HSBC: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn gây được tiếng vang
NHNN sẽ dễ dàng cắt giảm lãi suất OMO thêm 50 điểm về mức 4.5%
Theo nhận định của HSBC, tăng trưởng Việt Nam, mặc dù không xuất sắc, nhưng vẫn gây được tiếng vang và nền kinh tế sẽ tiếp tục vững vàng tiến về phía trước. Các chỉ số thông dụng mới nhất cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi, mặc dù với tốc độ từ từ.
* Việt Nam sẽ có lợi, nếu tận dụng cơ hội này
* Vì sao Việt Nam không điều chỉnh tỉ giá?
* GDP quý I tăng 6,03%
* Thu hút FDI dự báo vẫn khả quan dù giảm sâu trong quý 1
Trong báo cáo công bố sáng 27/03 về Kinh tế vĩ mô các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong quý 2/2015, HSBC cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 2 của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng dịch vụ và du lịch, đánh dấu mức tăng 11.4% từ đầu năm tới nay.
Tương tự, nhập khẩu cũng tăng mạnh, đạt mức 20.7% so với đầu năm. Trong khi xuất khẩu chỉ tăng khiêm tốn, đạt 7.6% so với đầu năm. HSBC xem tốc độ tăng là khá tích cực so với sự suy thoái của chu kỳ hàng hóa. Ngoại trừ hạt điều và trà, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đều giảm so với đầu năm. Trong khi đó, dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại đều tăng mạnh. HSBC hy vọng sản lượng tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Chỉ số PMI tháng 2 của Việt Nam phản ánh sản lượng đang tăng mặc dù các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang giảm. Mặc dù nhu cầu toàn cầu đang chậm dần, HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ nổi trội nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) tăng trưởng bền vững. Nhu cầu nội địa cũng đang có khuynh hướng hồi phục nhẹ.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm có thể sẽ thúc đẩy sức mua người tiêu dùng một cách trực tiếp do giá dầu và chi phí vận chuyển thấp hơn, và một cách gián tiếp khi các nhà sản xuất chuyển cho người tiêu dùng một khoản tiết kiệm nhờ giảm giá bán đầu ra. Thu nhập cũng đang dần tăng là một lý do nữa giúp cho nhu cầu người mua cải thiện. HSBC dự đoán tiêu dùng cá nhân sẽ tăng từ mức 5.4% trong năm 2014 lên 5.6% trong năm 2015.
Ngoài ra, HSBC cũng cho biết Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về xăng dầu (khoảng gần 0.5 tỷ USD/năm), do đó việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ vị thế thương mại của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nước chú trọng thương mại, đặc biệt là giao thương các sản phẩm không phải dầu mỏ, có nghĩa là các nhà sản xuất và xuất khẩu sẽ được lợi từ chi phí đầu vào thấp. Lạm phát tăng thấp cũng tạo cơ hội cho Chính phủ tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội cũng như giá điện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính vì thế cũng sẽ dễ dàng cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 50 điểm ở mức 4.5%.
Về chính sách, HSBC cho rằng Chính phủ có thể sẽ duy trì quan điểm cải tổ, sử dụng biện pháp thận trọng để chấn chỉnh lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ cũng có vẻ trì hoãn việc thực thi các pháp chế quan trọng để mở cửa nền kinh tế như tăng trần sở hữu nước ngoài đối với một số lĩnh vực trọng yếu. Thêm nữa, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy việc tư nhân hóa.
Tuy nhiên, HSBC kỳ vọng vào những nỗ lực quan trọng về chính sách tự do hóa thương mại. Những chương trình nghị sự về thương mại trọng điểm như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Âu đang trong tiến trình thảo luận và phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thành công liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đang được thực hiện bao gồm việc xây dựng hệ thống đường sắt ở các thành phố lớn cũng như nâng cấp đường quốc lộ.
Những nguy cơ đối với Việt Nam
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý. Trong đó, thu nhập từ dầu mỏ thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến vị thế tài chính của Việt Nam. Trong năm 2012, dầu mỏ chiếm 19% trong tổng doanh thu cả nước. Chính vì vậy, HSBC cho rằng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là từ dầu mỏ sẽ giảm, từ đó sẽ ảnh hưởng đến cán cân tài chính. Điều an ủi duy nhất là Bộ Tài chính đã có đánh giá khá thận trọng về dầu mỏ, có nghĩa rằng việc thiếu hụt nguồn thu ngân sách sẽ không quá khác biệt so với dự toán tài chính. Việt Nam đã tích lũy dự trữ ngoại hối khoảng 36 tỷ USD. Tuy nhiên, có một nguy cơ khi NHNN không đáp ứng các điều kiện thị trường một cách kịp thời sẽ dẫn đến việc thanh khoản trong nước bị o ép.
Nếu như NHNN không đáp ứng điều kiện thị trường một cách kịp thời thì có thể xảy ra hai khả năng: (1) là cho phép cung cầu thị trường những động lực để quyết định tỷ giá USD/VND, hay là (2) bơm thêm USD vào hệ thống, thanh khoản có thể mỏng.
Một nguy cơ khác là những cải cách chậm chạp Chính phủ đặc biệt là giải quyết các khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính. Trong khi Chính phủ luôn nhấn mạnh đang tư nhân hóa các tài sản Nhà nước và nâng cao quản trị doanh nghiệp, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm. Những chính sách pháp luật quan trọng vẫn còn bị trì hoãn bao gồm những kế hoạch để dỡ bỏ những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc nâng mức trần sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực từ mức hiện tại là 49% lên 60%.
VAMC cũng khá chậm chạp trong việc tiến hành bán các khoản nợ. Một phần của vấn đề là do Chính phủ miễn cưỡng để cải tổ và thúc đẩy các quy định để giải quyết các khoản nợ khó đòi.
Nhu cầu nước ngoài thấp cũng là một vấn đề của Việt Nam. Dữ liệu từ hai năm đầu tiên của tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn chậm chạp. Cùng với xuất khẩu, tăng trưởng du lịch cũng có thể yếu trong năm 2015 do cạnh tranh ngày càng tăng lên.
Phước Phạm (Theo HSBC)
|