Sóng ngầm ngành nông nghiệp
Những dự án lớn của nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau đang chảy vào nông nghiệp, nhưng lại đầu tư vào nông nghiệp... nước ngoài thay vì trong nước. TBKTSG đã phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.
|
TBKTSG: Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã công bố những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng không phải trong nước mà ở... nước ngoài. Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đúng là gần đây có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn trong nước ra nước ngoài đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sữa. Điển hình như trường hợp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư vào mía đường, cao su tại Lào, Campuchia. Vinamilk đầu tư chế biến sữa tại New Zealand, Ba Lan, Mỹ... đồng thời, công ty này cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy 23 triệu đô la Mỹ tại Campuchia mà Vinamilk nắm giữ 51% vốn. Hay như Nova Group, một công ty chuyên xây dựng các dự án bất động sản lớn tại TPHCM, đang hợp tác với tập đoàn Kerry (Ireland) để phát triển dự án trị giá 50 triệu đô la Mỹ tại Ireland nhằm cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em trong nước....
Tuy nhiên, hiện tượng này chưa diễn ra phổ biến, chủ yếu mới chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam hoặc không có lợi thế sản xuất hoặc có thị trường tiêu thụ tốt như mía đường, sữa, thịt bò, cao su...
Ví dụ như sữa, rõ ràng Việt Nam không có đủ diện tích, thiếu đồng cỏ cho chăn nuôi bò trong khi nhu cầu thị trường ngày càng lớn, mức tăng trưởng tiêu dùng sữa trong nước khoảng trên 20%/năm trong 10 năm gần đây. Trong khi giá sữa sản xuất trong nước cao, muốn giảm giá thành họ phải đầu tư ở nước ngoài.
TBKTSG: Vậy đây có phải là xu hướng đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
- Đây là một xu hướng nhưng không phổ biến. Hiện nay đang có sự chuyển dịch ngầm của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trước đây phát triển nóng như chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản... sang lĩnh vực nông nghiệp như HAGL, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai, Bất động sản Phát Đạt, Chứng khoán Sài Gòn (SSI)... Chưa kể các doanh nghiệp trước đây đã đầu tư trong nông nghiệp và nay mở rộng hoạt động.
Điều này hoàn toàn liên quan đến câu chuyện thị trường, khi cơ hội đầu tư ngắn hạn đã hết thì nguồn vốn buộc phải chảy sang lĩnh vực đầu tư bền vững, dài hơi hơn. Trong khi, nông nghiệp còn rất nhiều khoảng trống để đầu tư. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sau thu hoạch.
Về ứng dụng công nghệ cao, có các doanh nghiệp như TH True Milk và HAGL đã sử dụng công nghệ Israel vào sản xuất để đưa ra những sản phẩm chất lượng với năng suất cao hơn, tạo được thương hiệu tại thị trường trong nước. Hay nhiều doanh nghiệp nuôi tôm bằng công nghệ cao cho năng suất lên tới vài trăm tấn/héc ta/năm...
Bên cạnh đó là lĩnh vực chế biến và kinh doanh nông sản. Ở các nước, giá trị dịch vụ đầu vào, chế biến và dịch vụ đầu ra cho sản phẩm (agribusiness) so với sản phẩm thô thường gấp hai lần (như đối với Thái Lan) và hơn ba lần (đối với Israel). Còn với Việt Nam, hai phần này tương đương nhau. Điều này chứng tỏ dư địa đối với chế biến và kinh doanh nông sản còn rất lớn.
Xem thêm Tại đây
Thùy Dung
tbktsg
|