Sớm hoàn thiện quy định bán cổ phần theo lô
Bộ Tài chính cho biết thông tư hướng dẫn bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước theo lô sẽ được Bộ này hoàn thành trong tháng 5/2015 để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu khối doanh nghiệp này.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp xử lý vướng mắc, kiến nghị về tái cơ cấu DNNN- Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Lẽ ra, thông tư này phải được hoàn thành sớm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trong tháng 4 phải hoàn thành để đáp ứng đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, nhưng cuối cùng phải lùi lại một tháng.
Trong cuộc họp diễn ra sáng 27/4 về xử lý vướng mắc, kiến nghị về tái cơ cấu DNNN do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, Cục Phó Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cũng cho biết Bộ Tài chính sẽ “cố gắng” ban hành trong tháng 5 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Theo dự thảo Thông tư chào bán cổ phần theo lô của Bộ Tài chính, điều kiện của nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô là phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Số cổ phần mua theo lô sẽ không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm đầu. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua, bán kiếm lời, không tập trung đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Quy mô khi mua cổ phần theo lô là toàn bộ số cổ phần cần bán hoặc trên 50% số lượng cổ phần của DNNN cần bán để tổ chức, cá nhân có thể tham gia điều hành công ty (thực tế hiện nay tỷ lệ chào bán cổ phần ít, khiến nhà đầu tư không mặn mà với các kế hoạch cổ phần hóa DNNN). Ngoài ra, việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN.
Như vậy, việc chào bán cổ phần của DNNN theo lô sắp tới sẽ không còn quyền hạn “đặc thù” của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nữa mà đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp là các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ đạt được quyền này nhằm thu hút được sự quan tâm của những tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu tham gia đầu tư, quản lý các DNNN.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT và các doanh nghiệp trực thuộc như Cienco 5, 6, Vinamotor, cảng Quảng Ninh và một số doanh nghiệp, cảng biển khác rất muốn bán cổ phần theo lô. Nếu không bán cổ phần theo lô thì không tạo ra sức hút cổ phần hóa với nhiều DNNN.
Đồng tình với mong muốn của các bộ, ngành, địa phương về sớm ban hành một thông tư về chào bán cổ phần theo lô, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia đổi mới hoạt động doanh nghiệp Vũ Văn Ninh trong cuộc họp sáng nay đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của thông tư này trong việc thúc đẩy tiến độ và chất lượng của kế hoạch cổ phần hóa DNNN từ nay tới hết năm 2015.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng dự thảo Thông tư quy định bán toàn bộ 100% cổ phần theo lô thì người mua không được quyền bán, sang nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm đầu là không hợp lý vì họ có toàn quyền quyết định khi đã là chủ của doanh nghiệp.
Để xử lý điểm này, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phân loại DNNN, loại nào Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì khi hoàn thành chào bán theo lô, nhà đầu tư có thể bán hoặc sang nhượng ngay cổ phần. Đối với lĩnh vực mà Nhà nước vẫn cần nắm giữ cổ phần thì chỉ cần “thòng” thêm điều kiện nhà đầu tư cam kết có ngành nghề phù hợp và đảm bảo ngành nghề đó phát triển hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức bán theo lô tối đa và tối thiểu theo các hướng phân loại DNNN để không xảy ra tình trạng các nhà đầu tư cạnh tranh thiếu lành mạnh và nhà đầu tư tập trung vào thay đổi quản trị của doanh nghiệp.
Thành Chung
chính phủ
|