Thuê tư vấn quốc tế giải quyết tranh chấp nguồn nước sông Nile
Ngày 9/4, Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã nhất trí lựa chọn hai công ty tư vấn quốc tế để tiến hành nghiên cứu các tác động của dự án đập thủy điện "Đại phục hưng" của Ethiopia trên thượng nguồn sông Nile.
Công trường thi công thủy điện "Đại phục hưng." (Nguồn: Reuters)
|
Tuyên bố chung của cuộc họp giữa Bộ trưởng Thủy lợi ba nước tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) cho biết ba bên đã nhất trí thuê hai công ty tư vấn châu Âu nhằm nghiên cứu các tác động về thủy văn, tài chính và xã hội của dự án gây tranh cãi nói trên.
Nguồn tin từ Bộ Thủy lợi Ai Cập cho hay hai công ty được chọn là tập đoàn Artelia (Pháp) và một công ty Hà Lan.
Phát biểu với hãng thông tấn chính thức MENA, Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập Al-Moghazi nêu rõ các nghiên cứu sẽ được tiến hành trong khung thời hạn 11 tháng, đồng thời đánh giá thỏa thuận đạt được ngày 9/4 là một "bước tiến" trong quan hệ hợp tác giữa ba nước.
Cũng theo Bộ trưởng Al-Moghazi, hợp đồng với hai hãng tư vấn trên sẽ được ký kết tại Addis Ababa vào đầu tháng Năm tới.
Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, người đồng cấp Sudan Omar al-Bashir và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn đã ký thỏa thuận hợp tác ban đầu về đập thủy điện "Đại phục hưng."
Thỏa thuận này bao gồm những nguyên tắc quản lý, đảm bảo phục vụ lợi ích của ba quốc gia, đặc biệt là lợi ích của Ai Cập và Sudan.
Thỏa thuận cũng là cơ sở hợp tác trong thời gian tới, cụ thể là tăng cường các mối quan hệ, xây dựng lòng tin lẫn nhau và trao đổi thông tin. Ngoài ra, văn kiện này còn quy định Ethiopia cần tôn trọng kết quả nghiên cứu về đập thủy điện cũng như cam kết của ba nước nhằm đạt được thỏa thuận về nguyên tắc hoạt động của công trình.
Ethiopia bắt đầu đổi hướng dòng chảy của sông Nile hồi tháng 5/2013 để xây dựng đập thủy điện dài 1.780m và cao 145m, có công suất 6.000 megawatt.
Với chi phí dự tính lên tới 4,2 tỷ USD, "Đại phục hưng" sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất châu Phi sau khi được hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, dự án trên đã vấp phải sự phản đối từ phía Ai Cập vì cho rằng đập sẽ làm gián đoạn dòng chảy của sông Nile.
vietnam+
|