Chủ Nhật, 22/03/2015 08:39

Hội nghị thượng đỉnh EU: Lộ rõ sự chia rẽ

Một lần nữa, chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga lại trở thành phép thử cho sự đoàn kết và thống nhất của Liên minh Châu Âu (EU) tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa kết thúc ngày 20-3 ở thủ đô Brussels (Bỉ). Đúng như nhận định của các nhà phân tích quốc tế, những toan tính về lợi ích quốc gia ngày càng khiến các thành viên EU khó đi đến một sự đồng thuận chung trong cuộc "đấu trí" với Mátxcơva.

Các nhà lãnh đạo EU không còn nhìn về một hướng trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.

Dự định ban đầu của hội nghị là nhằm thảo luận việc tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt chống Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Brussels cho thấy mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước EU trong chính sách đối với Mátxcơva và cách tiếp cận giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine bắt đầu lộ rõ. Trong khi Vương quốc Anh cùng một số nước vùng Baltic và Bắc Âu tỏ rõ quan điểm cứng rắn, muốn tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt và xem đây là biện pháp sẽ khiến Mátxcơva phải có trách nhiệm ràng buộc hơn đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine thì ít nhất 7 quốc gia EU khác gồm Cộng hòa Síp, Italia, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha lại phản đối việc kéo dài lệnh trừng phạt. Nhóm quốc gia này cũng tuyên bố sẵn sàng phủ quyết bất kỳ một nghị quyết trừng phạt nào được đưa ra. Đáng chú ý, Pháp, Italia và Tây Ban Nha còn tuyên bố rõ ràng là họ không muốn phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn, vốn dĩ mong manh. Đến lúc này, chỉ có Đức đứng ở vị trí trung gian giữa hai phe trong EU về vấn đề trừng phạt Nga khi vừa muốn thể hiện sự cứng rắn vừa muốn duy trì được sự đoàn kết của Châu Âu.

Không thể phủ nhận, các biện pháp trừng phạt trong hơn một năm qua đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Song, không chỉ riêng Nga mà cả các quốc gia EU cũng bị thiệt hại không nhỏ. Thế nhưng vấn đề khủng hoảng ở Ukraine vẫn bế tắc và chưa đi đến một giải pháp cuối cùng. Như thế có nghĩa là việc cô lập Nga không thể giải quyết tận gốc vấn đề mà còn gây tổn thương cả cho bên áp đặt. Vì thế, ngày càng nhiều quốc gia EU lên tiếng phản đối chính sách cứng rắn với Nga. Bằng chứng cho thấy nhiều nước trong EU đang giảm dần ý muốn quay lưng lại với Mátxcơva là danh sách khách tới thăm điện Kremlin trong thời gian gần đây và sắp tới. Đáng chú ý, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades đã tới Nga vào tháng 2 vừa qua và trao cho Hải quân Nga quyền ra vào các cảng của đảo quốc này. Tháng 3, điện Kremlin đón Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định đây là một "đối tác được ưu ái". Dự kiến, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ là vị khách Châu Âu tiếp theo của ông V.Putin trong chuyến thăm Mátxcơva diễn ra vào tháng 4 tới.

Theo luật lệ của EU, việc tăng cường trừng phạt Nga cần phải có sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên. Tuy nhiên, quan điểm trái ngược nhau đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh EU chỉ dừng lại ở biện pháp mang tính thỏa hiệp. Đó là duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ukraine được thực hiện đầy đủ. Như vậy biện pháp trừng phạt sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay, thời hạn dự kiến các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk. Đây là điều trái ngược với mong muốn của Chính phủ Ukraine, vốn đang kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tiếp tục gây sức ép với Nga. Thậm chí, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cảnh báo việc EU không thể thống nhất các lệnh trừng phạt Nga sẽ là một chiến thắng với Tổng thống V.Putin.

Rõ ràng, Kiev có lý do để lo ngại. Một khi EU bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì phải hy sinh lợi ích quá nhiều và buông tay, cuộc cách mạng Maidan sẽ trở thành vô nghĩa. Không có bên nào giành chiến thắng nhưng bên thua cuộc chắc chắn là Ukraine khi đất nước bỗng dưng bị chia tách. Những nỗi đau chiến tranh, ly tán, chết chóc sẽ trở thành vết thương khó lành trên mảnh đất vốn rất hiền hòa và yên bình.

Quỳnh Dương

HÀ Nội Mới

Các tin tức khác

>   Chính phủ Anh tiến gần hơn tới mục tiêu kiềm chế nợ công (22/03/2015)

>   Quốc hội Colombia xem xét kế hoạch phát triển trị giá 270 tỷ USD (22/03/2015)

>   Nhà nước Hồi giáo là 'tổ chức khủng bố giàu nhất lịch sử' (21/03/2015)

>   “Giá dầu có thể giảm về mức 15 USD/thùng” (21/03/2015)

>   EU quyết tâm kiểm soát hành vi trốn thuế sau bê bối LuxLeaks (21/03/2015)

>   EC hỗ trợ Hy Lạp 2 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (21/03/2015)

>   Tổng Giám đốc Ngân hàng BPA bị bắt giữ vì nghi ngờ rửa tiền (21/03/2015)

>   Vàng tăng gần 3%/tuần, bạc nhảy vọt 9% (21/03/2015)

>   Chính phủ Ukraine nợ Gazprom gần 2,5 tỷ USD tiền khí đốt (21/03/2015)

>   Trung Quốc thông báo thành lập ngân hàng AIIB vào cuối 2015 (21/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật