Thứ Sáu, 27/03/2015 14:18

VPBank cho vay lãi suất cao: Chuyên gia nói đã vi phạm luật

Theo quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng nhưng với mức 27% và 35% như VPBank cho khách hàng vay, ngân hàng này có đáng bị “tuýt còi”?

Cho vay với lãi suất “cắt cổ”

Vào tháng 10/2014, ông Nguyễn Tr. T. có hộ khẩu thường trú tại Sơn Tây (Hà Nội) thực hiện vay số tiền 110.000.000 VNĐ (một trăm mười triệu đồng) của VPBank. Đại diện phía VPBank - Chi nhánh Thăng Long là bà Lê Thị Hòa, chức vụ PGĐ Phòng giao dịch đã ký kết “hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ” mang số: 1840053 với số tiền nói trên cho khách hàng. Thời hạn vay của khoản tiền nói trên là 4 năm và với lãi suất lên đến 27%/1 năm.

Theo ông Nguyễn Tr. T., do quá cần tiền nên đã tới ngân hàng VPBank để vay. Tuy nhiên, ông T. lại được giải thích rất lơ mơ về mức lãi suất phải trả của ngân hàng này. Đến khi các thủ tục vay đã hoàn thiện, tiền nhận được không phải là 110 triệu đồng như hợp đồng mà chỉ là 105 triệu. Thắc mắc về số tiền, ông T. được giải thích qua loa khi việc đã rồi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu "không chấp nhận đươc" tình trạng khách hàng "vay nhiều nhận ít hơn" ở các NH. Ảnh: GDVN

Cũng giống như người vay tiền nói trên, ông N. Đức T. ở Hải Bối, Đông Anh (Hà Nội) bức xúc về việc vay tiền của VPBank.

Theo ông N. Đức T., ông có vay vốn tại Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – đơn vị độc lập nhưng trong hệ thống của VPBank. Số tiền vay là 50 triệu đồng và mức lãi suất vị khách hàng này phải trả không phải là 27% như nói trên mà là 35%.

Qua tìm hiểu của PV, với tổng số tiền vay là 50 triệu đồng, thời hạn hợp đồng vay là 36 tháng, theo đó hàng tháng ông T. sẽ phải thanh toán số tiền cả gốc và lãi sẽ là 2.262.000 VNĐ/1 tháng.Điều đáng nói là ông T. không được nhận đầy đủ số tiền theo hợp đồng mà chỉ nhận được trên thực tế là 40 triệu đồng. Khi thắc mắc về số tiền nhận được không đúng với hợp đồng đã ký, phía nhân viên tư vấn vay nói là số tiền bị thiếu hụt so với hợp đông là 10 triệu đồng được tính vào phí rủi ro!?

Nhìn lại thời điểm khách hàng làm thủ tục vay tiền là tháng 10/2014 có thể thấy, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; kỳ hạn dưới 1 tháng là 5-5,5%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng: 5,8-7,0%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8-7,5%/năm. Như vậy chênh lệch lãi suất huy động và cho vay với trường hợp ông Nguyễn Tr. T. (lãi suất 27%) là xấp xỉ 20% và chênh lệch gần 30% đối với trường hợp ông N. Đức T. (vay với lãi suất 35%).

Vi phạm pháp luật nhưng vẫn chấp nhận được!?

Nói về mức lãi suất cho vay 27% mà VPBank áp dụng với khách hàng của mình, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “chấp nhận được” bởi lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lần so với mức lãi suất dành cho doanh nghiệp (DN).

Lý do mà ông Hiếu đưa ra là mức độ rủi ro đối với khách hàng cá nhân cao hơn so với các DN có cơ sở địa điểm rõ ràng, có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, vị này thừa nhận, nếu tính tổng thể dư nợ tín dụng, cho vay tiêu dùng thấp hơn cho DN vay. Với DN, món nợ rủi ro thấp nhưng dư nợ rủi ro cao và ngược lại.

“DN ít có khả năng xù nợ vì còn có kho, bãi, có địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất nhưng cá nhân xù rất dễ. Chỉ cần họ chuyển chỗ ở là mất dấu vết. Chính vì rủi ro cao nên lãi suất cho vay tiêu dùng cao ”, chuyên gia Trí Hiếu nói.

Theo chia sẻ của chuyên gia này, rủi ro khi người tiêu dùng “xù” nợ thì phải có 100 món nợ tốt thế vào mới bù lại được món nợ đã mất nên lãi suất cao hơn chi phí vốn rất nhiều. Tuy nhiên, nói đến trường hợp mà VPBank cho khách hàng vay với lãi suất 35% thì ông Hiếu thừa nhận “quá cao”. Theo đó, mức lãi suất vẫn có thể chấp nhận được khi cho vay tiêu dùng được ông Hiếu khuyến nghị là từ 20-30%.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không VPBank đã vi phạm nghiêm trọng Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận “có”.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, luật là thế nhưng từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ xử lý những trường hợp như vậy nên theo thị trường lãi suất hiện tại tại Việt Nam, mức lãi suất 27% kia vị này mới cho là “cũng hợp lý”.

Theo đó, để người dân không còn lăn tăn về lãi suất cao hay thấp, chuyên gia Trí Hiếu cho rằng, nếu đã có luật rồi, cứ làm theo nó một cách quyết liệt mới mong tình trạng này chấm dứt. Đồng thời cần giảm thêm lãi suất huy động xuống để kéo lãi suất cho vay thấp hơn nữa.

Nói thêm về tình trạng “vay nhiều nhận ít hơn” và chỉ nhận được lời giải đáp “chi phí rủi ro” đối với 2 khách hàng trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn: “không chấp nhận được”.

“Chi phí rủi ro đã tính vào lãi suất rồi nên mới cao như vậy. Chênh lệch huy động và cho vay cao như thế để bù trừ rủi ro rồi đó thôi nên bớt thêm tiền của khách hàng thế này không hợp lý”.

Thêm vào đó, việc không có hóa đơn hay chứng từ chứng tỏ sự không minh bạch rõ ràng trong vấn đề giải ngân, trong khi đó trên thực tế, nhiều ngân hàng đang “kêu gào” khách để cho vay.

Trà Phương

chất lượng VN

Các tin tức khác

>   Chủ tịch VIB muốn sáp nhập với ngân hàng có số liệu minh bạch (27/03/2015)

>   MBB dành hơn 20,000 tỷ đồng dư nợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (27/03/2015)

>   MBB ưu tiên tài trợ vốn kinh doanh dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ (27/03/2015)

>   Chưa điều chỉnh tỷ giá, cần giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (26/03/2015)

>   NHNN yêu cầu thoái vốn của DNNN tại các tổ chức tín dụng cổ phần (26/03/2015)

>   Thấy gì từ đợt biến động tỉ giá vừa qua? (26/03/2015)

>   Bí ẩn thâu tóm Eximbank dần hé mở (26/03/2015)

>   Sếp Tổng và Phó của NamABank được đề cử vào HĐQT Eximbank (26/03/2015)

>   Vì sao Việt Nam không điều chỉnh tỉ giá? (25/03/2015)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn (25/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật