Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền (MBKE): VN-Index sẽ dao động quanh 580 điểm vào cuối quý 2
Quý 2 sẽ là một quý tương đối cân bằng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu không có những thông tin quá mức đột biến, thị trường khả năng sẽ dao động quanh khu vực 580 điểm vào cuối quý.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) về diễn biến thị trường chứng khoán quý 2/2015.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
|
Tổng kết quý 1/2015, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra khá “buồn tẻ” giá trị giao dịch chỉ hơn 1/3 của quý 4/2014. Theo bà, điều gì khiến thị trường trở nên trầm lắng như vậy?
Tôi cho rằng mức độ hoạt động kém sôi động hơn của thị trường trong quý 1/2015 có một phần ảnh hưởng “kỹ thuật” bởi giai đoạn nghỉ Tết kéo dài. Dù vậy, ngay cả khi loại trừ vấn đề này, cần thừa nhận giao dịch rõ ràng vẫn kém sôi động hơn đáng kể so với quý trước đó.
Việc kém sôi động của thị trường chủ yếu do chính các nhà đầu tư trong nước giảm giao dịch. Thực chất giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài chỉ giảm nhẹ khoảng 13% so với quý trước, dễ nhận thấy phần còn lại (và là nguyên nhân chính) của việc giao dịch kém sôi động thuộc về khối nhà đầu tư trong nước.
Sự giảm hoạt động mạnh của khối nhà đầu tư trong nước do một số nguyên nhân chính sau: (1) dòng tiền bị chia sẻ một phần với kênh đầu tư bất động sản, vốn đang sôi động lên đáng kể trong các tháng qua; (2) chuẩn bị cho các đợt IPO lớn trong thời gian sắp tới; (3) sử dụng cho các đợt phát hành thêm khá lớn của các công ty đang niêm yết.
Bà dự báo thị trường trong quý 2 sẽ diễn biến ra sao và yếu tố nào sẽ tác động chính?
Quý 2 sẽ là một quý tương đối cân bằng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu không có những thông tin quá mức đột biến, thị trường khả năng sẽ dao động quanh khu vực 580 điểm vào cuối quý.
Khả năng giảm mạnh của thị trường hiện không còn lớn. Đứng ở góc độ kỹ thuật, khu vực 515-530 được xem là vùng hỗ trợ đáng tin cậy của VN-Index trong ngắn hạn và sẽ không hợp lý nếu VN-Index giảm về dưới khu vực này trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày một cải thiện như hiện nay. Thêm vào đó, sau một giai đoạn giảm mạnh trong tháng 3, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở vào mức hấp dẫn nhất trong khu vực với mức P/E khoảng 11.5 lần.
Dù vậy ở chiều đi lên, cần nhìn nhận công bằng là dòng tiền năm nay dành cho thị trường chứng khoán không mạnh mẽ như các năm trước. Dựa trên yếu tố chu kỳ, quý 2 thường cũng không phải là quý ghi nhận các biến động mạnh. Một kịch bản dao động ngang và đi lên nhẹ vì vậy sẽ có tính khả thi cao nhất.
Với diễn biến này, bà có khuyến nghị gì về chiến lược đầu tư trong quý 2 cho nhà đầu tư không?
Do nhìn nhận thị trường sẽ tương đối cân bằng trong quý 2, tôi cho rằng việc lựa chọn ngành nghề để tiến hành đầu tư sẽ quyết định hiệu quả trong thời gian này do thị trường chắc chắn sẽ có sự phân hóa sâu sắc.
Các nhóm ngành trong ngắn hạn được MBKE ưa thích bao gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, kinh doanh ô tô và săm lốp.
Theo bà, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 58 khi được ban hành sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?
Tôi cho rằng ngoài việc giúp cho thị trường minh bạch hơn nhờ những quy định chặt chẽ hơn về phát hành cổ phiếu riêng lẽ và phát hành cổ phiếu ra công chúng, Nghị định này còn được thị trường quan tâm vì liên quan đến vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc nới room đương nhiên là sẽ tác động tích cực cho TTCK, giúp khai thông dòng vốn ngoại vào thị trường. Nếu trước đây, chỉ cần vấn đề này được đưa ra bàn thảo là đã thấy rất rõ tác động đến TTCK thì bây giờ, nhà đầu tư chờ đợi một quyết định chính thức hơn mới hành động.
Ngoài ra, việc quy định các công ty sau khi IPO phải niêm yết trên sàn UPCoM trong vòng 30 ngày cũng như các công ty đại chúng chưa niêm yết cũng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM mới được thực hiện chào bán chứng khoán sẽ giúp tăng thêm hàng hóa và thanh khoản cho TTCK.
Bloomberg ví Việt Nam như con hổ mới tại Châu Á, bà nhận xét thế nào về điều này?
Bài viết của Bloomberg dựa trên đánh giá Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Asean trong thời gian tới đây và sẽ dần trở thành một cứ điểm sản xuất mới của những tập đoàn lớn trên thế giới (thay thế một phần cho Trung Quốc). Nếu dựa trên những tiêu chí này, tôi cho rằng đánh giá ưu ái của Bloomberg dành cho Việt Nam không phải là quá lời.
Mỹ Hà
|