IMF cảnh báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong dài hạn
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 9/4 đã lên tiếng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong dài hạn cùng hàng loạt thách thức lớn bất chấp các rủi ro về kinh tế vĩ mô đã giảm kể từ mùa Thu năm ngoái.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. (Nguồn: blogs.reuters.com)
|
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF/Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra vào tuần tới, Tổng Giám đốc Lagarde nhận định mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,4% trong năm ngoái là phù hợp với mức trung bình trong ba thập kỷ qua, song tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này không đủ để "chữa lành những tổn thương" do cuộc Đại suy thoái kinh tế 2007-2009 gây ra khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ vẫn cao ở mức 50% tại một số nước.
Bà cũng lưu ý tăng trưởng toàn cầu hiện vẫn ở mức "vừa phải và chưa đồng đều" và tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng. Cụ thể, trong khi các nền kinh tế phát triển, bao gồm cả Mỹ, có tốc độ tăng trưởng nhẹ, tình hình kinh tế tại các nền thị trường mới nổi và nước đang phát triển lại không mấy khả quan do giá dầu và hàng hóa sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại song vẫn "vững chắc" trong khi một phần của Trung Đông lại đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo IMF đã cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua tình trạng tăng trưởng thấp trong dài hạn với nhiều thách thức đang ngày càng gia tăng.
Theo bà Lagarde, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, hệ thống ngân hàng trên thế giới đã dần ổn định song những rủi ro lại "dịch chuyển từ các ngân hàng sang các tổ chức phi ngân hàng, từ các nền kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi." Đơn cử như đồng USD tăng giá lại làm suy yếu các đồng tiền chủ chốt khác, khiến các thị trường mới nổi phải gánh một khoản nợ lớn bằng đồng USD. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng cũng làm gia tăng những rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Trước thực tế trên, Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải hợp tác để tăng tốc độ tăng trưởng tiềm năng trên toàn thế giới cũng như ngăn chặn tình trạng "đình trệ kéo dài" xảy ra. Bà đề xuất tăng cường đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo bà Lagarde, các nhà nhập khẩu dầu mỏ mới nổi và đang phát triển cần tranh thủ giá dầu thấp để cắt giảm trợ cấp năng lượng cũng như tiết kiệm được các nguồn lực để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.
Đối với Nhật Bản và khu vực châu Âu, bà Lagarde kêu gọi những nước này cần tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài chính nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế trong khi vẫn duy trì khả năng chịu nợ trong trung hạn.
Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nhỏ cũng cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận nguồn vốn. Để có thể củng cố sự vững chắc của kiến trúc tài chính toàn cầu, nhà lãnh đạo IMF cũng chủ trương thúc đẩy hợp tác với các tổ chức tài trợ mới như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án ở các nước châu Á.
Bài phát biểu của Tổng Giám đốc Lagarde được đưa ra hai ngày sau khi Chủ tịch WB Jim Yong Kim cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đang đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên thế giới vào năm 2030 mà thể chế tài chính này đề ra.
Trước đó, IMF cũng đưa ra cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới nên chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và tình trạng này sẽ khiến các chính phủ và doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc giảm các khoản nợ.
vietnam+
|