Thứ Hai, 23/03/2015 18:31

Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai

Tiến sĩ toán - vật lý Đỗ Tấn Sĩ: Hiểu sai bản chất sự việc sẽ rất tai hại

Tiến sĩ toán - vật lý Đỗ Tấn Sĩ hiện là Phó chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước Việt kiều Bỉ, có hơn 30 năm du học và làm việc ở Bỉ. Là người con sinh ra và lớn lên ở đất Biên Hòa, năm 1996 khi nghỉ hưu, ông đã quyết định về lại căn nhà bình yên nép mình bên dòng sông Đồng Nai.

* Thực chất của dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai

Tiến sĩ toán - vật lý Đỗ Tấn Sĩ hiện là Phó chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước Việt kiều Bỉ

Theo dõi thông tin và dư luận liên quan đến dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, ông cho rằng nếu hiểu sai bản chất sự việc sẽ rất tai hại, không chỉ gây thiệt hại cho chính quyền và người dân Biên Hòa nói riêng mà còn là có tội với đất nước.

* Dư luận đang cho rằng dự án đang triển khai là lấn sông, thậm chí lấp sông Đồng Nai. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven bờ sông Đồng Nai, giữa đình Phước Lư và cầu Rạch Cát. Đó là nơi ghi dấu tuổi thơ ấu và những năm tháng trưởng thành của mình. Thế nên 30 năm xa xứ, thẳm sâu trong lòng tôi vẫn là hình ảnh và những câu chuyện nơi dòng sông nơi quê nhà. Nói như thế để thấy rằng những gì có liên quan đến dòng sông này luôn khiến tôi quan tâm, trong đó có dự án cải tạo bờ sông mà chính quyền đang triển khai.

Điều trước tiên tôi lấy làm lạ, là tại sao một vài tờ báo cứ nhắc đi nhắc lại sông Đồng Nai đang bị lấp để làm dự án? Bờ sông trong ký ức của tôi trước kia nằm ngoài xa, cách vị trí hiện tại hàng trăm mét. Và theo Tự điển tiếng Việt, “lấp” là làm cho đầy, cho kín chỗ trũng, chỗ hổng hay chỗ trống, chẳng hạn như lấp ao. Vì thế, khi đọc thông tin đó tôi có cảm giác sau này khi công trình hoàn thành thì sông Đồng Nai sẽ bị lấp, người dân có thể… đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia. Sử dụng từ sai như vậy sẽ dẫn đến chỗ người dân hiểu lệch lạc, không đúng bản chất sự việc, dẫn đến những hệ lụy rất tai hại, mà ảnh hưởng trước hết là chính quyền và người dân Biên Hòa.

Đặc biệt, kiều bào ở nước ngoài có rất ít người nắm được đầy đủ tình hình Việt Nam, phần đông chỉ tìm hiểu diễn biến về quê nhà qua mạng internet. Do đó, một khi thông tin cẩu thả sẽ làm đồng bào hoang mang. Nguy hiểm hơn, những tổ chức phản động chống phá Nhà nước ta sẽ vin vào đây để xuyên tạc, kích động những thế lực thù địch tìm cách gây rối. Những người đưa thông tin lệch lạc, xuyên tạc này sẽ rất có tội với đất nước.

* Như vậy, ông khẳng định việc kè sông theo phương án doanh nghiệp đang làm, bản chất không phải là lấp sông?

- Thiết nghĩ, chẳng nhà lãnh đạo nào lại ngô nghê đến mức đồng ý cho doanh nghiệp lấp sông, vì như thế sẽ phải trả giá rất đắt. Hơn nữa, gọi là lấn sông đã là không đúng. Những người có tuổi sống ở đây đều biết bờ sông xưa kia ra đến cả trăm mét. Vì vậy,việc thực hiện dự án ở vị trí này là trả lại bờ sông vốn đã có từ trước nhưng qua năm tháng bị sạt lở sâu vào bên trong.

Còn nhớ, hồi niên thiếu thì anh em, bạn bè tôi ngày nào cũng ra đây tắm sông, không ít lần mấy người khỏe mạnh còn bơi sang bên kia bờ nhưng rất nhọc nhằn và phải có người chèo xuồng kè theo. Nói lên điều này để thấy rằng từ bờ bên đây sang bờ bên kia rất xa, phải hàng cây số. Trong khi dự án thực hiện có 8,4 hécta, so với diện tích mặt nước từ cầu Hóa An đến chân cầu Ghềnh là 300 hécta thì không thể gán ghép là lấp sông.

* Hiện rất nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến dòng chảy, đến môi trường, ông có quan ngại những vấn đề này không, thưa ông?

- Tôi là nhà khoa học nên không quen dùng thuật ngữ định tính. Bởi đã là người có tri thức thì không thể ngồi một chỗ suy diễn, võ đoán mà phải áp dụng công thức định lượng, tức phải có cơ sở khoa học. Nếu nói công trình này sẽ làm biến mất Cù lao Phố hay cầu Ghềnh thì hãy chứng minh đi, vì sao xảy ra hiện tượng đó?

Theo tôi, công trình sau khi hoàn thành nếu có tác động đến dòng sông, có chăng dòng nước từ thượng nguồn đổ về trong mùa mưa lũ sẽ tạo nên những cột xoáy. Để tránh tình trạng này, có thể làm bờ kè dưới lòng sông theo hình chữ chi thì có thể cản được sự cố đó. Mặt khác, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra biến động của dòng chảy, hoặc những ảnh hưởng về môi trường xung quanh để có thể xử lý kịp thời. Tôi nghĩ nhất thiết phải thực hiện dự án ở bờ sông rất lý tưởng này, vì đây sẽ là điểm nhấn cho một TP.Biên Hòa năng động, phát triển theo hướng hiện đại. Chỉ một dự án mà chúng ta có rất nhiều thứ, như: trung tâm thương mại lớn phục vụ người dân đến mua sắm, khu công viên, vui chơi giải trí, cùng nhiều tòa nhà cao tầng... để người dân thụ hưởng là điều cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Tạo diện mạo mới cho Biên Hòa

Ngay sau khi Báo Đồng Nai số ra ngày 21-3 thông tin về những vấn đề xung quanh dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, trên 50 ngàn lượt bạn đọc đã xem các bài báo này trên mạng và có nhiều ý kiến bày tỏ chính kiến của mình.

Toàn Lê Anh: Làm sao cho Đồng Nai phát triển, bộ mặt của thành phố đi lên, nâng cao đời sống xã hội. Hơn 10 năm nay Đồng Nai vẫn vậy. Việc triển khai sẽ ảnh hưởng lợi ích một số người, tuy nhiên đây là dự án trọng điểm và sự ủng hộ sẽ là tất yếu.

Hoang Nam: Thấy có vẻ hợp lý hơn báo khác nhỉ, bên kia toàn phán, ở đây có chứng cứ số liệu rõ ràng. Ủng hộ tỉnh Đồng Nai!!!!

Phạm Văn Hải, Biên Hòa

Đó là bộ mặt của TP.Biên Hòa. Nếu được, tôi ủng hộ cải tạo luôn khu vực bên kia sông Đồng Nai, khu vực Lò Lu, xã Hóa An, để dòng sông mang tên Đồng Nai được khoác cái áo mới đẹp, dòng sông được đánh giá là sạch nhất nước.

Ngô Bích Thủy, Biên Hòa

Thử suy nghĩ và nhìn nhận đúng, đừng vì suy luận cảm tính mà ảnh hưởng đến việc thi công của công trình. Nếu Công ty Toàn Thịnh Phát không làm dự án, thì tiềm năng của bờ sông Đồng Nai liệu có ai đánh thức không, hay cứ phải buôn bán vỉa hè và đổ rác dơ bẩn và bờ sông bị xói mòn dần?

Huỳnh Nhất Phương, 44/5 Lữ Mành phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa

Chỉ có những người dân Biên Hòa mới hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của dự án này. Báo chí đừng viết theo kiểu “anh hùng bàn phím” nữa, người ta “lấn” ra mà lại viết là “lấp”, 2 từ hoàn toàn khác nghĩa nhau, làm người đọc hiểu lầm.

Thủy Trần, phường Long Bình, TP.Biên Hòa

Việc gì cũng sẽ vấp phải ý kiến trái chiều. Cá nhân mình thích dự án này, vì chắc chắn Biên Hòa sẽ có một diện mạo ven sông đẹp và hiện đại hơn hẳn cảnh nhếch nhác bao năm qua. Cứ nhìn The Pegasus Plaza Toàn Thịnh Phát thì sẽ thấy giá trị cảnh quan mà doanh nghiệp này đã làm là như thế nào. Một giá trị rất nhân văn.

Lê Long, huyện Long Thành

Biên Hòa bao đời nay vẫn ọp ẹp. Đi nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành, nhìn lại Đồng Nai, chán không thể tả!!! Không ngẫu nhiên mà người ta lấn sông đâu!!! Nếu lấn sông mà không ảnh hưởng dòng chảy, không ảnh hưởng môi sinh, người dân, mà phát triển đô thị to đẹp và có điểm nhấn dọc bờ sông, tôi đề nghị cho lấn ra nữa…

P.V

Tạ Nguyên - Ngọc Liên (thực hiện)

báo đồng nai

Các tin tức khác

>   Quý I, cả nước nhập siêu khoảng 1,81 tỷ USD (23/03/2015)

>   Xuất khẩu da giày: Bao giờ thoát “bóng” FDI? (23/03/2015)

>   Bộ Giao thông xin bán sân bay Phú Quốc (23/03/2015)

>   Tỷ giá dao động, doanh nghiệp lao đao (23/03/2015)

>   95% vốn đầu tư cho hàng không là ngoài ngân sách (23/03/2015)

>   Thương hiệu Việt: Có tiếng tăm bán ngay lấy tiền mặt (23/03/2015)

>   Hết thời ngang dọc, đại gia tàu thủy chìm theo đống nợ (23/03/2015)

>   Sân bay Long Thành trung chuyển cho ai? (22/03/2015)

>   Đà Nẵng từ chối dự án 200 triệu USD (22/03/2015)

>   Cấm nhập máy móc cũ: Thêm cái phong bì là xong? (22/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật