Đừng vội mừng với tăng trưởng GDP!
Tuy GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng vẫn cần hết sức thận trọng trong điều hành vĩ mô
Ủy ban Giám sát Tài chính (GSTC) quốc gia lạc quan dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2% (chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng).
Sản xuất tốt lên
Dự báo của Ủy ban GSTC quốc gia được đưa ra trên cơ sở phân tích các yếu tố tích cực của nền kinh tế trong quý I, đặc biệt là khả năng cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Cầu đầu tư cũng cải thiện khi dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kỳ, đạt mức tăng 1,25%, trong khi quý I/2014 âm 0,57%. Tín dụng được cải thiện do lãi suất giảm thêm 0,2% so với đầu năm. Tốc độ giải ngân vốn FDI thực hiện cũng cao hơn, đạt 7% so với mức 5,6% của quý I/2014.
Tổng cung cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm liên tục từ tháng 12-2014, năng suất của nền kinh tế có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý I/2014.
Đáng lưu ý, kinh tế tăng trưởng tốt giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến thu ngân sách. Ủy ban GSTC quốc gia ước tính cả năm 2015, giá dầu bình quân 60 USD/thùng sẽ trực tiếp làm thu ngân sách từ dầu thô giảm 37.000 tỉ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sản xuất, kinh doanh thông qua giảm chi phí sản xuất. Nhờ đó, thu ngân sách từ khu vực sản xuất, kinh doanh có thể tăng khoảng 22.000 tỉ đồng so với dự toán.
Sản xuất, kinh doanh khởi sắc ngay những tháng đầu năm 2015. Trong ảnh: Sản xuất cao su kỹ thuật cao xuất khẩu tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
|
Báo cáo của tổ chuyên gia tư vấn trình Chính phủ cũng nhận định kinh tế vĩ mô nước ta có bước chuyển biến tích cực, tiếp tục ổn định và tăng trưởng kinh tế duy trì được xu hướng khôi phục.
Về triển vọng cả năm 2015, các chuyên gia tư vấn cho rằng với những kết quả sản xuất, kinh doanh tốt ngay những tháng đầu năm cũng như các giải pháp chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ thời gian qua, tốc độ tăng GDP năm 2015 sẽ có khả năng vượt kế hoạch, đạt từ 6,3% đến 6,5%.
Hết sức thận trọng
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: “Tăng trưởng cao nhưng phải làm rõ tăng trưởng từ đâu, khối doanh nghiệp (DN) trong nước đóng góp được bao nhiêu hay là nhờ DN có vốn đầu tư nước ngoài? Xuất khẩu khá nhưng chỉ tạm nhập tái xuất thì giá trị xuất khẩu được bao nhiêu? Làm rõ những con số đó mới khẳng định được thành tích đến đâu”.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng không nên vì tín hiệu tăng trưởng tốt mà lơ là các mục tiêu đã đề ra. Thậm chí, cần phải nhân cơ hội tăng trưởng tốt để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa yêu cầu tái cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh.
“Năm nay là năm của DN, cần tháo gỡ khó khăn cho môi trường kinh doanh và cơ bản là phải tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của DN. Nông nghiệp gặp khó thì phải đẩy nông nghiệp lên. Ngân sách phải chi hợp lý, đừng phung phí. Tập trung điều hành vĩ mô, không được chủ quan thì mới không bỏ phí cơ hội tăng trưởng” - TS Hồ nhìn nhận.
Theo các chuyên gia kinh tế, những thuận lợi thời gian đầu năm khó có thể duy trì ở mức cao trong cả năm nên việc đánh giá triển vọng kinh tế cần thận trọng, chưa thể đưa ra các dự báo quá lạc quan. Các chuyên gia chỉ ra nhiều mối lo, như: tổng cầu của nền kinh tế chưa phục hồi bền vững, bất ổn còn tiềm tàng, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại, nhập khẩu đang có xu hướng tăng, chỉ số phát triển công nghiệp tuy tăng khá nhưng chủ yếu do tác động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng...
Về điều hành tỉ giá, trong bối cảnh lạm phát trong ngắn đến trung hạn được dự báo sẽ ở mức thấp thì chính sách tỉ giá cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, cũng như cạnh tranh với nhập khẩu và sản xuất trong nước. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục thực hiện cam kết tỉ giá như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố. Tuy nhiên, trong trung hạn, cần có đánh giá sát hơn để có chính sách tỉ giá, cơ cấu dự trữ ngoại tệ mềm dẻo, hợp lý để có thể điều chỉnh phù hợp với thị trường và tác động tốt đối với DN và người dân.
TS Vũ Đình Ánh: Tránh tâm lý chủ quan
Với tốc độ tăng GDP trong quý I cùng xu hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước đã hình thành từ nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng cả năm trên 6,2% gần như trong tầm tay, thậm chí hoàn toàn có thể vượt qua ngay từ quý II.
Sự khởi động mạnh mẽ của nền kinh tế đầu năm được xây dựng trong môi trường tiếp tục duy trì và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả quý I chỉ tăng 0,74%, đi đôi với xu hướng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng như ổn định tỉ giá hối đoái và cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư.
Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn nếu trong thời gian tới khắc phục được một số vấn đề sau: Khắc phục thiên tai và đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp nông thôn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực nông nghiệp; tăng cường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi vốn đăng ký đã giảm mạnh trong quý I; đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời kiểm soát nhập khẩu để phục hồi cân bằng cán cân thương mại, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Nhập siêu quý I tăng vọt lên mức 1,8 tỉ USD, trái ngược hẳn con số xuất siêu 1 tỉ USD cùng kỳ năm 2014, chủ yếu do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chưa bằng một nửa so với con số tăng 14,1% của quý I/2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng 16,3% (con số tương ứng cùng kỳ năm trước là 12,4%).
Bên cạnh đó, cần tránh tâm lý chủ quan, coi nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô mà tập trung quá mức vào đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trong khi tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Dự báo quá lạc quan!
Tôi chưa tin tưởng lắm với khả năng tăng trưởng cao và bền vững bởi thực chất, thành tích vừa qua có được là do giá xăng dầu giảm sâu, giá điện tăng ở mức ít ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ổn định. Những dấu hiệu này đã có từ cuối năm 2014 vắt sang đầu năm 2015 nên mức tăng GDP như vừa qua không phải quá bất ngờ.
Kỳ vọng tháng sau tiếp tục tăng cao hơn thì chưa chắc đã đạt bởi giá xăng đang lên, giá điện tuy ảnh hưởng ít nhưng cũng bắt đầu có những tác động nhất định. Chưa kể, chính sách thuế của Bộ Tài chính luôn theo hướng nếu giá dầu giảm thì tăng thuế nhập khẩu và thuế môi trường làm cạn dòng chảy của tăng trưởng. Cũng cần nói là tuy thời điểm này, chúng ta phải ghi công cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ, thông qua việc giữ tỉ giá nhưng liệu có giữ được mãi không? Do vậy, có thể tăng trưởng mạnh chỉ là nhất thời. GDP cả năm có thể đạt mục tiêu 6,2% hoặc nhỉnh hơn chút nhưng nói 6,5% là quá lạc quan.
TS Lưu Bích Hồ: 6,2% là tốt rồi
GDP quý I tăng là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hết sức khôi phục đà tăng trưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng có thể tăng trưởng cao hơn mục tiêu 6,2% nhưng theo tôi, cứ đạt được 6,2% là đã tốt rồi bởi còn nhiều tồn đọng phải giải quyết, như: nợ xấu; DN bị hạn chế môi trường kinh doanh, nhất là khả năng tiếp cận vốn đầu tư; nông nghiệp còn rất khó khăn...
Hơn nữa, tăng trưởng được tính toán dựa trên những yếu tố nắm chắc trong tay, trước hết là vốn nên có thể khẳng định nguồn vốn của chúng ta sẽ tương ứng với tăng trưởng khoảng 6,2%. Vẫn có khả năng dòng vốn được sử dụng hiệu quả hơn thì GDP sẽ vượt lên nhưng phải cố gắng rất nhiều.
T.Hà - Ph.Nhung ghi
|
Phương Nhung - Tô Hà
Người lao động
|