Thứ Hai, 16/03/2015 08:57

Nợ xấu: Dễ mua, khó bán lại

Gần một năm rưỡi bắt tay xử lý nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa làm được gì nhiều. Tuy nhiên, dự báo tiến độ mua nợ của các ngân hàng trong năm 2015 sẽ được đẩy nhanh

Với những quy định mới, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận việc mua nợ của VAMC dù có lúc nhanh lúc chậm nhưng cơ bản là thuận lợi. Theo số liệu được công bố, tính đến hết năm 2014, VAMC đã mua được 137.000 tỉ đồng nợ gốc với giá trị trái phiếu 108.000 tỉ đồng.

Hết quý III/2015, phải bán hết nợ xấu

Việc xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các NH thương mại (TM) phải xây dựng, báo cáo kế hoạch xử lý nợ xấu trong từng tháng và tổ chức triển khai thực hiện với mốc quan trọng là trong năm nay, hết quý II phải bán được tối thiểu 75%, hết quý III phải bán hết 100% tổng số nợ xấu được ấn định. Bên cạnh đó, Thông tư 36 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2015) cũng sẽ gia tăng áp lực, buộc các NH phải điều chỉnh tỉ lệ nợ xấu về ngưỡng định hướng 3% thông qua bán nợ cho VAMC khi quy định ngưỡng nợ xấu này là điều kiện để NH cấp tín dụng hay mua cổ phần các tổ chức tín dụng khác. NH có tỉ lệ nợ xấu cao cũng sẽ bị hạn chế mở chi nhánh, cấp tín dụng mới.

Nợ xấu ngân hàng sẽ được xử lý mạnh trong năm nay Ảnh: Tấn Thạnh

Bên cạnh được phép phát hành trái phiếu đặc biệt thêm 80.000 tỉ đồng, VAMC còn chủ động xây dựng kế hoạch mua nợ từ 80.000 đến 100.000 tỉ đồng trong năm 2015.

Mua rồi... để đó

Mua đã khó, việc VAMC bán nợ lại càng khó hơn vì từ trước đến nay, VAMC mới chỉ gom nợ để đấy nhưng chưa biết bán lại cho ai, bán như thế nào. Tính đến nay, kết quả xử lý nợ xấu đã mua của VAMC rất hạn chế, mới xử lý được trên 5.100 tỉ đồng bằng các biện pháp thu hồi nợ, phát mại, đấu giá, bán tài sản, bán khoản nợ thông qua hình thức xử lý trực tiếp hoặc ủy quyền cho các tổ chức tín dụng.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dẫn ví dụ: Một doanh nghiệp đầu tư khách sạn 3 sao ở tỉnh Bắc Ninh, được Agribank hỗ trợ 400 tỉ đồng. Khi phát sinh nợ xấu, Agribank bán lại khách sạn này cho VAMC với giá vốn đầu tư trừ 1 năm tiền trích dự phòng rủi ro, tức khoảng 360 tỉ đồng, trong khi bán ra thị trường 200 tỉ đồng đã là khó. VAMC mua lại rồi để đấy vì bán với giá 200 tỉ đồng thì chưa có cơ chế. Vì thế, VAMC chỉ còn cách “ôm” rồi hết 5 năm trả lại cho NH.

Theo TS Cấn Văn Lực - hàm Phó Tổng giám đốc NH Đầu tư và Phát triển BIDV, luôn có sự chênh lệch giữa giá mà VAMC mua vào - tương đương khoảng 80% giá trị khoản nợ - và giá khoản nợ mà VAMC bán ra - tương đương khoảng 40%-50% giá trị khoản nợ. Phải có cơ chế xử lý phần chênh lệch này thì VAMC mới có thể đẩy mạnh bán nợ.

Theo các chuyên gia, quan trọng là phải khơi thông được các khoản nợ xấu bằng cách bán các tài sản bảo đảm, xử lý việc phá sản doanh nghiệp để thúc đẩy dòng tiền từ con nợ. Ngoài ra, cần khuyến khích một dòng tiền thứ cấp khác chảy vào thị trường mua bán nợ từ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có lúc hàng chục nhà đầu tư ngoại muốn mua nợ của VAMC nhưng vẫn chưa có thương vụ nào được thực hiện vì chưa có cơ chế và nhà đầu tư chưa thấy lợi ích từ các món hàng mà VAMC muốn bán.

“Nhà đầu tư chỉ có thể tham gia mua bán tài sản nhưng thủ tục pháp lý rất vướng, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bản thân VAMC cũng chưa có cơ chế bán nợ rõ ràng, bán dưới giá mua vào phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi VAMC vốn mỏng, bán một vài vụ lớn là có thể âm vốn thì ai dám quyết” - luật sư Trương Thanh Đức (Hiệp hội NH) phân tích.

Hệ thống NH phải tự xử lý 50.000-60.000 tỉ đồng nợ xấu

Một cuộc họp bàn về phương án, kế hoạch bán và xử lý nợ xấu của ngành NH trên địa bàn TP HCM vừa diễn ra cuối tuần rồi. Theo đó, các NHTM phải đưa ra kế hoạch bán nợ cụ thể cho VAMC và tiến độ xử lý, thu hồi nợ của từng NH.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, cho biết 80.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu đặc biệt là NHNN phê duyệt dựa trên đề xuất của VAMC về kế hoạch mua nợ xấu trong năm nay. “Thuận lợi là ngay từ đầu năm, các NHTM đã quan tâm và sớm xây dựng kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC nên quá trình mua nợ sẽ nhanh chóng hơn. 80.000 tỉ đồng mua nợ từ các tổ chức tín dụng là dự tính, nếu thuận lợi chúng tôi sẽ đề xuất mua nhiều hơn” - ông Hùng nói.

Ngoài bán nợ cho VAMC, bản thân từng NH cũng đang áp dụng hàng loạt giải pháp để thu hồi nợ xấu. Không đề cập số nợ xấu cụ thể phải xử lý của từng NH nhưng để đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3%, theo một lãnh đạo NHNN, hệ thống NH phải tự xử lý từ 50.000-60.000 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, nợ xấu là hệ quả của nền kinh tế và các NHTM phải có trách nhiệm xử lý. Việc xử lý đang có hiệu quả và VAMC dự tính sau khi mua hết nợ xấu trong năm nay, tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm dưới 3% theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là xử lý nợ xấu như thế nào vì không dùng ngân sách. “Nhiều khoản nợ tòa đã xử nhưng khâu thi hành án lại rất chậm nên khó thu hồi. Hay nợ tài sản thế chấp là bất động sản, con nợ không chịu bán mà nhất định chờ bất động sản phục hồi để được giá” - ông Hùng dẫn thực tế.

Thái Phương


Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Chuyên gia vàng: Việt Nam khó tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng (15/03/2015)

>   Ngân hàng thúc đẩy cho vay mùa thấp điểm (14/03/2015)

>   Tỉ giá lại “nổi sóng” (14/03/2015)

>   Giá đô la Mỹ bắt đầu tăng nhanh so với tiền đồng (13/03/2015)

>   Thị trường vàng: Những câu hỏi khó (13/03/2015)

>   Chứng khoán 2015 trong tương quan với cung tiền M2 (13/03/2015)

>   450 triệu USD cải thiện điều kiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh (12/03/2015)

>   Các ngân hàng thương mại: Vẫn còn dư địa hạ lãi suất cho vay (12/03/2015)

>   Thêm một lãnh đạo Oceanbank bị bắt (12/03/2015)

>   Điều Ngân hàng Nhà nước e ngại đang đến (12/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật