Thực chất của dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai
Ông Huỳnh Văn Tới
|
Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (gọi tắt là dự án) thực hiện đến nay đã được nửa năm. Thế nhưng, gần đây một số bài báo đề cập đến dự án đã nêu các thông tin nhiều chiều khiến người dân trong tỉnh hoang mang, lo lắng.
Để làm rõ những vấn đề liên quan đến dự án, phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với ông Huỳnh Văn Tới - người phát ngôn của tỉnh, nhằm cung cấp thông tin chính thống đến người dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Ông Huỳnh Văn Tới cho biết:
- Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, không phải vì vốn lớn hay có diện tích rộng, mà vì có liên quan đến đời sống dân sinh và cảnh quan môi trường, nhất là liên quan đến sông Đồng Nai. Vì thế, ngay từ đầu dự án được xác định là một trong 16 dự án trọng điểm cần xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngày 8-9-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, nghe, thảo luận, phân tích và thống nhất ra nghị quyết về chủ trương để dự án này được thực hiện. Sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo theo sát quá trình lập và thực hiện dự án để đảm bảo đúng quy trình, quy định. Trong đó, có việc tiếp nhận, lắng nghe ý kiến nhiều chiều nên đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đóng góp của nhân dân, đặc biệt là việc khảo sát đánh giá tác động môi trường về dòng chảy của sông.
Sau khi hội đủ các điều kiện về khoa học, pháp định, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án vào ngày 27-5-2014, chấp thuận đầu tư vào ngày 21-7-2014 và khởi công thực hiện vào ngày 17-9-2014. Vậy, dự án này đã thực hiện đúng chủ trương, đầy đủ về quy trình theo quy định pháp luật, thực hiện từng bước cẩn trọng, công phu, đến nay thực hiện theo đúng tiến độ.
Đồng Nai không dùng đến chữ “im lặng”, mà dùng chữ “trách nhiệm”. Như đã nói, hiện nay địa phương đang xử lý, rà soát theo tinh thần trách nhiệm đối với dân, trách nhiệm quản lý và kiểm tra của cơ quan chức năng, trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhưng người phản ảnh và truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình.
|
Một số bài báo gần đây nêu nhiều vấn đề khiến người dân chú ý, lo lắng. Đó là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông theo Luật Báo chí. Những vấn đề các bài báo trên đặt ra không mới, đã được tiếp nhận, xem xét, nghiên cứu, thậm chí tổ chức hội thảo khoa học để chọn lựa giải pháp tốt nhất. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng những điều đã được cho phép, chính quyền địa phương về mặt quản lý có trách nhiệm rà soát quy trình cho phép, còn các cơ quan truyền thông thì phải chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải.
* Cụ thể, hiện nay có ý kiến cho rằng dự án làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Đồng Nai, thậm chí “đạp mất cầu Ghềnh và cù lao Phố”. Ông lý giải điều này thế nào?
- Đây là mối quan tâm chung, là vấn đề hệ trọng, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng khi xử lý phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng.
Từ năm 2007, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn làm chủ đầu tư thực hiện đề tài đánh giá tác động của dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Đề tài nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy này do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lập đề cương và thực hiện, Viện Thủy lợi và môi trường (thuộc Trường đại học thủy lợi) thẩm tra. Năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động dòng chảy. Đây là cơ sở để tỉnh nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch bảo vệ và cải tạo cảnh quan ven sông.
Năm 2011, Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát đã xin chủ trương nghiên cứu dự án với mục tiêu chống xói lở và cải tạo cảnh quan ven sông. Trong thực tế, những bô lão, người cao tuổi sống tại Đồng Nai - những người rất am hiểu dòng sông, đều bức xúc trước hiện trạng sông bị sạt lở từ nhiều năm nay. Việc cải tạo thực chất là trả lại bờ sông cũ. Không có khả năng dự án làm thay đổi dòng chảy, gây nguy hại. Ai đó suy luận dự án “đạp mất cầu Ghềnh và cù lao Phố” cho đến giờ này vẫn là mang cảm tính cá nhân, không có cơ sở nhưng lại khiến cho người dân lo lắng. Phía địa phương phải tin vào cơ quan chuyên môn ở góc độ quản lý nhà nước.
Phối cảnh một góc công viên trong dự án.
|
* Cũng có ý kiến cho rằng dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây nguy hại cho cư dân. Việc đó ông giải thích như thế nào?
- Ô nhiễm môi trường, nguồn nước cũng là một trong những nội dung quan trọng được địa phương quan tâm ngay từ khi đặt vấn đề xây dựng dự án. Đúng là trong quá trình thi công có gây ồn, gây bụi khiến người dân khó chịu. Nhưng những phản ánh này đã được ghi nhận và chủ đầu tư đã khắc phục.
Trong dự án có liên quan đến việc cải tạo nhà máy nước, đã được thực hiện theo quy trình đảm bảo an toàn và chất lượng nguồn nước. Nguồn nước sông Đồng Nai hiện được hệ thống quan trắc đánh giá, theo dõi, kiểm tra, đến giờ này các thông số quan trắc vẫn đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định. Ý kiến cho rằng dự án làm ô nhiễm nguồn nước cũng là suy đoán cảm tính. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục theo dõi nội dung này.
* Việc một số bài báo cho rằng dự án này chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp, ý kiến của ông như thế nào?
- Nhận định đó hoàn toàn xa lạ với thực chất và mục tiêu của dự án. Khi phân tích về dự án, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã cân nhắc, xem xét và chọn lựa chủ đầu tư trên cơ sở phải hài hòa lợi ích giữa dân - nhà nước - doanh nghiệp. Cần nhớ, trước năm 2010 đã có quy hoạch xây dựng cảnh quan bờ sông Đồng Nai, nhưng theo định hướng quy hoạch cũ phải di dời tái định cư số đông dân cư, và phải tốn rất nhiều tiền cũng như thời gian.
“Việc xây dựng các công trình lấn sông ở khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận”
(Trích Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông, do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện)
|
Dự án này được chọn lựa vì những ưu thế: không sử dụng tiền ngân sách, không di dời dân cư, mở rộng thêm diện tích (hơn 7 hécta), bố trí thêm nhiều hạng mục mà thành phố đang thiếu (công viên, quảng trường, bến tàu, phố đi bộ), liên thông bờ sông từ cầu Hóa An đến cầu Rạch Cát - điều ao ước của cư dân Biên Hòa từ bao đời nay. Nếu nghiên cứu kỹ mới thấy tâm huyết của chủ đầu tư, thể hiện trong việc xây dựng các công trình công cộng chiếm hơn 70% dự án. Theo Nghị quyết 666 của Tỉnh ủy, đây là dự án đáp ứng tiêu chí hài hòa lợi ích, nên đã chọn lựa thực hiện.
* Dự án khi thực hiện có lấy ý kiến của người dân không, mà hiện nay một số người dân bày tỏ lo lắng?
- Lấy ý kiến đồng thuận cư dân liên quan đến dự án là một trong những điều kiện để cấp phép thực hiện. Trong hồ sơ cấp phép thực hiện dự án có biên bản họp dân, trong đó thể hiện ý kiến đồng thuận của người dân cũng như chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, người dân tham dự lấy ý kiến là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan, và khi dự án được thực hiện có tác động trực tiếp đến từng hộ thì còn thiếu hình thức thường xuyên, kịp thời tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân. Từ đó có phát sinh những ý kiến nhiều chiều và liên quan đến lợi ích cá nhân.
Sở dĩ có nhiều ý kiến khiến người dân lo lắng là do cách tiếp cận, góc nhìn và phản ánh của một số bài báo. Ví như khi vẽ một bức tranh cuộc sống, bức tranh chân thật sẽ gồm cả màu sáng và màu tối như cuộc sống vốn có, nhưng cũng có kiểu vẽ tranh chỉ chọn gam màu tối.
* Có nhà khoa học được bài báo trích dẫn những phát ngôn ngược lại với mục tiêu dự án. Ông có ý kiến thế nào?
- Các nhà khoa học có trách nhiệm tư vấn và phản biện nhưng phải trên cơ sở khoa học. Những ý kiến nhiều chiều của các nhà khoa học, gồm nhà khoa học “tháp ngà” lẫn nhà khoa học thực tiễn đều được tiếp nhận và nghiên cứu trong các cuộc hội thảo khoa học. Tiếc rằng, những ý kiến các nhà khoa học trái ngược với mục tiêu dự án thì được tô đậm trên mặt báo, còn ý kiến của các nhà khoa học thực tiễn thể hiện rõ trên hồ sơ thì không được tiếp cận và ghi nhận. Vậy, việc này như đã nói ở trên cũng là kiểu vẽ tranh cuộc sống theo gam màu tối.
* Xin cảm ơn ông!
Quang Ảnh
báo đồng nai
|