Thứ Năm, 26/03/2015 14:55

Bí ẩn thâu tóm Eximbank dần hé mở

Thông tin đồn đoán về khả năng NamABank sẽ sáp nhập với Eximbank đang dần được hé mở chính thức, thể hiện qua diễn biến mới nhất trước thềm Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2015 của Eximbank.

* Sếp Tổng và Phó của NamABank được đề cử vào HĐQT Eximbank

Danh sách ứng cử HĐQT nhiệm kỳ mới (2015-2020) của Eximbank (EIB) xuất hiện nhiều gương mặt mới, sự ra đi Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng cùng hàng loạt thành viên HĐQT khác. Hai nhân vật mới đáng chú ý nhất là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm.

Cả hai đều là những gương mặt "chóp bu" đến từ NamABank, ngân hàng gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Hường (Tư Hường). Ông Trần Ngô Phúc Vũ hiện đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc NamABank còn ông Trần Ngọc Tâm là Phó tổng chỉ vừa mới từ nhiệm cách đây hai ngày.

Đằng sau sự xuất hiện của họ là nhóm cổ đông đại diện cho hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết, bao gồm 7 tổ chức và 18 cá nhân chưa rõ danh tính. Điều này cũng phần nào thể hiện vị thế và chỗ đứng hiện nay của nhóm cổ đông này tại Eximbank.

Trước khi công bố thông tin trên, chỉ cách đây mấy hôm, một cổ đông gắn bó lâu năm của Eximbank là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (S.J.C) công bố chào bán cạnh tranh hết toàn bộ 25,620,084 cp EIB, chiếm tỷ lệ 2.07% vốn ngân hàng. Có thể thấy, từ năm ngoái, khi người đại diện của S.J.C là Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng nghỉ hưu thì tổ chức này cũng đã thôi cử người tham gia vào HĐQT.

Về phía ông Dũng, ông vẫn giữ được chức Chủ tịch nhờ nhóm cổ đông khác đề cử. Tuy nhiên, ông chỉ tại vị tại Eximbank được thêm một năm. Tên của ông đã không còn xuất hiện trong danh sách ứng cử HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Còn năm 2014 trước đó chứng kiến sự thoái lui của cổ đông ngoại VOF Investment Ltd.. Đây là một trong 3 cổ đông lớn của EIB bên cạnh Vietcombank (VCB) và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp. (Nhật). Sau hơn 7 năm gắn bó, hiện quỹ ngoại này đã không còn là cổ đông lớn của EIB và không có nghĩa vụ phải công bố thông tin ra công chúng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2014 đánh dấu sự tuột dốc mạnh của Eximbank. Lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng, chỉ bằng 8% lãi của năm 2013, tương đương 3% kế hoạch năm (1,800 tỷ đồng). Riêng quý 4/2014, ngân hàng báo lỗ khủng gần 678 tỷ đồng do trích lập dự phòng 590 tỷ đồng (cao gấp 4 lần so với quý 4/2013).

Nhìn lại những giao dịch cổ phiếu EIB “khủng” gần đây

Giai đoạn cuối năm 2014, giao dịch cổ phiếu EIB thu hút sự chú ý với nhiều phiên thỏa thuận khủng như 24.1 triệu cp (ngày 19/11/2014), 8.51 triệu cp (ngày 27/11/2014) hay 15.9 triệu cp (ngày 09/12/2014). Tiếp đến trong những tháng đầu năm 2015, cổ phiếu EIB vẫn tiếp tục “dậy sóng” với khối lượng thỏa thuận còn “khủng” hơn năm trước. Đáng kể đến như khối lượng thỏa thuận 60.1 triệu cp (ngày 23/01/2015), 35.1 triệu cp (ngày 26/01/2015) hay 10.9 triệu cp (ngày 17/03/2015).

Một số phiên có giao dịch thỏa thuận trên 1 triệu đơn vị của EIB
ĐVT: đồng

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà đầu tư nào được “chỉ mặt đặt tên” trong những giao dịch khủng đó bởi các giao dịch đều ẩn danh khi người bán và người mua đều là “cổ đông nhỏ” (sở hữu dưới 5% vốn) và chuyển trực tiếp cho nhau không qua sàn niêm yết như vẫn thường thấy đối với cổ phiếu ngân hàng.

Eximbank và những cuộc se duyên không có hồi kết

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng là cổ đông gắn bó nhiều năm với EIB. Đến năm 2005, ACB là cổ đông lớn sở hữu 8.68% EIB và có người đại diện tham gia vào HĐQT. Tuy nhiên, đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của ACB (tổ chức ngày 26/04/2013), ACB công bố đã thoái toàn bộ vốn tại EIB trong chủ trương xóa bỏ sở hữu chéo ngân hàng.

Vào cuối tháng 01/2013, Sacombank (STB) và Eximbank đã tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện trong vòng 5 năm trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc công bố kế hoạch nghiên cứu khả năng sáp nhập hai ngân hàng STB và EIB trong 3-5 năm tới. Cụ thể, từ 09/01/2012, EIB đã chính thức đầu tư vào STB với tỷ lệ sở hữu 9.73% vốn và cử đại diện vốn là ông Phạm Hữu Phú làm Chủ tịch HĐQT STB. Tuy nhiên, đến tháng 04/2014, ông Phú đã được rút về Eximbank và đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc EIB.

Thường các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng rất kín, chỉ khi đã hoàn thành tất cả các khâu thì người trong cuộc mới lên tiếng xác nhận. Nhưng ở thương vụ EIB – STB có nhiều khác biệt, câu chuyện dường như mang ý nghĩa “đánh tiếng” là chính.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   Sếp Tổng và Phó của NamABank được đề cử vào HĐQT Eximbank (26/03/2015)

>   Vì sao Việt Nam không điều chỉnh tỉ giá? (25/03/2015)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn (25/03/2015)

>   Nhà băng cần tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh (25/03/2015)

>   Sửa BLDS: Vay tài sản nên có lãi suất trần cụ thể (25/03/2015)

>   NHNN: Chấp thuận về nguyên tắc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của PBB tại Việt Nam (24/03/2015)

>   Đồng USD lại tiếp tục "leo dốc" (24/03/2015)

>   Giải ngân được 20,6% gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (24/03/2015)

>   Tổng tài sản có của các TCTD đến cuối tháng 1 giảm hơn 2% (24/03/2015)

>   Cho vay không thế chấp, phó giám đốc Agribank TP.HCM bị bắt (24/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật