Thứ Tư, 25/03/2015 17:59

"Việt Nam không thể đứng chót bảng xếp hạng cạnh tranh ASEAN"

Sáng 25/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan về cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Cùng dự làm việc có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Vũ Văn Ninh và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Báo cáo với Thủ tướng về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trưòng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Luật Hải quan năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý hiện đại hóa quản lý hải quan; thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan; góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, tạo thuận lợi thương mại; đã có 14 thủ tục được bãi bỏ và 41 thủ tục được đơn giản hóa.

Hiện nay, toàn bộ 34 Cục và 171 Chi cục Hải quan trong cả nước đã thực hiện thông quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS với 98% số tờ khai, kim ngạch đã thông quan điện tử.

Từ tháng 11/2014, Tổng cục Hải quan thực hiện Cổng thanh toán điện tử tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, tiếp nhận thông tin thu từ 17 ngân hàng thương mại có ký thỏa thuận phối hợp thu với tần suất tức thời (trực tuyến) và từ Kho bạc với tần suất 15 phút/lần; tự động hạch toán kế toán, thanh khoản nợ, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với số thu chiếm 59% số thu của Tổng cục.

9/9 Cục Hải quan cảng biển, 42 hàng tàu, 410/500 đại lý hãng tàu đã thực hiện khai hồ sơ điện tử hàng hóa và các chứng từ có liên quan cho phương tiện vận tải biển xuất cảnh, nhập cảnh (E-manifest).

Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN theo đúng tiến độ, đã kết nối chính thức thực hiện một số thủ tục hành chính (bao gồm thủ tục cấp C/ O form D) của Bộ Công Thương, triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại 12 cảng biển quốc tế.

Qua đó, thời gian giải phóng hàng tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 - đơn vị có khối lượng công việc lớn nhất vào tháng 10/2014, thời gian đăng ký tờ khai hải quan khoảng 3 giây; thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng đối với hàng nhập khẩu chỉ còn là 34 giờ 32 phút 14 giây, giảm đi 7,6 giờ tương đương với 18% so với năm 2013. Thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan đối với hàng xuất khẩu là 6 giờ 58 phút 55 giây, giảm 9,6 giờ - giảm 58% so với năm 2013.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan như số lượng hồ sơ thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn đầu kết nối chính thức còn hạn chế, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, chứng từ, kiểm tra thực tế hàng hóa còn cao, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua các hoạt động kiểm tra hải quan chưa đạt yêu cầu, chỉ dưới 1%.

Thời gian kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng của 8 cơ quan quản lý nhà nước còn kéo dài, chất lượng thực hiện ở nhiều lĩnh vực còn hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, các danh mục phải kiểm tra quá rộng, tên hàng không rõ, chưa có mã số hồ sơ. Phương tiện kỹ thuật, nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và yếu; đưa ra kết quả chậm.

Việc phối hợp và trao đổi thông tin giữa các đơn vị còn hạn chế. Thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến thời gian giao lưu hàng hóa qua biên giới. Theo Ngân hàng Thế giới, trong 21 ngày giải quyết trao đổi, giao lưu hàng hóa qua biên giới; thời gian thực hiện thủ tục hải quan chỉ chiếm 5,88 ngày (28%), còn đến 15,12 ngày (72%) là thời gian của các Bộ quản lý chuyên ngành và thời gian bốc xếp, làm hàng ở cảng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, qua một năm thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực hải quan đã có nhiều tiến bộ nhưng so với yêu cầu là chưa đạt, cần đề ra các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh một trong những giải pháp rất quan trọng để hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là điểm yếu của Việt Nam mà Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh hiện nay, không có môi trường cạnh tranh sẽ không thu hút được đầu tư mà thủ tục hải quan, thủ tục thông quan là một trong những cản trở, hạn chế.

Việt Nam không thể đứng chót bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh trong khối ASEAN-6, Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện được vị trí này mà không phải đầu tư tốn kém - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp. Văn phòng Chính phủ tập hợp ý kiến, ra thông báo kết luận buổi làm việc, thể hiện rõ quyết tâm cải cách thủ tục hải quan là tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đi lại của người dân trong nước, nước ngoài thuận lợi để phát triển kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của đất nước. Nền kinh tế nước ta hội nhập rất sâu rộng, phải mở rộng thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tránh nguy cơ tụt hậu. Muốn vậy, phải cải cách thủ tục, trong đó, cải cách thủ tục hải quan là rất quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, xuất khẩu tăng gắn liền với tăng GDP, tạo việc làm nhiều hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

“Thủ tục hành chính là khâu đột phá. Cải cách thủ tục là tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh làm ăn theo pháp luật. Làm kinh tế trực tiếp là doanh nghiệp, người dân; phải cải cách luật pháp, thủ tục thông thoáng, thuận lợi ” – Thủ tướng khẳng định.

Cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi cải cách nhưng chỉ là kết quả bước đầu, Thủ tướng chỉ rõ không thể dừng lại, không thể bỏ mặc và cũng không thể hài lòng với kết quả này được.

"Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nhiều. Điều đó đòi hỏi nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cải cách thủ tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển." - Thủ tướng nhấn mạnh.

Muốn cải cách, theo Thủ tướng, phải rà soát pháp luật hiện hành, từng Bộ rà soát các văn bản quy định liên quan đến doanh nghiệp, người dân theo hướng phục vụ tối đa, lắng nghe ý kiến người thực hiện, tham khảo thông lệ quốc tế để đưa ra giải pháp thông thoáng nhưng đồng thời phải chặt chẽ, quản lý được.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải ngồi lại với nhau bàn công tác phối hợp để đưa chủ trương cải cách đi vào thực tiễn, chú ý đến con người và tổ chức thực hiện nhưng không được tăng biên chế.

Thủ tướng cũng lưu ý đến công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, phải có chuyển biến thực sự bằng các con số; đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí và doanh nghiệp tham gia giám sát, thẳng thắn phê phán những đơn vị làm không tốt.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần thống nhất nguyên tắc tạo thuận lợi thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cái gì phải xử lý trong nội bộ của nhà nước, các Bộ phải đứng ra làm, không đẩy khó khăn đó cho doanh nghiệp, phải kết hợp các giải pháp nghiên cứu sửa đổi thủ tục và có chế tài phạt để doanh nghiệp không dám vi phạm.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa các Bộ và kết nối với doanh nghiệp, xây dựng các kho dữ liệu trung tâm, nắm nguồn gốc hàng hóa nhập vào, xuất ra, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định nhiều tiêu chí Việt Nam có thể làm tốt hơn mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19/2014/NQ-CP. Điều quan trọng là trong 21 ngày giải quyết trao đổi, giao lưu hàng hóa qua biên giới, phải làm rõ được thời gian trong từng Bộ là bao nhiêu ngày để từ đó các Bộ tự nêu tiêu chí giảm tối đa về thời gian.

Chu Thanh Vân

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu thị trường gia công thế giới (25/03/2015)

>   ADB cảnh báo nợ công Việt Nam có thể đến 60% GDP (24/03/2015)

>   CPI bình quân quý I có mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (24/03/2015)

>   Bloomberg ví Việt Nam như "con hổ mới" tại châu Á (23/03/2015)

>   Việt Nam liên tục đánh mất cơ hội bắt kịp láng giềng (23/03/2015)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,16% (22/03/2015)

>   FTA- Dưới góc nhìn của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp (21/03/2015)

>   Hà Nội thu hút được 167 triệu USD vốn FDI tính đến giữa tháng 3 (21/03/2015)

>   Hà Nội: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 6% trong tháng 3 (21/03/2015)

>   Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,38% (20/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật