Thứ Sáu, 06/03/2015 06:12

Lời chia tay nghìn tỷ của những đại gia đình đám

Thêm một đại gia có tài sản hàng nghìn tỷ đồng nữa sẽ rút vào hoạt động kín đáo hơn cho dù đã ghi nhận rất nhiều thành công rực rỡ trong năm vừa qua.

Rút ra nghìn tỷ

Sau hai năm chuẩn bị và ráo riết mua lại cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ lẻ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang - Chu Thị Bình sẽ chính thức hủy niêm yết toàn bộ 70 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 31/3/2015.

Với giá khoảng 110.000 đồng/cp, tổng giá trị số cổ phiếu MPC rút ra khỏi thị trường đạt gần 7.700 tỷ đồng.

Theo yêu cầu của UBCKNN, cổ phiếu MPC sẽ vẫn phải đăng ký giao dịch trên UpCom. Tuy nhiên, dường như hủy niêm yết là quyết định một đi không trở lại, như đại diện doanh nghiệp này chia sẻ tại đại hội cổ đông bất thường cuối tháng 8/2014.

Như vậy, trong thời gian tới, giới đầu tư có lẽ sẽ ít nhắc tới cái tên hai doanh nhân đang nằm trong tốp 10 người giàu nhất trên TTCK và khá nổi tiếng trên thế giới này. Hiện tại, bà Chu Thị Bình có khối lượng cổ phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, còn Lê Văn Quang có 1.800 tỷ đồng, ở vị trí thứ 9.

Hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng đã được các doanh nhân rút ra khỏi thị trường chứng khoán niêm yết tập trung

Cuối năm 2014, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) cũng đã tự nguyện hủy niêm yết hơn 192 triệu cổ phiếu ALP sau 7 năm giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Tính theo cổ phiếu giá 3.400 đồng trước khi hủy niêm yết, tổng giá trị ALP chỉ có hơn 650 tỷ đồng nhưng con số này sẽ rất lớn bởi nhiều thời điểm cổ phiếu này có giá 20-30 thậm chí 40.000 đồng/cp.

Ông Nguyễn Tuấn Hải và những người liên quan nắm giữ trên 90% cổ phần ALP và từng lọt tốp 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán hồi năm 2013. Sự rút lui của đại gia nghìn tỷ này là một bất ngờ và là một cú sốc đối với nhiều nhà đầu tư.

Trong tháng 2/2015 vừa qua, Công ty Cổ phần Ngô Han (NHW) của nữ doanh nhân Ngô Thị Thông cũng đã hủy niêm yết tự nguyện gần 23 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM. Chủ tịch Ngô Thị Thông đã mua gần 1,4 triệu cổ phiếu NHW và nắm giữ 81,14% vốn điều lệ công ty trước khi hủy niêm yết - tương đương 18,62 triệu cổ phiếu.

Thủy sản Gò Đàng (AGD) của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đạo - bà Nguyễn Thị Thanh Trúc đã hủy niêm yết gần 12 triệu cổ phiếu cho dù hoạt động kinh doanh không những không thua lỗ mà còn tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu và lợi nhuận.

Hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng đã được các doanh nhân rút ra khỏi thị trường chứng khoán niêm yết tập trung. Trong một hai năm qua, cũng có khá nhiều doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện khác như CTV, DHI, GFC, MIH, HBD...

Chuyện kín phía sau

TTCK góp phần không nhỏ vào việc làm nên tên tuổi của nhiều doanh nhân. Cho nên, sự rút lui của một số ông chủ nổi bật trên các sàn chứng khoán thực sự là điều bất ngờ đối với các cổ đông, các nhà đầu tư và là một vấn đề để các nhà quản lý thị trường phải soi xét.

Tại đại hội cổ đông bất thường 2014, đại diện MPC cho biết không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trở lại do việc niêm yết cổ phiếu ảnh hưởng đến công tác đàm phán giá bán tôm giữa MPC với khách hàng. Khi niêm yết MPC phải đáp ứng yêu cầu về công bố thông tin theo quy định.

Có nhiều lý do giải thích cho quyết định rời sàn của các doanh nghiệp

Đây chỉ là một trong số các lý do MPC đưa ra cho quyết định hủy niêm yết tự nguyện. Việc hủy niêm yết là thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông mà mục đích chính là để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược và tái cơ cấu lại công ty.

Ông Quang chia sẻ trên Bloomberg gần đây cho biết, MPC đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Gia đình ông Quang, do vậy, có thể sẽ giảm tỷ lệ sở hữu và đồng thời có thể tăng vốn để phát hành cho đối tác nước ngoài.

Thủy sản Gò Đàng của gia đình ông Nguyễn Văn Đạo cũng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn. Quyết định rút lui khỏi sản cũng là để huy động vốn ngoại, nhiều khả năng bán vượt 49% cho nhà đầu tư nước ngoài - một quy định không được phép đối với doanh nghiệp niêm yết.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Hải, sau hủy niêm yết, ALP tập trung vào các mục tiêu dài hạn, không còn phải chịu áp lực trước các mục tiêu và lợi ích ngắn hạn do đó có thể chủ động hơn trong việc tái cấu trúc. Doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong thực hiện chiến lược M&A và thoải mái hơn trong việc chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Bên cạnh đó, rất có thể ông Hải sẽ tìm kiếm sự hợp tác của các quỹ đầu tư nước ngoài - những cơ hội mà doanh nhân này coi đã bị mất đi khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Có nhiều lý do giải thích cho quyết định rời sàn của các doanh nghiệp. Đó có thể là để thuận lợi huy động vốn ngoại và cũng có thể muốn quay về với doanh nghiệp gia đình trị, không còn là công ty đại chúng để giảm áp lực từ cổ đông, từ dư luận...

Tựu trung đó có thể là sự kém mặn mà của một số doanh nhân đối với TTCK, mà ở góc độ nào đó nó phản ánh sự kém hấp dẫn của kênh huy động vốn này. Nó cũng phần nào phản ánh sự trục trặc trong mối quan hệ giữa các ông chủ lớn với các cổ đông nhỏ lẻ. Bên cạnh đó có thể là sự kém hiệu quả của các chính sách phát triển thị trường cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Mạnh Hà

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Kết quả kinh doanh năm 2014: Những cái “Top” (06/03/2015)

>   DNNY chế biến cao su 2014: Lợi nhuận chững lại dù hưởng lợi từ giá nguyên liệu giảm mạnh (06/03/2015)

>   SRC: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   BRC: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   ST8: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   GAS: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   DPM: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   CSM: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   HU1: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

>   HAG: Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (05/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật