Chủ Nhật, 08/03/2015 08:40

Dự kiến giá điện tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16-3-2015:

Vấn đề là phải… minh bạch

Như Hànộimới đã đưa tin, Chính phủ chính thức đồng ý cho phép điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% từ ngày 16-3-2015. Cũng về "sự kiện" trên, chiều 6-3-2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo để lý giải những nguyên nhân dẫn đến việc đề xuất tăng giá điện.

* Từ 16/3: Giá điện tăng 7,5%, lên 1.622 đồng/kWh

Cần lưu ý, kể từ lần tăng giá điện gần nhất (ngày 1-8-2013) tới nay đã hơn một năm rưỡi, chắc chắn các thông số cấu thành giá điện có nhiều thay đổi. Như vậy, giá điện có phải điều chỉnh cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là tại sao phải điều chỉnh (kể cả tăng giá hay giảm giá)? Cụ thể bao nhiêu là phù hợp? Những con số công bố hình thành mức giá đã là chuẩn xác?... Tóm lại, "cái lý" mà bên bán hàng đưa ra chưa khỏa lấp những thắc mắc của bên mua hàng, do đó việc các hộ sử dụng điện phải "móc túi" trả phần giá điện tăng thêm vẫn là… miễn cưỡng.

Điều chỉnh giá điện là bình thường, vấn đề là phải minh bạch. Ảnh: Ngọc Hà

Chúng ta đã xác định xây dựng thể chế kinh tế thị trường, trong kinh tế thị trường điều quan trọng nhất là giá phải do chính thị trường quyết định. Vì vậy, quá trình xác lập giá từng mặt hàng phải theo cung - cầu trên thị trường. Điện là một mặt hàng đặc biệt nhưng cũng phải tuân thủ theo quy luật nêu trên. Cũng về vấn đề này, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ ngày 20-10 đến 28-11-2014, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo lộ trình phát triển ngành điện của Chính phủ, đến năm 2015 chúng ta sẽ đưa giá điện theo đúng thị trường. Đặc biệt, mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch, phải tính đúng, tính đủ.

Tăng nhưng vẫn chưa… đúng và đủ?

Như công bố với báo giới của EVN, chi phí sản xuất điện tính từ ngày 1-8-2013 đến 31-1-2015 có giảm 1.657 tỷ đồng do giá dầu, giá khí giảm... nhưng các chi phí khác lại tăng mạnh. Cụ thể, than tăng trên 50%, từ 1,06 lên 1,8 triệu đồng/tấn, giá khí cũng tăng qua nhiều đợt, cùng với đó, thuế môi trường tăng, biến động tỷ giá... Điều đó đã làm tăng thêm chi phí của EVN lên 10.941 tỷ đồng. Ấy là chưa đề cập tới món lỗ do chênh lệch tỷ giá vẫn còn treo tới trên 8.000 tỷ đồng. Do đó, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri, "nếu giá điện tính đúng, tính đủ thì phải tăng tới 12,8%".

Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu không điều chỉnh tăng giá điện, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ba phương án với các mức tăng giá điện lần lượt là 7,5%, 8,5% và 9,5%. Như vậy, nếu phương án tăng giá điện mức tối đa là 9,5% được chấp thuận thì vẫn được coi chưa "tính đúng, tính đủ" theo cách "hạch toán" của EVN. Tuy nhiên, đánh giá và phân tích tình hình thực tế, Chính phủ chỉ chấp nhận điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% kể từ ngày 16-3-2015. Mức tăng này sẽ giúp EVN có doanh thu tăng thêm 13.000 tỷ đồng trong năm 2015 và bảo đảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%.

Phân tích ở khía cạnh khác, theo Tổng sơ đồ phát triển điện lực 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, "trần" giá điện của Việt Nam là 9 cent (Mỹ)/kWh vào năm 2020, nhưng với mức giá điều chỉnh tăng thêm 7,5% từ ngày 16-3-2015, giá điện của chúng ta sẽ bằng khoảng 86-87% mức giá trần (tức là bằng giá điện trung bình của khu vực ASEAN). Cũng có lẽ do nguyên nhân này mà một số người có trách nhiệm trong việc đề xuất tăng giá điện thường so sánh giá điện của Việt Nam với một số nước trong khu vực và thế giới. Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, song nếu tính mức giá điện hiện nay trên bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam thì chúng ta còn đắt đỏ hơn cả giá điện của những quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia… Vậy nhưng, từ giờ tới năm 2020 như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, giá điện có tăng thêm kịch khung để đạt trần 9 cent hay còn "tính đúng, tính đủ" nên vượt thêm bao nhiêu nữa thì chưa ai biết.

Trước đây, đã có người phát biểu, nếu không tăng giá điện thì… EVN phá sản. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, người mua điện không có sự lựa chọn nào khác ngoài EVN. Thế nên sự ái ngại và khó chia sẻ với bên bán điện là vì chưa biết "giới hạn" để EVN… thỏa mãn, có thể làm ăn không lỗ và đầu tư phát triển?

Những vấn đề người mua điện không thể gánh chịu

Về lý thuyết, cái gì cũng phải có căn nguyên của nó và việc tăng giá điện cũng vậy. Song tại sao dư luận chưa đồng tình, chia sẻ với những lý do mà EVN viện dẫn?

Trước hết, như phân tích của một số chuyên gia, hiện chưa có cơ quan nào đủ tin cậy thẩm định chính xác giá điện, các thông số về giá điện vẫn chủ yếu dựa vào những số liệu do EVN cung cấp. Tất nhiên, bộ chủ quản của ngành điện có trách nhiệm thẩm định những con số này, nhưng việc thiếu cơ quan thẩm định độc lập khiến người ta nghi ngờ tính chính xác của những con số mà "người trong một nhà" đưa ra. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng và các bên liên quan, qua đó kiểm soát giá điện một cách khách quan và chính xác nhất. Còn về trung và dài hạn, cần sớm tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất, phân phối với truyền tải điện. Cơ quan quản lý ngành điện ở Bộ Công thương cũng cần chia tách độc lập với nhau, như cơ quan ban hành chính sách điện, cơ quan điều tiết điện lực và cơ quan sở hữu EVN; ngoài ra, phải thúc đẩy sớm hoàn thành thị trường cạnh tranh về điện.

Nhìn theo một góc độ khác, giá thành sản phẩm được cấu thành bởi chi phí sản xuất và chi phí quản lý. Chi phí sản xuất của EVN tăng thêm bởi giá than, giá khí, thuế môi trường, tỷ giá biến động… Tuy nhiên, những yếu kém dẫn đến chi phí quản lý tăng thêm do cơ cấu nhân lực chưa hợp lý; năng suất lao động của ngành điện còn thấp; tổn thất điện năng trong truyền tải còn cao, được khắc phục chậm… Những con số đó cụ thể là bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm? Rõ ràng, không thể bắt người mua điện phải móc tiền bù lỗ cho những yếu kém đó.

Trong cơ chế thị trường, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân - cụ thể ở đây là giữa Nhà nước, bên sản xuất, kinh doanh điện năng và bên tiêu dùng điện năng - phải có sự hài hòa, thông cảm và chia sẻ. Như vậy, cốt lõi ở đây không phải là việc điều chỉnh giá điện mà là cách thức điều chỉnh giá điện, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sự công khai, minh bạch. Người sử dụng điện sao tránh được sự hoài nghi khi cùng phải gánh các rủi ro của thị trường nhưng EVN luôn kêu lỗ, còn các nhà sản xuất điện ngoài EVN (chiếm khoảng 50% thị phần) lại có kết quả kinh doanh khá khả quan…

Duy Quang

Hà Nội Mới

Các tin tức khác

>   Cầu vượt 3 tầng, trị giá gần 1.800 tỷ sắp hoàn thành (07/03/2015)

>   Nhiều nguồn vốn cho phát triển đang tới hạn (07/03/2015)

>   Trợ lực cho DN vừa và nhỏ: Cần lắm những biện pháp cụ thể và khả thi (07/03/2015)

>   Nâng cao khả năng truyền tải trên đường dây 500kV Bắc-Nam (07/03/2015)

>   Cần nhận định đúng thực trạng của ngành mía đường hiện nay (07/03/2015)

>   Hà Nội xây dựng hoàn thiện 7 khu công nghiệp, công nghệ cao (07/03/2015)

>   “Lọc” rủi ro tìm “vàng đen” (07/03/2015)

>   Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên (07/03/2015)

>   Dự án thép Guang Lian: nhà đầu tư lại muốn giảm vốn (06/03/2015)

>   Doanh nghiệp Việt tiếp tục mở rộng đầu tư vào Myanmar (06/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật