Mỹ đã mua-bán ngân hàng như thế nào?
Ở Mỹ, ngân hàng có thể bị đóng cửa nếu tỉ lệ an toàn vốn dưới 3% chứ không chờ âm vốn.
Mặc dù thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết năm nay sẽ có khoảng 6-7 NH sáp nhập với nhau nhưng đến nay danh tính của những NH này chưa được tiết lộ hết. Thông tin về sáp nhập giữa các NH cũng như NHNN có tham gia mua 100% cổ phần NH nào nữa hay không đang được nhiều người quan tâm. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH (người từng mua bán NH ở Mỹ), cho rằng tại Mỹ việc mua bán, sáp nhập NH cũng giống như bao nhiêu thương vụ mua-bán khác.
Mỹ: Bơm vốn, không quản lý ngân hàng
. Phóng viên: Thưa ông, trước một NH đang có dấu hiệu mất thanh khoản, yếu kém, nợ xấu… thì chính phủ Mỹ sẽ làm thế nào, cứu hay để chết?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề quản lý NH tại Mỹ thường có bốn cơ quan: Một là NH dự trữ Liên bang Mỹ, hai là Công ty Tiền gửi liên bang của Mỹ, ba là Cục Ngân khố thuộc liên bang, thứ tư là cơ quan quản lý các NH của bang. Tùy vào mức độ khó khăn, tùy đơn vị nào quản lý, việc xử lý NH yếu kém rủi ro sẽ khác nhau. Nếu NH đó thuộc bang thì các cơ quan quản lý của bang đó sẽ xử lý.
Trước hết, họ thanh tra giám sát NH yếu kém xem lý do nào nợ xấu cao, chất lượng tài sản suy giảm, ăn mòn vào vốn tự có… Và chỉ tiêu quan trọng đối với họ là hệ số an toàn vốn. Một NH ở Mỹ không để tình trạng an toàn vốn xuống quá mức 8%. Nếu xuống quá ngưỡng này thì các cơ quan quản lý buộc NH đó phải bổ sung vốn để trở lại mức 8%.
Giao dịch tại một NH ở TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
|
Trong trường hợp NH không bổ sung thêm vốn được mà hệ số an toàn vốn tiếp tục giảm xuống 5% họ sẽ bị cảnh cáo rất nặng nề. Từ mức 5% xuống 3% thì có thể được hiểu bất cứ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể đến đóng cửa NH chứ không cần để tỉ lệ này âm. Đóng cửa nghĩa là cho phá sản hay bán NH cũng là điều bình thường.
. Những năm khủng hoảng 2007-2008, chính phủ Mỹ đã vào cuộc để cứu hay để NH chết?
+ Vào những năm đó đã có trường hợp chính phủ Mỹ phải bỏ ra 700 tỉ USD để cứu một NH bằng cách mua cổ phiếu ưu đãi của NH đang gặp khó khăn đó.
Ở Mỹ thông thường có hai loại cổ phiếu: Thông thường và đặc biệt. Với cổ phiếu thông thường, cổ đông có thể cử người đại diện tại NH hoặc người đại diện bên ngoài quản lý cho mình. Còn cổ phiếu đặc biệt thì không có quyền gửi người vào làm đại diện hoặc tham gia vào hội đồng quản trị. Chính phủ Mỹ chỉ tham gia cứu NH với mục đích là bơm vốn vào và nhận lãi chứ không mua hết 100% cổ phiếu hoặc điều hành NH đó. Tuy nhiên, quyền lợi mà chính phủ có được khi mua cổ phiếu đặc biệt này là dù NH có lãi hay không thì NH vẫn phải trả một khoản lợi tức cố định. Ngược lại, cổ phiếu phổ thông chỉ được nhận cổ tức khi năm đó NH làm ăn có lãi.
Với cách này, nhiều NH đã được cứu thoát khỏi khó khăn trong những năm khủng hoảng.
. Sau khi NH vượt qua khó khăn, số cổ phiếu chính phủ Mỹ nắm sẽ được giải quyết ra sao?
+ Sau khi NH ăn nên làm ra, họ sẽ mua lại chính cổ phiếu ưu đãi đã bán cho chính phủ. Có nhiều trường hợp NH đã mua lại với giá cao hơn lúc phát hành và chính phủ có lợi. Đó là cách chính phủ dùng ngân sách để cứu NH khó khăn: Bơm vốn chứ không can thiệp quản trị.
Việt Nam: Chưa sẵn sàng đón nhận phá sản
. Với cách này, theo ông, mình có thể áp dụng cho các trường hợp tại Việt Nam, thay vì mua cổ phiếu 100% thì mua một phần?
+ Ở Việt Nam như NH cổ phần Xây dựng mới đây, NHNN mua 100% cổ phiếu phổ thông nên Nhà nước có quyền quản trị NH đó. Trường hợp chúng ta không giống như trường hợp ở Mỹ nói trên. Dĩ nhiên ở một số nước như Ấn Độ, Pakistan đã có trường hợp chính phủ mua toàn bộ cổ phiếu thông thường. Tuy nhiên, có thể có khác biệt. Thứ nhất là mình mua NH đó khi vốn nó âm, còn đằng này người ta mua NH đó khi vốn còn dương… Thứ hai, thường ở các quốc gia trên nếu cứu như vậy thì phải nằm trong mục tiêu chung, tổng thể mới quốc hữu hóa chứ không phục vụ nhu cầu đơn lẻ.
. Trường hợp của Việt Nam cũng là để đảm bảo an ninh tiền tệ, người gửi tiền không mất tiền, thưa ông?
+ Tại thời điểm này, ở Việt Nam để xử lý NH yếu kém, NHNN đã mua toàn bộ với giá trị bằng 0. Đó là cách chẳng đặng đừng. Nhưng người gửi tiền sẽ yên tâm vì họ biết NHNN đã bảo vệ và họ không mất tiền. Đó là cách giữ được lòng tin người gửi tiền. Cũng có thể hiểu NHNN mua lại NH đó và có kế hoạch xử lý sao cho NH này sớm phục hồi. Hoặc NHNN cũng có thể bán cho NH khác… Còn cách cho phá sản NH thời điểm này, có lẽ nền kinh tế Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận. Nhất là cơ quan bảo hiểm tiền gửi quốc gia hiện không tham gia vào việc thanh tra hay các hoạt động NH nhiều. Từ trước đến giờ việc vỡ nợ ở các quỹ tín dụng đã có Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả chứ chưa có trường hợp liên quan đến NH.
. Xin cảm ơn ông.
Quyền lợi người gửi tiền vẫn an toàn
Tại Mỹ, các công ty đến đóng cửa NH gồm: Công ty tiền gửi liên bang của Mỹ và cơ quan quản lý tiểu bang sẽ kéo đến NH vào sáng thứ Sáu để đóng cửa. Lúc này tên NH vẫn giữ nguyên nhưng có kèm dòng chữ đơn vị quản lý. Và ngay lúc đó cho đến hai ngày cuối tuần họ thay đổi mật mã và ngày thứ Hai đầu tuần NH sẽ mở cửa hoạt động bình thường cho khách hàng.
Nếu một NH quyết định cho phá sản thì khách hàng nào có tiền gửi từ 250.000 USD trở lại sẽ được cơ quan bảo hiểm tiền gửi bồi thường ngay tức thì. Còn từ 250.000 USD trở lên thì chờ thanh lý tài sản. Họ sẽ trả ưu tiên theo thứ tự: Trả thuế má; trả lương cho người lao động; trả lại cho các khách hàng có tiền gửi trên 250.000 USD và sau đó trả tiền lại cho các bên cung cấp dịch vụ; trả cho các bên cho vay và cuối cùng còn lại mới đến các cổ đông.
Cũng có thể họ không chọn cách phá sản mà bán toàn bộ hoặc một phần NH cho NH khác nếu tìm được người mua. Nếu trước đó họ dàn xếp với NH mua rồi thì việc mua bán rất nhanh chóng.
Năm 2009, chính tôi cũng đã phải bán NH của mình như vậy và quá trình này diễn ra đúng một năm. Nhưng xin nhấn mạnh việc công bố NH mất tỉ lệ an toàn vốn và phải bán điều này không ảnh hưởng đến người gửi tiền. Trong thương vụ mua bán này chỉ có cổ đông là chúng tôi chịu lỗ vì cổ phiếu giảm thậm tệ chứ quyền lợi người gửi tiền, người đi vay… hoàn toàn không thay đổi.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH
|
Yên Trang
pháp luật tphcm
|