[Bài cập nhật]
PMI tháng 3 suy yếu nhưng vẫn tăng 19 tháng liên tiếp
Sản lượng tăng 18 tháng liên tiếp, chi phí đầu vào sụt mạnh
Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự cải thiện của các điều kiện hoạt động tại thời điểm cuối quý 1/2015 khi sản lượng và số đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Một lần nữa, giá cả sụt giảm tiếp tục trở thành tâm điểm của cuộc khảo sát vừa qua với việc các doanh nghiệp chuyển chi phí đầu vào thấp hơn sang người tiêu dùng. Trong khi đó, số lượng nhân viên giảm nhẹ.
* PMI tháng 2: Sản lượng sản xuất tăng 17 tháng liên tiếp
Số liệu công bố sáng ngày thứ Hai (02/03) cho thấy chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 50.7 trong tháng 3, thấp hơn so với mức 51.7 trong tháng 2 nhưng vẫn phát đi tín hiệu về sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các điều kiện hoạt động đã cải thiện 19 tháng liên tiếp.
Trọng tâm đối với sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh trong tháng qua là đà gia tăng của cả sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới. Cho tới nay, sản lượng sản xuất đã tăng 18 tháng liên tiếp với tốc độ bền vững. Các thành viên của nhóm khảo sát cho biết số đơn hàng mới cao hơn là nhân tố chính giúp sản lượng gia tăng, trong khi nguồn nguyên vật liệu thô dồi dào hơn cũng đóng góp vào đà tăng trưởng này.
Trong tháng 3, số đơn đặt hàng mới tiếp tục gia tăng dù với tốc độ nhẹ nhất kể từ tháng 10/2014. Số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trở lại sau đà sụt giảm trong tháng trước. Số liệu thu thập được cho thấy giá cả cạnh tranh đã giúp các doanh nghiệp thu hút thêm số đơn hàng mới từ nước ngoài.
Theo HSBC, đà sụt giảm mạnh của chi phí đầu vào chủ yếu xuất phát từ giá nhiên liệu thấp hơn trong khi các hàng hóa khác như thép cũng giảm giá. Hiện chi phí đầu vào đã giảm 5 tháng liên tiếp. Do đó, các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm giá đầu ra cho khách hàng. Cho tới nay, giá đầu ra đã giảm 6 tháng liên tiếp nhưng đà suy giảm trong tháng vừa qua là chậm nhất trong 4 tháng.
Ngoài ra, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm trong tháng 3 sau 6 tháng gia tăng liên tiếp trước đó. Dù vậy, tốc độ cắt giảm việc làm là khá chậm.
Nhận định về PMI tháng 3/2015 của Việt Nam, chuyên viên kinh tế cấp cao Andrew Harker của Markit cho biết: “Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục duy trì được kết quả khả quan gần đây tại thời điểm cuối quý 1 khi các doanh nghiệp nhận được số đơn đặt hàng mới nhiều hơn từ cả các khách hàng trong và ngoài nước. Giá hàng hóa sụt giảm trên các thị trường thế giới tiếp tục dẫn đến chi phí đầu vào thấp hơn và các nhà sản xuất đã chuyển phần chi phí tiết kiệm này sang các khách hàng”.
Phước Phạm (Theo HSBC)
|