Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Không còn đường lùi
Kể từ khi Chính phủ có chủ trương thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến nay chưa bao giờ công tác này đạt kết quả như mong muốn. Bởi, đây là công việc đầy khó khăn, liên quan đến hàng loạt vấn đề hóc búa, đòi hỏi sự vào cuộc với tinh thần kiên quyết, cách làm phù hợp với thực trạng của mỗi đơn vị được CPH...
Mục tiêu chung của cả nước là CPH xong 432 DN trong giai đoạn 2014 - 2015, đến thời điểm hết năm 2016 cơ bản hoàn thành CPH DNNN. Đây là nhiệm vụ rất lớn, phức tạp, là thách thức đối với các cấp, ngành, đơn vị hữu quan. Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, đến thời điểm này, kết quả CPH tăng gần 2 lần về số DN so với năm 2013. Đặc biệt, các DNNN thoái được số vốn gấp 6 lần, tương ứng hơn 6.000 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá ban đầu. Đã có 143 DN hoàn thành CPH và một số đơn vị khác được chuyển thành công ty TNHH, giải thể hoặc sáp nhập…
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Ảnh: Nhật Nam
|
Những kết quả trên đã được ghi nhận, đánh giá tích cực từ các cơ quan hữu quan, tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại rất nặng nề và Chính phủ, các bộ, địa phương đã xác định tinh thần chung là phấn đấu hoàn thành kế hoạch nói trên. Các ngành chức năng tiếp tục rà soát, phân loại và bổ sung phương án sắp xếp lại DN; trong đó nhấn mạnh hình thức CPH. Các chuyên gia cũng chia sẻ, thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn và đặt cho ngành chức năng trước tình thế "không còn đường lùi". Chính phủ cũng xác định, CPH DN đúng kế hoạch sẽ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng mở cửa, hội nhập quốc tế và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải tăng tốc độ triển khai CPH đối với lĩnh vực mình chịu trách nhiệm và lấy kết quả CPH là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan quản lý. Tương tự, lãnh đạo mỗi DN cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc chuẩn bị, lộ trình thực hiện và kết quả CPH đơn vị mình; nếu xảy ra tình trạng chậm trễ, không hoàn thành kế hoạch sẽ phải chịu kỷ luật thích đáng. Chính phủ cũng chỉ đạo, việc CPH phải làm tốt cả yêu cầu về tiến độ kết hợp với chất lượng, nhất là tuân thủ quy định chung và nguyên tắc của kinh tế thị trường để bảo đảm tính công khai, xác định đúng giá trị DN, tính cạnh tranh, tranh thủ cơ hội chào bán cổ phần ra thị trường. Thực tế đang đặt ra yêu cầu như vậy và chưa bao giờ lãnh đạo các cơ quan, DN đứng trước nhiều áp lực như hiện tại.
Liên quan đến việc CPH DNNN, một số ý kiến khuyến nghị các cấp quản lý cần có cơ chế phù hợp để giải quyết những vấn đề tồn tại hoặc phát sinh, liên quan chặt chẽ đến đời sống người lao động và dung hòa quyền lợi các bên. Trong đó cần chú ý bảo đảm phần vốn gốc và có lãi đối với vốn thuộc sở hữu nhà nước, chống thất thoát; tránh sự thay đổi đột ngột về phương án sản xuất kinh doanh (SXKD), tránh gây ra tình trạng thất nghiệp đột ngột; duy trì quyền lợi của người lao động; bảo đảm sức sản xuất, vận hành của dây chuyền công nghệ và năng lực quản trị DN khi đưa DN chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Hiện nay, một số bộ quan trọng, quản lý nhiều lĩnh vực SXKD như: Công thương, GT-VT... đều đang ráo riết triển khai công tác CPH. Lãnh đạo các bộ này đều khẳng định, CPH là thước đo bản lĩnh, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ trên tinh thần nghiêm túc và cầu thị. Các bộ đều thường xuyên duy trì họp giao ban với bộ phận chuyên trách cùng các DN để nắm bắt tình hình, tham vấn và giải quyết những vướng mắc, hoặc tổng hợp ý kiến trình Chính phủ nhằm bảo đảm tiến độ chung.
Về phía DN, mỗi đơn vị đều xây dựng phương án tổng thể, gồm kiểm kê, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhà xưởng; có biện pháp thỏa đáng xử lý các vấn đề liên quan đến sổ sách, chứng từ kế toán để đối chiếu, xử lý công nợ. Yêu cầu chung của những hoạt động này là kịp thời, chính xác, bảo đảm tránh thất thoát tài sản, vốn của DN trước khi CPH. Một yêu cầu tối quan trọng đặt ra cho mỗi DN trước khi CPH là phải đáp ứng các yêu cầu của cổ đông tương lai về thông tin, kết quả SXKD, tình trạng nợ, công nghệ, phương án sử dụng lao động... Trong một diễn biến mới, Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và các sở giao dịch chứng khoán tăng cường quản lý, hỗ trợ DN trong việc thoái vốn nhà nước tại DN kết hợp tập trung đôn đốc những DN đã thực hiện CPH nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán. Có như vậy, thị trường chứng khoán mới được "hâm nóng", góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nền kinh tế sẽ được hậu thuẫn bằng những hoạt động luân chuyển, đầu tư vốn theo hướng minh bạch, công khai, đúng quy định pháp luật.
Hồng Sơn
Hà Nội mới
|