Thứ Tư, 29/04/2015 10:36

Chuyện in tiền Cụ Hồ ở Nam Bộ kháng chiến

Đã hơn 68 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính (KCHC) Nam Bộ in và lưu hành tiền giấy, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp… hiện tại người dân vùng Đồng Tháp Mười và một số huyện phía Nam của tỉnh Long An vẫn còn lưu giữ giấy bạc Cụ Hồ như những chứng tích cách mạng một thời hào hùng của quân dân Nam Bộ.

Xưởng in tiền trong vùng lũ

Ông Lê Văn Mới là một trong những “nhân chứng” cuối cùng về xưởng in tiền Cụ Hồ

Những ngày đầu tháng 4/2015, chúng tôi tìm về nơi ngày xưa đã đặt xưởng in tiền Cụ Hồ và tìm gặp những“nhân chứng” còn sống đã tham gia hoạt động in tiền. Theo hướng dẫn của bà con, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh (Long An), nơi ngày xưa đặt trụ sở Ủy ban KCHC Nam Bộ.

Gặp chúng tôi, ông Lê Thanh Đông, Bí thư xã Nhơn Hòa Lập tỏ ra tiếc nuối khi nhân vật quan trọng là cụ Trần Kiện Toàn đã qua đời cách đây hơn hai năm. Tuy nhiên, vẫn còn một người, đó là cụ Lê Văn Mới, người biết khá rõ về sự kiện này. Nói rồi ông Đông dẫn chúng tôi đến nhà cụ Mới (86 tuổi, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, còn gọi cụ Tám Mới)

Căn nhà nhỏ của cụ Tám Mới nằm sâu bên mé kênh. Khi chúng tôi đến, cụ Tám Mới đang nằm đọc sách. Nghe có tiếng gọi, cụ Tám Mới bật dậy bước ra cửa nhiệt tình mời khách vào nhà. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Tám Mới còn rất minh mẫn. Bên chén trà nóng, cụ kể: “Hơn 70 năm trước tôi đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng, làm bộ đội địa phương của huyện Mộc Hóa, đóng quân trên địa bàn xã Nhơn Hòa Lập. Khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình được 3 tuần, Nam Bộ lại phải đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Do các đô thị lớn đã bị Pháp tái chiếm nên Ủy ban KCHC Nam Bộ buộc phải chuyển về chốn bưng biền Đồng Tháp Mười thuộc xã Nhơn Hòa Lập ngày nay. Cuối năm 1947, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh cho phép Ủy ban KCHC Nam Bộ in và lưu hành tiền giấy, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lúc bấy giờ, Sở Ngân khố và xưởng in tiền nằm cạnh dòng kênh Dương Văn Dương tại nhà ông Tám Khố, ấp Nhơn Hòa Lập, nay là ấp Bùi Thắng. Ông Trần Kiện Toàn (87 tuổi, đã chết cách đây hơn hai năm), Đại tá quân đội nghỉ hưu, được giao chỉ huy đội bảo vệ xưởng in tiền Cụ Hồ và căn nhà nơi đặt xưởng in”, nói đến đây thì ông Tám Mới nghẹn giọng và rớm nước mắt khi nhắc tên người đồng đội, người anh đáng kính là cụ Trần Kiền Toàn…

Sau một hồi trầm ngâm, cụ Tám Mới kể thêm, lúc cụ Toàn còn sống thường sang nhà cụ Tám Mới uống trà và nhắc lại kỷ niệm về xưởng in tiền. Theo đó, sau khi được phép in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ, Ban Ấn loát giấy bạc Nam Bộ được thành lập. Ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông, đặc phái viên Chính phủ tại Nam Bộ, làm Trưởng ban. Hai Phó trưởng ban là kỹ sư Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Kinh tế Nam Bộ và luật sư Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ. Ông Huỳnh Văn Giám, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An lúc ấy, làm tổ trưởng tổ in tiền.

Ủy ban KCHC Nam Bộ cũng điều động giáo sư Phan Văn Hộ, giảng viên ngành chạm - khắc đồng, về Đồng Tháp Mười cùng thực hiện việc in tiền. Khi xưởng in tiền đi vào hoạt động, Ủy ban KCHC Nam Bộ tổ chức canh phòng, bảo vệ rất nghiêm ngặt.

“Tuy là vùng cách mạng nhưng mọi giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân Đồng Tháp Mười lúc này đều dùng giấy bạc Đông Dương do thực dân Pháp phát hành. Cũng có lúc, người dân sử dụng đồng của Nhật để mua bán, trao đổi hàng hóa. Lúc đó, giấy bạc Đông Dương có giá trị nhưng thực dân Pháp hạn chế lưu hành trong vùng cách mạng nên người dân Đồng Tháp Mười nảy ra sáng kiến cắt đôi tờ giấy bạc để sử dụng. Tiền cắt đôi chỉ có giá trị giao dịch trong nội bộ người dân ở vùng cách mạng quản lý. Trước tình hình này, Ủy ban KCHC Nam Bộ kiến nghị lên Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa cho phép in và phát hành tiền tại vùng Đồng Tháp Mười để thay thế tiền Đông Dương”, ông Tám Mới cho biết.

Khu vực Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, trong đó Sở Ngân khố và xưởng in tiền Cụ Hồ ngày nay là một dòng kênh xanh

Sức sống của giấy bạc Cụ Hồ ở vùng kháng chiến

Qua tin tình báo, biết Ủy ban KCHC Nam Bộ có xưởng in tiền, thực dân Pháp liền ra lệnh triệt phá, hủy diệt cho bằng được. Ngày cũng như đêm, địch điều động lực lượng và tàu chiến, xe lội nước đánh vào căn cứ kháng chiến nhưng không lần nào trúng xưởng in tiền. Trên trời, địch liên tục cho máy bay quần thảo, dội bom bất cứ mục tiêu nào mà chúng nghi ngờ là xưởng in tiền Cụ Hồ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tồn tại, xưởng in tiền và những người làm việc trong đó đều bình an vô sự. Cứ thế, các loại giấy bạc kháng chiến loại 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng nối nhau ra đời, chẳng những lưu thông trong vùng Đồng Tháp Mười mà còn lan tỏa khắp các vùng kháng chiến khác của Nam Bộ. Người dân vùng Đồng Tháp Mười quen gọi đây là giấy bạc Cụ Hồ hay tiền Cụ Hồ vì trên các loại giấy bạc đều có in chân dung Người.

Bất lực trước việc phá xưởng in tiền Cụ Hồ, thực dân Pháp thực hiện chủ trương bao vây, cấm vận toàn vùng Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang ngày nay. Bên cạnh đó, địch còn mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ rằng, giấy bạc Cụ Hồ không hợp pháp, in trên giấy xấu, dễ rách, không giá trị sử dụng và sẽ bị tịch thu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện tại người dân vùng Đồng Tháp Mười và một số huyện phía Nam của tỉnh Long An vẫn còn lưu giữ giấy bạc Cụ Hồ như những chứng tích cách mạng một thời hào hùng của quân dân Nam Bộ.

Đầu năm 1954, Ủy ban KCHC Nam Bộ chủ trương in và phát hành loại giấy bạc mệnh giá 200 đồng và 500 đồng. Tờ giấy bạc 200 đồng vừa in xong thì cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneva ra đời, đất nước chia đôi. Vì vậy, xưởng in tiền Cụ Hồ ở Đồng Tháp Mười cũng kết thúc vai trò lịch sử của mình vào tháng 11/1954, toàn bộ xưởng in được đưa về Quân khu 9. Các loại giấy bạc Cụ Hồ in và lưu hành từ năm 1947 đến năm 1954 ước khoảng 3,6 tỉ đồng.

Giấy bạc với thế hệ trẻ

 

Chị Nguyễn Phương Thảo, phòng nghiệp vụ Bảo tàng Long An cho biết: “Hiện Bảo tàng đã sưu tập được bốn mệnh giá tiền giấy bạc Cụ Hồ gồm: Loại một đồng, năm đồng, mười đồng và hai mươi đồng của một số hộ gia đình ở huyện Bến Lức, Mộc Hóa, Long An”. Cũng theo chị Thảo, người dân Đồng Tháp Mười vẫn còn gìn giữ loại giấy bạc này để kỷ niệm một thời quật khởi chống thực dân Pháp xâm lược.

Hải Đường

Báo giao thông

Các tin tức khác

>   Tỷ giá EURO ngày 28.4: Tiếp đà đi xuống (28/04/2015)

>   Sáp nhập ngân hàng tại "mùa" đại hội cổ đông: Tạo cơ hội phát triển mới (28/04/2015)

>   Phải chặn từ ngọn (28/04/2015)

>   Đại gia Việt co cụm, tài phiệt ngoại tấn công (28/04/2015)

>   ATM lại nghỉ lễ sớm (28/04/2015)

>   HSBC: Việt Nam có thể giảm lãi suất trong quý 2 (28/04/2015)

>   Dấu ấn ¼ thế kỷ của HDBank (27/04/2015)

>   ĐHĐCĐ ABBank: Sẽ đợi các ngân hàng tự tìm đến để M&A (27/04/2015)

>   Ngân hàng lãi ngàn tỷ: Nghịch cảnh 10 năm không cổ tức (27/04/2015)

>   ĐHĐCĐ SCB: Chưa thể niêm yết và trả cổ tức, đã nắm gần 60% vốn Bảo hiểm Bảo Long (26/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật