Thứ Sáu, 03/04/2015 09:01

Bình quân mỗi ngày SCIC phải thoái vốn tại 1 doanh nghiệp

Ngày 01/04, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị phổ biến một số quy định về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Hà Nội.

Hội nghị phổ biến một số quy định về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán được tổ chức tại Hà Nội sáng 01/04

Ngày 01/04, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị phổ biến một số quy định về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Hà Nội. Tại hội nghị, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc SCIC, đã có những chia sẻ về quá trình bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận vốn của gần 1,000 doanh nghiệp và bán hết vốn tại 678 doanh nghiệp với kết quả thu được hơn 6,000 tỷ đồng.

Trong số gần 1,000 doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận, đa phần đều là những doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn, trong đó có 17% là các doanh nghiệp đang trong cảnh thua lỗ liên tục, do vậy việc bán vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, ông Học cho biết, SCIC đã đạt được những thành công nhất định khi giá thị thu về thông qua những đợt bán vốn của SCIC cao hơn giá vốn là 2.2 lần, cao hơn so với mức trung bình 1.42 lần kết quả thoái vốn chung của các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo quyết định 2344 của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cuối năm 2015 SCIC sẽ chỉ giữ vốn tại gần 100 doanh nghiệp. Với kết quả trong 3 tháng đầu năm, SCIC chỉ bán vốn được của 22 doanh nghiệp trong tổng số hơn 300 doanh nghiệp, kể cả số tiếp nhận trong năm nay. “Vì vậy từ giờ đến cuối năm, bình quân mỗi ngày SCIC phải bán vốn tại 1 doanh nghiệp” - ông Học chia sẻ.

Trước đây, khi cơ chế chưa hoàn thiện, SCIC gặp rất nhiều khó khăn khi tính giá trị công ty, do phải tính giá đất, kể cả đất thuê vào giá bán, nên rất khó bán. Hiện nay quy chế bán vốn cơ bản đã hoàn thiện, đề cập và xử lý được các tồn tại vướng mắc. Tuy một số cơ chế đã thể hiện trong Quyết định 51 nhưng vẫn có cơ chế chưa được đề cập đến nên SCIC gặp nhiều khó khăn trong quá trình bán vốn.

Đơn cử như về việc bán vốn cho người lao động. Các DNNN hiện nay bán vốn có quy mô nhỏ, các nhà đầu tư thường muốn tham gia với tư cách nhà đầu tư chiến lược, nắm cổ phần chi phối, còn còn lại sẽ ít quan tâm đến những việc bán vốn của SCIC. Do vậy, SCIC đã có đề xuất và đã được chấp nhận về việc trích 30% cổ phần bán cho người lao động hoặc nhà đầu tư chiến lược nhằm tăng tính hấp dẫn và khả năng bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Một vấn đề khác được ông Học đề cập đến là cơ chế hạ giá khởi điểm. Vấn đề này cũng đã được đề cập đến trong Quyết định 51 tuy nhiên khi đưa vào áp dụng thực tế lại nảy sinh vấn đề.

Tại một số doanh nghiệp xác định ngay từ đầu chỉ có 1 nhà đầu tư hoặc một số nhà đầu tư quan tâm thì họ không tham gia ngay chỉ tham gia vòng 3. Điều này làm cho việc bán vốn thu về giá trị không cao (giảm 30%) và thời gian bán vốn kéo dài. Do vậy, đã có trường hợp SCIC không triển khai bán vốn vòng 2 và vòng 3 ngay mà dừng lại để tìm nhà đầu tư quan tâm khác” – Ông Học ví dụ.

Về vấn đề bán cả lô, hiện Quyết định 51 chưa có đề cập nhưng theo ông Học sẽ giúp tạo ra sự hấp dẫn với những phiên bán vốn Nhà nước của SCIC. Trong quá trình thoái vốn cổ phần, nhiều nhà đầu tư muốn mua cả lô để có thể tham gia quản lý doanh nghiệp, trong các thương vụ này nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn. Và cũng có trường hợp nhà đầu tư chỉ cần mua thêm một khoản nhỏ là có thể chi phối công ty thì phần còn lại không ai mua.

Kết quả thực hiện tái cơ cấu năm 2014 đến quý 1/2015:

1. Về sắp xếp, cổ phần hóa:

Năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1.65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.

Kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Tính đến hết quý 1/2015, 29 doanh nghiệp (3 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 260 doanh nghiệp còn lại đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó, 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.

2. Về công tác thoái vốn:

Tính đến ngày 24/03/2015, cả nước đã thoái được 4,937 tỷ đồng, thu về 6,987 tỷ đồng (bao gồm cả SCIC), bằng 1.4 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là 2,690 tỷ đồng, thu về 3,177 tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính là 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng; bán vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 1,634 tỷ đồng, thu về 3,187 tỷ đồng (theo số liệu họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp quý 1/2015). 

  Minh Tuấn

Các tin tức khác

>   Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn còn chậm (02/04/2015)

>   IPO Hanoi Toserco: Bán hết 100% cp đấu giá, thu về 300 tỷ đồng (31/03/2015)

>   Giữ bằng được thương hiệu mạnh (29/03/2015)

>   Oman tiếp tục chạy đua giành quyền mua cảng Hải Phòng (27/03/2015)

>   VietJet Air sẽ IPO trong năm 2015? (27/03/2015)

>   Tái cơ cấu, DNNN lãi lớn (27/03/2015)

>   Năm nay phải cổ phần hóa xong 289 DNNN (26/03/2015)

>   Tương lai của các DNNN nhìn từ cổ phần hóa (25/03/2015)

>   Nhà đầu tư 'ngóng' bệnh viện cổ phần hóa đầu tiên (25/03/2015)

>   Vinafood1 sẽ bán đấu giá 112,500 cp Muối và Thương mại Nghệ An (25/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật