Hàng loạt KCN “vắng khách” bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư
Việc rà soát lại quy hoạch các KCN được cho là sẽ loại bỏ phần lớn các dự án quy hoạch treo, hoặc hoạt động không hiệu quả.
KCN Quang Minh ngập trong biển nước vì một trận mưa năm 2012 do không có đường nước thải
|
Theo báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế lần thứ năm (2015) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, trong quá trình rà soát, nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa xây dựng cơ sở hạ tầng... đã bị các cơ quan chức năng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Ồ ạt thu hồi giấy chứng nhận đầu tư
Cụ thể theo báo cáo, trong 14 KCN thuộc diện nói trên, chỉ có 5 KCN đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục triển khai các dự án bao gồm KCN Quang Minh II (Hà Nội), KCN Cộng Hòa - Chí Linh và KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), KCN Kim Động (Hưng Yên) và KCN Phong Phú (TP.HCM).
Đối với các KCN đã thu hồi hoặc bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi KCN Bá Thiện và giao Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư hoàn thiện nốt hạ tầng giai đoạn 1. Tỉnh này cũng điều chỉnh giảm quy mô KCN Bình Xuyên II từ 485,1 xuống còn 45,6 ha, phần diện tích còn lại đang kêu gọi nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản).
Tỉnh Khánh Hòa cũng báo cáo Thủ tướng cho phép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư KCN Nam Cam Ranh (204ha). Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đang làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư KCN Du Long (407ha).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn một số trường hợp KCN khác vẫn đang trong quá trình xử lý và vẫn còn vướng mắc như KCN Long Sơn (1.250ha) đã được điều chỉnh giảm xuống còn 850 ha vào tháng 9/2013 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. KCN Bắc Thường Tín (429ha) và KCN Phụng Hiệp (175 ha) chưa triển khai do quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín và quy hoạch xây dựng đường vành đai IV đi qua KCN Phụng Hiệp chưa được phê duyệt.
Ngoài ra, danh sách này còn có KCN Minh Quang (325ha), KCN Vĩnh Phúc (383ha), KCN Ngọc Long (149ha), KCN Megastar (149ha) tỉnh Hưng Yên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất KCN, KCN Đức Hòa III - Liên Thành (93ha) và KCN Đông Nam Á (396ha) tỉnh Long An gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông từ KCN ra bên ngoài.
Loại dự án quy hoạch treo
Hiện, Việt Nam có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích tự nhiên gần 84.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56.000 ha, chiếm khoảng 66% diện tích đất tự nhiên.
Có 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60.000 ha và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 24.000 ha.
|
Hiện nay, đã có tổng cộng 47 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN mới trong năm 2014. Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ có 14 địa phương nữa được điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN trong năm 2015. Việc rà soát lại quy hoạch các KCN được cho là sẽ loại bỏ phần lớn các dự án quy hoạch treo, hoặc hoạt động không hiệu quả gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng tới diện tích đất trồng lúa.
Sau đợt rà soát trong năm 2014, diện tích quy hoạch treo hoặc không hiệu quả của các KCN đã giảm đáng kể. Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi quy hoạch 5 KCN và giảm diện tích 6 khu chưa được thành lập tại 5 tỉnh với tổng diện tích 1.871 ha.
Có tới 16 KCN đã được thành lập tại 9 tỉnh, thành phố cũng bị cuộc phải giảm diện tích tổng cộng là 1.500 ha, chỉ có 4 KCN được tăng diện tích (49 ha). Như vậy, tổng diện tích điều chỉnh giảm rất lớn, lên tới 3.371 ha, nhưng diện tích tăng thêm không đáng kể.
“Chắc chắn tổng diện tích đất khu công nghiệp sẽ giảm xuống nữa khi Chính phủ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tại 14 tỉnh còn lại. Nguyên tắc chung khi điều chỉnh là sẽ giảm bớt chứ không tăng lên” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ hội đầu tư xây dựng KCN mới không còn nữa. Hiện, nhiều công ty phát triển KCN, đặc biệt các công ty nước ngoài như VSIP, Amata, Sojitz hay Rent-A-Port đều đang muốn xây dựng thêm các KCN mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất nước ngoài.
Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch mới được phê duyệt cũng là quy hoạch mở. Các địa phương nếu xét thấy các KCN đã có trong quy hoạch, nhưng chưa thực hiện thì có thể loại bỏ khu cũ để bổ sung khu mới. Thậm chí, nếu địa phương khẳng định dự án tốt với tỷ lệ lấp đầy trên 60% thì vẫn có thể xem xét để cho mở KCN mới.
Cao Sơn
báo giao thông
|