Thương hiệu Việt: Có tiếng tăm bán ngay lấy tiền mặt
Hàng loạt các thương vụ bán thương hiệu, bán mảng kinh doanh trị giá hàng trăm triệu USD là dấu ấn thành công của nhiều doanh nhân Việt. Đây là một phương thức làm giàu, một cách hiện thực hóa các kết quả kinh doanh tích lũy trong một thời gian dài nhưng nó cũng cho thấy áp lực chạy theo lợi nhuận trước mắt rất lớn hay sự thiếu ổn định trong chiến lược của DN. Hậu quả cuối cùng là nhiều thương hiệu Việt Nam mới nổi lên đã rơi vào tay nước ngoài.
Quyết định nghìn tỷ
Cuối 2014, CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc bán 80% mảng kinh doanh truyền thống của tập đoàn, 20% còn lại có thể được bán trong vòng 12 tháng tới cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo nội dung của thỏa thuận này, Tập đoàn Kinh Đô có thể sẽ bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương (BKD) - mảng sản xuất và kinh doanh bánh kẹo của KDC - với giá 370 triệu USD cho nhà đầu tư ngoại Mondelez International. 20% còn lại có thể được bán nốt cho NĐT ngoại trong vòng 12 tháng sau đó.
Với quyết định này, có thể xem như Kinh Đô sẽ rút dần khỏi thị trường bánh kẹo và thu về khoảng 8.000 tỷ đồng, bổ sung vào túi tiền mặt vốn đã rất lớn của một trong những DN hàng đầu trên TTCK.
Tháng 12/2012, cổ đông của Prime Group cũng bỗng chốc thịnh vượng nhờ đại gia Thái Lan - Tập đoàn xi măng Siam (SCG) bỏ 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng) mua 85% cổ phần nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam.
Năm 2013, bà Đỗ Thị Kim Liên, người sáng lập bảo hiểm AAA đã bán nốt 30% cổ phần của tại DN này cho Tập đoàn IAG của Úc cho dù vẫn "nhìn thấy tương lai rất sáng của AAA ở phía trước".
Hàng loạt các thương vụ bán thương hiệu, bán mảng kinh doanh trị giá hàng trăm triệu USD là dấu ấn thành công của nhiều doanh nhân Việt
|
Gần đây, hồi đầu năm 2015, một đại gia bán lẻ của Thái Lan đã tiết lộ thông tin mua 49% cổ phần một DN bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam: Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NK, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim.
Còn theo The Japan Times, mới đây, 2 chuỗi siêu thị Fivimart của Nhất Nam và Citimart của Đông Hưng - 2 thương hiệu bán lẻ nổi tiếng tại Hà Nội và TP.HCM - cũng đã bán tương ứng 30% và 49% cho tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon.
Thông tin gần đây trên WSJ cho thấy, ông chủ của tập đoàn đồ uống Thái Lan ThaiBev, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi muốn bỏ 1 tỷ USD mua 40% cổ phần Sabeco - DN bia lớn nhất Việt Nam. Một doanh nghiệp khác của Thái Lan là Singha Corp cũng có ý định mua cổ phần của Sabeco. Trước đó, ThaiBev thông qua công ty con Fraser&Neave gián tiếp sở hữu 11% cổ phần của DN sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk.
Không ít các doanh nhân trong một vài năm gần đây đã gây dựng lên những thương hiệu nổi tiếng, xây dựng được những bộ máy hoạt động hiệu quả nhưng họ cũng đã quyết định bán đi để thu về hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến như: thương hiệu Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD; Tribeco về tay Uni-President (Đài Loan); Phở 24, Highlands Coffee, Bia Huda, Diana...
Thương hiệu tốt: Đại gia ngoại mua hết
"Không phải chờ đến khi ngành bánh kẹo tăng trưởng chậm lại KDC mới tính đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng nhanh, KDC đã có sự chuẩn bị tốt. KDC xác định đầu tư vào ngành nào mà KDC đạt được vị trí top 3 trở lên trong thị trường", ông Trần Kim Thành, chủ tịch HĐQT CTCP Kinh Đô chia sẻ trong đại hội cổ đông 2014.
Rất nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước nằm dưới sự thống trị, dẫn dắt của DN có vốn đầu tư nước ngoài
|
Đây có lẽ chính là định hướng cho những thay đổi bước ngoặt của KDC trong thời gian gần đây, từ thỏa thuận bán 80% mảng bánh kẹo cho nhà sản xuất thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới Mondelez International, cho tới quyết định bỏ thêm hơn 500 tỷ đồng để thâu tóm dầu ăn Vocarimex và tấn công vào lĩnh vực sản xuất mỳ tôm.
Định hướng của Kinh Đô khá rõ ràng. Tuy nhiên, không ít NĐT vẫn tiếc nuối lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trong 20 năm qua của DN. Nhiều cổ đông lớn nhỏ gần đây đã rời bỏ DN khiến cổ phiếu rớt mạnh từ 65.000 đồng về 45.000 đồng trong vòng khoảng 3 tháng bất chấp KDC quyết định mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức khủng 200%.
Câu chuyện bà Liên bán AAA cho Tập đoàn IAG (Úc) diễn ra trong bối cảnh thị trường bảo hiểm khi đó gặp khá nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại theo nhịp phát triển chầm chậm của nền kinh tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, lý do thực sự của việc bán AAA thì có lẽ chỉ có bà Liên mới biết, có thể đó là một sự rút lui để bảo vệ thành quả sau 8 năm gây dựng lên DN hoặc có thể để đầu tư vào một lĩnh vực an toàn khác.
Vụ Prime Group bán 85% cho đại gia xi măng Thái Lan SCG cũng khiến nhiều người tiếc nuối về một thương hiệu đang nổi, chiếm 20% thị phần trong nước khi đó.
Không ít người gần đây cũng lo lắng vua tôm Minh Phú - một DN gần như không có đối thủ cạnh tranh trên nhiều thị trường quốc tế với sản phẩm tôm - có thể sẽ "bán mình" cho đối tác ngoại sau những nỗ lực hủy niêm yết tự nguyện.
Có thể thấy, hàng loạt các thương vụ bán thương hiệu và mảng kinh doanh trị giá hàng trăm triệu USD là dấu ấn thành công của nhiều doanh nhân Việt. Đây là một phương thức làm giàu, một cách thức hiện thực hóa các kết quả kinh doanh tích lũy trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia cũng như một số doanh nhân lo lắng là nền kinh tế trong nước thiếu vắng các DN nội dẫn dắt cuộc chơi. Rất nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước nằm dưới sự thống trị, dẫn dắt của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sự chùn chân của khá nhiều DN lớn gần đây có thể khiến cho các thương hiệu Việt nổi tiếng vốn đã ít ngày càng hiếm hoi.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt nam
|