Chủ Nhật, 29/03/2015 08:40

Giữ bằng được thương hiệu mạnh

Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa còn gì, làm sao giữ và phát triển được thương hiệu Việt là vấn đề cần cân nhắc, tính toán

Năm 2015, TP HCM sẽ cổ phần hóa (CPH) 21 doanh nghiệp (DN) nhà nước, sau khi hoàn thành 11 đơn vị trong năm ngoái. Ngay từ đầu năm, các tổng công ty, DN nhà nước đã ký cam kết bảo đảm tiến độ CPH. Nhiệm vụ mà TP đặt ra đối với các DN là đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng phải giữ bằng được những thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Khó định giá

Kể câu chuyện Công ty CP Dịch vụ và Du lịch (Bến Thành Tourist) tháng 12-2014 phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công với giá trúng thầu bình quân hơn 21.000 đồng (giá khởi điểm 10.500 đồng), đại diện Tổng Công ty Bến Thành cho rằng thương hiệu DN được nhà đầu tư rất quan tâm, sẵn sàng trả giá cao. Những căn cứ theo quy định nhà nước để xác định giá trị DN thì chưa có nhưng thị trường đánh giá được tiềm năng, lợi thế của DN.

Sắp tới, TP sẽ CPH một loạt DN lớn, tổng công ty trên địa bàn. Theo Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM, hiện 21/21 DN nhà nước cần CPH trong năm nay đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo CPH, 19/21 DN có công văn chọn đơn vị tư vấn, 11/21 DN có quyết định giao tài sản để thực hiện CPH. Chỉ mới 2/21 DN có quyết định công bố giá trị DN.

Khách sạn Rex - một trong những thương hiệu nhà nước thuộc tốp đầu ngành du lịch Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Trên thực tế, không chỉ các DN phải CPH trong năm 2015 mà nhiều công ty cổ phần phải thoái vốn nhà nước trong năm nay gặp khó khăn trong khâu xác định giá trị DN. Chẳng hạn, Saigontourist là thương hiệu nhà nước thuộc top đầu ngành du lịch, đang sở hữu và quản lý hàng loạt khách sạn, nhà hàng nổi tiếng như Continental, Rex, Majestic… Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra là tập đoàn kinh tế lớn với hơn 70 công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Nếu chỉ định giá DN theo giá trị sổ sách mà không chú trọng đến giá trị thương hiệu thì sẽ gây thiệt thòi, thậm chí thất thoát tài sản nhà nước.

Ví dụ, khách sạn Continental hơn 100 năm tuổi gắn với “Người Mỹ trầm lặng”, có yếu tố lịch sử thì không thể định giá thông thường. Caravelle, Majestic là những thương hiệu rất lâu đời, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của TP HCM, có giá trị rất lớn. Trong lĩnh vực thực phẩm, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan) có bề dày hơn 40 năm, là thương hiệu nổi tiếng trong nước và đã xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, ASEAN; giá trị thương hiệu dự đoán lên đến vài trăm tỉ đồng.

Mục tiêu là vậy nhưng thực tế triển khai, các DN còn khá lúng túng trong việc xác định giá trị DN, xác định nhà đầu tư và làm cách nào vừa CPH vừa bảo vệ thương hiệu Việt. Ngoài ra, TP chưa thống nhất tỉ lệ giữ vốn nhà nước trong các DN CPH cũng gây bị động cho các DN trong việc chọn nhà đầu tư, định hướng phát triển trong tương lai.

Cần chiến lược rõ ràng

Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win - Win, cho rằng muốn giữ thương hiệu DN sau CPH thì ngay từ trước hoặc trong tiến trình CPH, DN phải có chiến lược rõ ràng để giữ thương hiệu; từ đó chọn lọc, đánh giá nhà đầu tư và có hợp đồng ràng buộc rõ ràng với nhà đầu tư. “Muốn vậy, phải làm tốt khâu xác định giá trị thương hiệu DN” - ông Năm nói.

Theo TS Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - CPH trước hết phải đánh giá được giá trị thương hiệu, tìm đối tác chiến lược tham gia để tiếp tục phát triển thương hiệu đó. Để những tổng công ty lớn CPH hiệu quả thì nên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi đưa ra công chúng vì nhà đầu tư chiến lược có năng lực thì mới có khả năng phát triển DN. Mặc dù vậy, hiện các DN IPO lại hướng vào công chúng chứ không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. “DN muốn nâng tầm, vươn ra quốc tế thì nên chọn những công ty tư vấn uy tín thực hiện định giá. Khi minh bạch chuyện định giá rồi thì sẽ dễ chọn nhà đầu tư chiến lược” - ông Lịch nêu quan điểm.

Sẽ CPH hết các DN công ích

Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết quan điểm của TP là phải CPH hết các DN công ích. Những lĩnh vực càng sử dụng nhiều vốn nhà nước thì càng phải CPH mới hiệu quả, tiết kiệm, quản lý tốt ngân sách nhà nước; nếu để DN 100% vốn nhà nước thì chắc chắn khó quản lý, dễ phát sinh tiêu cực.

TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:

Thu hút nguồn lực nước ngoài

Theo tôi, dần dần nhà nước nên thoái hết vốn ở những DN nhà nước không cần giữ vốn. Quá trình CPH đặt mục tiêu thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước, thành công của CPH là thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào DN. Với những DN lớn, thương hiệu mạnh, nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn sẽ chung tay phát triển DN, nâng tầm quốc tế chứ không phải “mua” để “giết chết” thương hiệu đó. Việc mua để diệt chỉ xảy ra với những thương hiệu nhỏ.

Song song với tiến trình CPH, TP HCM cũng cần định hướng rõ hoạt động lâu dài của những DN đã CPH như thế nào; lộ trình thoái vốn, tiền thu về từ thoái vốn sẽ dùng để làm gì; tổng tài sản nhà nước trong các DN, tổng công ty là bao nhiêu... và sẽ sắp xếp nguồn lực này thế nào cho hiệu quả.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập:

Phải để thị trường làm chủ

Chủ trương chung của Chính phủ khi hội nhập TPP, AEC... là phát triển kinh tế thị trường. Về nguyên tắc, không nên đề cao thương hiệu Việt vì như vậy là phủ nhận cái mới, không để cho thị trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu thực hiện CPH thì phải để thị trường làm chủ. Chính kinh tế thị trường làm tăng áp lực cạnh tranh cho DN. DN phải tự đổi mới để phát triển. Nếu CPH nhưng vẫn xem DN như những đứa con cưng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt thì DN vẫn giữ tâm lý “con cưng”, chờ hỗ trợ.

Xét về quy mô vốn, hạ tầng... các DN như Vissan, Satra... không nhỏ hơn những DN tư nhân của Thái Lan. Trong khi Công ty CP của Thái Lan đi từ DN nhỏ trong nước vươn ra quốc tế, mở rộng và làm chủ thị trường Việt Nam thì các DN nhà nước - thương hiệu mạnh Việt Nam vẫn quanh quẩn ở thị trường nội địa. Các DN mạnh của Việt Nam hoàn toàn đủ sức vươn ra thế giới nhưng trước đây hoạt động không theo cơ chế cạnh tranh thị trường nên không có mục tiêu và sức ép để phát triển, bây giờ đã có. Nếu hình thức mới mà nội dung cũ thì DN không thể phát triển được. Không cần đặt vấn đề thương hiệu đó bắt buộc phải là thương hiệu Việt mà vấn đề là thương hiệu đó mạnh đến đâu, có khả năng vươn ra thị trường thế giới như thế nào. Thay vào đó, cần xây dựng, giữ gìn thương hiệu quốc gia: xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm để đưa ra những tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ; sàng lọc DN yếu, DN sản xuất hàng gian, hàng giả... dần dần chinh phục thị trường thế giới và trở thành thương hiệu quốc gia.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:

Thương hiệu có sức sống riêng

Trước đây, Unilever mua P/S, đã trả rất nhiều tiền để sở hữu thương hiệu P/S và sử dụng đến nay. Nhà đầu tư mua cổ phần của DN CPH chỉ là sự trao đổi vốn chủ sở hữu: Trước đây, nhà nước giữ 100% vốn thì sau CPH, tư nhân có thể giữ 70%, 80% vốn; nhà nước còn giữ 30%, 20% hoặc bán hết 100% vốn trong công ty đó. Nhà đầu tư mua cả thương hiệu, tiếng tăm DN và máy móc thiết bị, công nhân lành nghề... sản phẩm. Nhà nước đã bán cổ phần của mình, những ông chủ mới của DN sẽ là người quyết định số phận thương hiệu.

Luật DN không cho phép nhà nước tác động, thay đổi nhãn hiệu, thương hiệu nào, trừ phi đó là DN 100% vốn nhà nước. Giữ hay bỏ thương hiệu là việc của các nhà đầu tư, tùy vào chiến lược của DN. Thương hiệu Việt đang ăn nên làm ra, có uy tín ở thị trường nội địa và thị trường nước ngoài thì chắc chắn nhà đầu tư phải giữ và phát triển thương hiệu đó. Nói cách khác, bản thân thương hiệu tạo ra sự sống, nếu thương hiệu lớn thì nhà đầu tư chắc chắn giữ gìn, phát triển.


Thanh Nhân

Người lao động

Các tin tức khác

>   Oman tiếp tục chạy đua giành quyền mua cảng Hải Phòng (27/03/2015)

>   VietJet Air sẽ IPO trong năm 2015? (27/03/2015)

>   Tái cơ cấu, DNNN lãi lớn (27/03/2015)

>   Năm nay phải cổ phần hóa xong 289 DNNN (26/03/2015)

>   Tương lai của các DNNN nhìn từ cổ phần hóa (25/03/2015)

>   Nhà đầu tư 'ngóng' bệnh viện cổ phần hóa đầu tiên (25/03/2015)

>   Vinafood1 sẽ bán đấu giá 112,500 cp Muối và Thương mại Nghệ An (25/03/2015)

>   Tập đoàn ADP muốn mua 25-30% cổ phần ACV (23/03/2015)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Không còn đường lùi (23/03/2015)

>   Nếu đột phá cách làm, cổ phần hóa sẽ chuyển biến rất nhanh (22/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật