Thứ Hai, 16/03/2015 11:36

Sản xuất và xuất khẩu cái gì?

Với tư duy về tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ vấn đề sản xuất cái gì (bên cạnh các vấn đề sản xuất cho ai và như thế nào), TS Trần Tiến Khai cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên tính đến việc giảm quy mô nguồn lực dành cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống giá trị thấp để đầu tư cho những sản phẩm giá trị cao mà mình có ưu thế.

Xu hướng chung của các nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp là chuyên môn hóa sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, và có nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng tăng như thủy sản đánh bắt, thủy sản nuôi trồng, rau quả, nấm ăn, hoa cắt cành. Các sản phẩm này thường được chế biến sâu, thậm chí thành những sản phẩm được sơ chế, nấu nướng sẵn sàng cho người tiêu dùng; và vì vậy góp phần kích thích phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, nhìn lại Việt Nam, từ nhiều năm nay, mặc dù tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng nông sản luôn đóng góp phần quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu - năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 30,86 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, và gạo (không kể tiểu ngạch) tăng 5,3% - nhưng ngoại trừ nhóm mặt hàng thủy sản, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đều dưới dạng sản phẩm thô, chưa thông qua chế biến sâu, và có giá trị gia tăng thấp.

Nếu so sánh với thị trường nông sản, thực phẩm thế giới ở khía cạnh giá trị xuất khẩu, thì rõ ràng, các mặt hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam có vị trí vô cùng khiêm tốn (Bảng 1). Các nông sản có thị phần tương đối lớn là thủy hải sản (4,17%), cà phê – chè – hồ tiêu (9,01%) và gạo (7,83%), trong khi các sản phẩm của ngành chăn nuôi gần như vắng bóng trên thị trường thế giới. Việt Nam lại có thị phần rất nhỏ ở các nhóm sản phẩm như sản phẩm sữa, trứng, mật ong, hoa cắt cành, rau củ, trái cây, quả ăn được. Điều đáng nói là tính theo giá trị, quy mô các nhóm sản phẩm sữa, trứng, mật ong; rau củ và trái cây lớn gấp 3.8, 2.7 và 3.9 lần quy mô thị trường gạo là sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Chỉ tính riêng nhóm sản phẩm ca cao, quy mô thị phần cũng lớn gần gấp đôi sản phẩm gạo. Quy mô thị trường nhóm sản phẩm thủy sản cũng lớn gấp hơn bốn lần so với sản phẩm gạo.

Xét về nguồn lực sản xuất, Việt Nam đã hầu như không còn tiềm năng đất đai để mở rộng quy mô sản xuất các nhóm sản phẩm trồng trọt truyền thống như lúa gạo, cà phê, nhân hạt điều, hồ tiêu và cao su, nhưng lại đang bỏ lỡ cơ hội sản xuất và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp mà mình có ưu thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và vị trí địa lý, nhất là các chủng loại rau, quả, nấm ăn, hoa cắt cành nhiệt đới và á nhiệt đới đến các nước ôn đới trong mùa đông. Các ngành rau, quả, nấm ăn, và hoa cắt cành không cần quy mô đất sản xuất quá lớn, áp dụng được công nghệ sinh học và công nghệ cao trên quy mô đất nhỏ và phân tán, phù hợp với quy sản xuất nhỏ như ở Việt Nam và đã được trồng phổ biến ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau.

Ngoài ra tiềm năng phát triển ngành thủy sản đánh bắt và nuôi trồng vẫn còn rất lớn, nhất là đối với hai sản phẩm tôm nước lợ và cá da trơn khi Việt Nam đang có 0,5 triệu ha đất nuôi trồng thủy sản ven biển và hàng chục ngàn ha diện tích mặt nước cho nuôi thủy sản nước ngọt, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thiếu nước ngọt và khô hạn trong mùa khô.

Như vậy, có thể thấy bên cạnh việc duy trì khối lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu truyền thống, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới là có tiềm năng, hết sức cần thiết, và có khả năng tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có thể thu hẹp quy mô sản xuất một số sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như lúa gạo, nhân hạt điều hoặc các loại nông sản không có lợi thế cạnh tranh như mía đường, lạc, đậu tương để sử dụng nguồn lực một cách hợp lý hơn cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

(Trích tham luận Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: một cách nhìn từ thị trường của TS. Trần Tiến Khai cho Hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp ngày 17/1/2015 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

tia sáng

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu đá quý, kim loại quý giảm nhẹ (16/03/2015)

>   “Đói” vì thức ăn... chăn nuôi (16/03/2015)

>   Bộ GTVT trình phương án bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamotor (16/03/2015)

>   Vì đâu cảng hiện đại nhất miền Bắc lỗ hơn triệu USD/tháng? (16/03/2015)

>   Sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa: Đầu tư 2.000 tỉ đồng xây dựng đường băng số 2 (16/03/2015)

>   Chi phí sản xuất hóa chất, phân bón sẽ tăng 7% theo giá điện mới (16/03/2015)

>   Ai Cập mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực (16/03/2015)

>   Doanh số Toyota Việt Nam tăng 83% (15/03/2015)

>   Triển vọng xuất khẩu tôm vẫn tốt (14/03/2015)

>   Nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp xã hội (14/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật