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
|
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa lưu ý một số nội dung đáng chú ý của Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Theo đó, trên cơ sở quan tâm của đại bộ phận người lao động, Bộ đã tập trung phân tích rõ các nội dung về cách tính mức lương hưu, tuổi nghỉ hưu, chế độ tử tuất, mức đóng bảo hiểm xã hội, phương thức đóng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã được Quốc hội xem xét, quyết định.
Cách tính mức lương hưu
Quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tiến tới người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Sửa đổi quy định giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm để tính lương hưu đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo hướng có lộ trình tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (bình quân của 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc của toàn bộ thời gian tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm).
Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người bắt đầu tham gia từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực thi hành trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực Nhà nước hay ngoài Nhà nước.
Về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, vẫn giữ như quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 và Bộ luật Lao động năm 2012, cụ thể 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Riêng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ.
Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 giữ nguyên quy định điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu đối với các đối tượng nói chung là phải đóng bảo hiểm từ đủ 20 năm trở lên.
Riêng đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc chỉ cần có thời gian đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm và đủ 55 tuổi thì cũng được hưởng lương hưu.
Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vẫn giữ quy định về tỷ lệ đóng góp và phương thức đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo tính cân đối giữa đóng và hưởng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi có quy định bổ sung về chế độ cung cấp thông tin việc tham gia bảo hiểm đến người lao động thông qua quy định về quyền của người lao động được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm; định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm; định kỳ hàng năm được cơ quan bảo hiểm xác nhận về việc đóng bảo hiểm, thông qua đó để người lao động tự theo dõi quá trình tham gia bảo hiểm của người sử dụng lao động đối với mình, chủ động trong việc phản ánh với các cơ quan chức năng trong trường hợp quyền lợi bảo hiểm bị xâm phạm.
Về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm bắt buộc nếu có nguyện vọng thì được tham gia bảo hiểm tự nguyện và khi đủ điều kiện thì được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, những người nông dân khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng thì cũng sẽ được hưởng chế độ hưu trí như đối với công chức, viên chức và người lao động khác.
Đồng thời, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Mức hỗ trợ cụ thể sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.
Chế độ tử tuất
Theo quy định mới, ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần. Luật mới quy định cho phép thân nhân người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ một số trường hợp như con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, đồng thời tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng cho các năm đóng bảo hiểm từ năm 2014 trở đi (hiện hành là 1,5 tháng).
Với quy định trên thì khoản trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng đối với thân nhân của người lao động đã được tính toán bổ sung nhằm đảm bảo tương xứng với thời gian người lao động trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ngô Trang
vneconomy
|