Tăng giá nước 50%: còn nhiều băn khoăn!
Nhiều đại biểu HĐND TP cho rằng mức tăng giá mà Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) đề xuất giai đoạn 2015-2019 là quá cao.
Các đại biểu phát biểu như trên tại cuộc họp góp ý về đề án tăng giá nước ngày 21-4, do Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM tổ chức.
Một trong những lý do khiến giá nước tăng là tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện còn ở mức cao. Trong ảnh: bể ống nước trên đường Hai Bà Trưng tháng 10-2014 - Ảnh: Quang Khải
|
Trong khi đó, lộ trình giảm thất thoát nước được các đại biểu cho là “khiêm tốn”. Đây là lần thứ hai đề án tăng giá nước được đưa ra lấy ý kiến. Trước đó, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã lấy ý kiến các đơn vị liên quan về vấn đề này vào ngày 20-1-2015.
Lo ảnh hưởng nhiều đến người dân
Ông Lê Hữu Quang, trưởng ban kinh doanh dịch vụ khách hàng Sawaco, cho biết mức giá nước theo đề án sẽ tăng 10,5% mỗi năm, với giá bình quân từ 9.612 đồng/m3 (năm 2015) lên 14.357 đồng/m3 (năm 2019).
Ông Quang cũng cho biết đề án tăng giá nước này đã được các cơ quan chuyên môn như Viện Nghiên cứu phát triển TP, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải thẩm định, góp ý theo quy định.
Việc tăng giá nước lần này để ngành nước có thêm nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, mạng lưới, gắn đồng hồ mới, tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Mặt khác, giá nước tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn, giảm thất thoát...
Ông Quang cũng cho rằng mức tăng giá dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân TP. Cụ thể, nếu một hộ gia đình có bốn người, sử dụng nước trong định mức (4m3/người/tháng) theo giá hiện hành thì khoản tiền chi trả là 84.000 đồng, theo giá của đề án thì chỉ tăng thêm 12.000 đồng/tháng.
“Như vậy, mức chi trả cho tiền nước năm 2015 đối với một hộ chỉ chiếm khoảng 0,7% thu nhập bình quân đầu người toàn TP. Tương tự, khoản tiền nước sinh hoạt mỗi tháng của hộ nghèo chỉ chiếm 1,6% thu nhập của người dân. Mức này thấp nhiều so với khoản chi trả cho điện thoại, truyền hình cáp và trong khả năng chi trả của người dân TP” - ông Quang nhận định.
Cũng theo ông Quang, giá nước đề xuất trong lộ trình 2015-2019 tương đương và thấp hơn giá nước của các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương... Với các hộ nghèo, năm đầu tiên của lộ trình (2015) không tăng giá nước.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Trí (bí thư Quận ủy Q.12), đại biểu HĐND TP đơn vị Q.6, nói rằng cách so sánh mức chi trả tiền nước với thu nhập của Sawaco là chưa thấy hết sự khó khăn của người dân hiện nay.
Ông Trí cũng không đồng tình với nhận định giá nước đề xuất thấp hơn các tỉnh thành khác vì theo ông: “Giá nước liên quan đến nguồn nước. Ở TP.HCM có sông Đồng Nai, Sài Gòn... điều kiện nguồn nước tốt hơn thì giá nước cũng phải thấp hơn, đó là điều bình thường”.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Hội cựu chiến binh TP.HCM, đại biểu HĐND đơn vị Q.8 - nói Sawaco cho rằng đề án giá nước đã được bàn tới bàn lui, tính toán kỹ lưỡng và đưa ra tổ chức phản biện nhưng ngay chính các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn cũng còn có ý kiến không đồng tình.
Ông Tùng dẫn chứng tại cuộc họp về giá nước mới đây do Ủy ban MTTQ VN TP tổ chức, đại diện cho Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP bày tỏ chưa đồng tình tăng giá nước ở thời điểm này vì sẽ tác động lớn đến đời sống dân sinh. “Viện Nghiên
cứu phát triển TP cho rằng mức tăng hợp lý nhưng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP lại không đồng ý, vì sao cũng là nhà nghiên cứu nhưng lại kết quả khác nhau, Sawaco chưa làm rõ vấn đề này” - bà Tô Thị Bích Châu, trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP, tiếp lời.
Dù đồng tình với việc phải tăng giá nước, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - đại biểu HĐND TP đơn vị quận Tân Phú - cho rằng nếu theo mức tăng đề xuất cả lộ trình đến năm 2019 cộng lại là gần 50%.
“Mức tăng này là cao. Giá nước cao kéo theo hàng loạt giá cả khác tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sawaco có tính sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập, đời sống người dân không, tôi rất băn khoăn vấn đề này” - bà Hạnh bày tỏ.
Lộ trình giảm thất thoát nước “khiêm tốn”
Một vấn đề khác mà rất nhiều đại biểu quan tâm cho rằng tỉ lệ thất thoát nước vẫn còn cao nên việc tăng giá nước chưa thuyết phục. Hiện nay tỉ lệ thất thoát theo Sawaco là trên 32% và dự kiến giảm còn 25% vào năm 2025 (giảm 1-2% mỗi năm). Với tổng công suất khoảng 1,7 triệu m3 ngày đêm hiện nay, mỗi ngày có hơn 540.000m3 nước sạch bị mất, tốn hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tươi - phó trưởng Ban quản lý khu đô thị mới Nam TP, đại biểu HĐND đơn vị huyện Bình Chánh - cho rằng tỉ lệ thất thoát tương đối cao nhưng mỗi năm chỉ kéo giảm được 1-2% là còn thấp, nước thất thoát lại đưa vào giá nước, vì vậy nếu giảm thất thoát tốt thì giá nước chắc chắn sẽ giảm.
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Tùng cũng cho rằng nếu giảm thất thoát còn 10% thì bằng đầu tư một nhà máy lớn, nên không thể căn cứ theo lộ trình được phê duyệt vì mức giảm mỗi năm còn quá “khiêm tốn”.
Đại biểu Từ Minh Thiện cho biết tỉ lệ thất thoát nước ở Osaka, Nhật Bản trước đây tới 60% nhưng hiện giờ giảm còn 10%. “Nếu giảm được thất thoát nước, chắc chắn giá thành sẽ giảm” - ông Thiện khẳng định.
Ông Lê Hữu Quang cho rằng chi phí giảm thất thoát nước hiện nay rất lớn, để giảm 1m3 nước sạch tốn đến 4.000 đồng, trong khi giá trung bình Sawaco mua lại của các nhà máy khoảng 3.600 đồng/m3 nước.
Giải trình thêm, ông Bạch Vũ Hải - phó tổng giám đốc Sawaco - cho biết tỉ lệ thất thoát nước là luôn song song với hoạt động cấp nước, vấn đề là duy trì tỉ lệ sao cho phù hợp theo từng địa phương. Như ở Thái Lan chỉ giảm xuống mức 30% thì không giảm nữa mà đầu tư nhà máy để bù vào vì chi phí giảm thất thoát nước khá lớn.
Sawaco đã nỗ lực đề ra lộ trình giảm thất thoát nước đi trước năm năm theo phê duyệt của Chính phủ, đồng thời đang phối hợp tích cực với Nhật Bản, Philippines để giải quyết bài toán thất thoát nước sạch.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến - phó trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP - cho biết sau khi nghe ý kiến góp ý sẽ tổng hợp, tham mưu HĐND TP có ý kiến với UBND TP trước khi phê duyệt đề án giá nước này.
Quang Khải
tuổi trẻ
|