HSBC: Việt Nam có thể giảm lãi suất trong quý 2
HSBC cho biết đà tăng chậm của hai chỉ báo CPI và GDP đã buộc các ngân hàng trung ương ASEAN nới lỏng chính sách trong quý 1. Theo dự báo của ngân hàng này thì Việt Nam, Indonesia và Malaysia có thể cắt giảm lãi suất trong quý 2.
Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô ASEAN mang tên “Có cơ hội để lạm phát, nhưng không dễ dàng” được công bố ngày 27/04, HSBC cho biết: “Những ngôi sao sáng của ASEAN đang dần mất sự huy hoàng do bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong và ngoài nước đang suy yếu”. Các số liệu định kỳ thất vọng đã khiến HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP 2015 của Malaysia, Singapore và Thái Lan. HSBC cho biết lạm phát tại khu vực này đã giảm do chi phí xăng dầu thấp hơn, mức tăng lương cũng hạ nhiệt và tiêu dùng cũng yếu hơn.
Điều này cộng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp đã tạo cơ hội cho Indonesia, Singapore và Thái Lan gây ngạc nhiên cho các thị trường khi thực hiện chính sách nới lỏng trong quý 1/2015. Mặc dù quý 4/2015 sẽ có những cơ sở không thuận lợi nhưng HSBC tin rằng áp lực về giá sẽ giảm vào cuối năm 2015 với giả định giá cả thực phẩm ổn định và chi phí xăng dầu sẽ tăng từ từ.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ASEAN đang cố gắng hết sức để hỗ trợ, HSBC kỳ vọng Indonesia, Malaysia và Việt Nam sẽ siết chặt việc cắt giảm lãi suất trong quý này trong khi các nước khác có thể giữ nguyên. Theo HSBC, việc NHTW Malaysia và NHTW Thái Lan thay đổi lãi suất sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất đến các điều kiện thanh khoản, trong khi NHTW Philippines (BSP) thay đổi lãi suất chính sách lại có sức ảnh hưởng trực tiếp ít hơn. Ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất đối với nền kinh tế sẽ không đáng kể tại Malaysia và Thái Lan do bị các điều kiện tài chính và thanh khoản hạn chế bớt.
HSBC cho biết áp lực giá cả tại ASEAN đang suy giảm nhanh. Theo chu kỳ, việc giảm giá hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, đang đẩy chỉ số CPI toàn phần đi xuống (cũng như CPI cơ bản ở Singapore) vì năng lượng chiếm một tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Theo đó, lạm phát đang trên đà suy giảm do tăng lương hạ nhiệt và các khoản nợ tăng thêm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng nhu cầu. Điều này đã tạo cơ hội cho các NHTW ASEAN cân nhắc việc nới lỏng các điều kiện tiền tệ thêm nữa để kích cầu nội địa.
HSBC tin rằng triển vọng về lạm phát không tăng nhanh sẽ hỗ trợ các NHTW trong khối ASEAN nới lỏng các điều kiện tiền tệ cho cả năm 2015. Sau khi đã cắt giảm một đợt lãi suất trong quý 1/2015, HSBC dự báo NHTW Thái Lan sẽ sẵn sàng trong năm 2015. Tuy nhiên, Indonesia sẽ cắt giảm thêm lãi suất chính sách khoảng 0.25% trong quý 2/2015 trước khi tạm dừng. Lạm phát thấp và tăng trưởng yếu cũng kích thích NHTW Malaysia tiếp tục hạ lãi suất chính sách của mình bớt 0.25% để đạt mức 3% trong quý 2/2015. Việt Nam cũng có vẻ thích mức lãi suất thấp hơn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Tác động của việc cắt giảm lãi suất?
Báo cáo cho biết các NHTW ASEAN sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy đà tăng trưởng đang trên đà giảm sút. Theo đánh giá của HSBC, NHTW các nước Indonesia, Malaysia và Việt Nam sẽ cắt giảm lãi suất trong quý 2/2015 trong khi các NHTW khác sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp. Câu hỏi đặt ra là liệu những động thái đó có hỗ trợ cho nền kinh tế?
Có một số cách nhìn nhận về vấn đề này. Ví dụ, việc giảm giá tiền tệ có thể tạm thời thắt chặt các điều kiện tài chính trong nước nếu như việc đó nguyên nhân từ nguồn vốn chảy ra nước ngoài gây ra, bù lại hiệu ứng nới lỏng của việc cắt giảm lãi suất. Ở những thị trường mà nhu cầu đi vay hay nguồn cung tín dụng yếu (do sự bão hòa nợ, thay đổi khung pháp lý hoặc những triển vọng suy yếu ngày càng rộng khắp), việc cắt giảm lãi suất ít có hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động.
Trong thời điểm hiện tại ở khu vực ASEAN, đồng tiền suy yếu ở Malaysia và Indonesia có thể trung hoà những ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất thêm, trong khi ở Thái Lan và Malaysia, mức độ nợ cao có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và làm ảnh hưởng đến tác động của việc nới lỏng. Trong khi đó, ở Indonesia, các tổ chức tài chính trong nước cẩn trọng hơn và những tác động kéo dài của việc thay đổi pháp lý cũng có thể làm nản lòng những hoạt động thúc đẩy nhu cầu trước mắt mà việc cắt giảm lãi suất chính sách có thể gây ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố này, cũng có một vài lý do kỹ thuật mà việc thay đổi lãi suất chính sách có thể khác nhau về mặt hiệu quả trong việc dàn xếp các điều kiện tài chính từ thị trường này sang thị trường bên cạnh. Về mặt cơ bản, những điều này liên quan đến số lượng thanh khoản hiện có trong hệ thống tài chính. Ở những nơi nào thanh khoản dư thừa thì việc cắt lãi suất chính sách sẽ đóng vai trò nhỏ trong việc nới lỏng các điều kiện tài chính thêm nữa. Còn ở những nơi thanh khoản kém hơn thì những thay đổi lãi suất chính sách sẽ có tác động mạnh hơn.
Về phương diện này, NHTW Malaysia và NHTW Thái Lan có mức lãi suất chính sách hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại khi những thay đổi có tác động ngay đến lãi suất thị trường trong ngắn hạn. Lãi suất chính sách của NHTW Indonesia lại phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi của những mức lãi suất khác (hơn là lãi suất chính sách toàn phần). Lãi suất chính sách toàn phần của NHTW Philippines trở nên không hiệu quả lắm trong năm 2013 khi nó bị chia ra từ mức lãi suất tài khoản huy động đặc biệt (SDA). Ở đây, thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính có nghĩa rằng mức lãi suất thị trường tiền tệ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của mức lãi suất thị trường mở trong thời điểm hiện tại. Điều này sẽ làm cho các công cụ chính sách khác của NHNN Philippines quan trọng hơn như cách tiếp cận mà các ngân hàng có đối với lãi suất SDA.
HSBC cho biết lãi suất chính sách của Việt Nam chỉ hiệu quả khi thanh khoản bị siết chặt và lãi suất qua đêm cao hơn lãi suất thị trường mở OMO. Hiện tại, lãi suất chính sách được gọi là lãi suất thị trường mở OMO cho thời hạn 7 ngày. Khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn lãi suất OMO, các ngân hàng thông thường sẽ mượn từ NHNN, chuyển sang lãi suất OMO (5%) hay lãi suất tái cấp vốn mắc hơn (6,5%) nói chung chỉ là vấn đề của phương cách cuối cùng. Để rút thanh khoản, NHNN bán toàn bộ với mức lãi suất thấp hơn lãi suất OMO (sử dụng hình thức đấu giá kiểu Hà Lan).
HSBC tin rằng Malaysia có thể nhận sự giải cứu ngắn hạn từ việc cắt giảm lãi suất trong tương lai, nhưng theo phân tích kỹ càng của HSBC về hệ thống tài chính của Malaysia cho thấy một sứ mệnh dài hạn khác. Ngân hàng này cho rằng Malaysia là một nền kinh tế mà những lần cắt giảm lãi suất có thể không hỗ trợ tăng trưởng nhiều.
Mặc dù nhấn mạnh đến việc nới lỏng trong quý 2/2015, HSBC đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP 2015 của Malaysia từ 5.2% xuống 4.8%, của Thái Lan từ 3.9% xuống 3.6% do các điều kiện thương mại và nội địa khá thất vọng. Ngược lại, tình trạng của Philippines và Việt Nam có vẻ tương đối tốt do thanh khoản dư thừa mặt dù lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vẫn còn bị các khoản nợ xấu cao gây cản trở. Các khoản nợ trong khối tư nhân của Việt Nam cũng lớn nhưng đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2010 ở mức 125% GDP. HSBC tin rằng Việt Nam đang trong quá trình hồi phục mặc dù nhu cầu vẫn còn mong manh và các yếu tố bên ngoài cũng đang xấu thêm; chính vì vậy tăng trưởng chỉ có thể cải thiện nhẹ.
Phước Phạm (Theo HSBC)
|