Góc nhìn 02-06/03: Điều chỉnh là cần thiết?
Cung cầu những phiên gần đây vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. Các chuyên gia nhận định trong các phiên tới cần tiếp tục quan sát cung cầu, nếu không xuất hiện bán tháo, cầu vẫn hấp thụ tốt cung thì sự điều chỉnh nếu tiếp diễn chỉ là diễn biến bình thường trong xu hướng tăng.
Vẫn trong trạng thái tích cực
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Điểm đáng chú ý nhất trong tuần qua tiếp tục là diễn biến mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, đặc biệt tại các mã Bluechips đã tạo lực hỗ trợ tích cực lên thị trường chung. Theo số liệu thống kê, tính tới ngày 26/2 quỹ ETF VNM đã tiếp tục tăng quy mô thêm 150 nghìn chứng chỉ quỹ phiên thứ 8 liên tiếp, đưa tổng lượng chứng chỉ quỹ lên mức 26.9 triệu đơn vị với mức chênh lệch giữa thị giá và giá trị tài sản ròng (NAV) ở mức tương đối cao (1.8%). Tuần tới những diễn biến giao dịch của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động tới biến động của thị trường khi quỹ ETF FTSE Vietnam index sẽ tiến hành công bố kết quả xem xét danh mục vào ngày 7/3/2015 cho kỳ review đầu tiên trong năm 2015. Nhiều khả năng HSG và CSM sẽ bị loạt khỏi danh mục do 2 mã này không còn đáp ứng yêu cầu về khối lượng giao dịch bình quân.
SHS đánh giá xu hướng trong ngắn và trung hạn vẫn đang trong trạng thái tích cực. Nhà đầu tư đã kiên trì mua vào từ giai đoạn trước Tết Nguyên Đán có thể xem xét chốt lời từng phần các mã đã tăng khá trong danh mục. Đối với các nhà đầu tư mới quay lại thị trường, có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để giải ngân dần tại các mốc hỗ trợ kỹ thuật trong điều kiện dòng tiền vẫn giữ được trạng thái tích cực.
Quan sát cung cầu, chuẩn bị tâm lý mua vào dần
CTCK VNDirect (VND): Thị trường quay đầu điều chỉnh như đã dự đoán, trong đó cung cầu vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, các nhóm cổ phiếu khác chủ yếu vẫn biến động trong biên độ hẹp, đột biến chỉ xuất hiện phân tán ở một số mã đơn lẻ. Thanh khoản của thị trường chung giảm, cho thấy tâm lý chung vẫn chưa bị thôi thúc phải bán ra quyết liệt.
Hiện tại VN-Index vẫn chưa vượt được đỉnh liền trước 601 điểm thiết lập vào 25/2. Trong các phiên tới, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát cung cầu, nếu không xuất hiện bán tháo, cầu vẫn hấp thụ tốt cung, VND đánh giá sự điều chỉnh nếu tiếp diễn chỉ là diễn biến bình thường trong xu hướng tăng. Về nét lớn, thị trường vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đã bị phá vỡ.
VND giữ nguyên quan điểm tiếp tục quan sát thị trường, với những nhà đầu tư ưa rủi ro, có lượng tiền mặt lớn, có thể chuẩn bị tâm lý canh mua vào dần trong nhịp điều chỉnh.
Hình thành trạng thái điều chỉnh rõ nét hơn
CTCK MB (MBS): Về cơ bản, lực cầu ngoại không được duy trì, dòng tiền nội thận trọng trở lại và tâm lý chung chưa thực sự lạc quan đã khiến thị trường trở lại trạng thái giao dịch yếu. Việc thị trường phụ thuộc lớn vào giao dịch của khối ngoại đang khiến việc dự báo bị nhiễu và diễn biến chung ẩn chứa nhiều bất ngờ theo hiện tượng mua bán của khối ngoại. Về mặt kỹ thuật, các chỉ số vẫn suy yếu trở lại trong phiên kiểm nghiệm đỉnh cũ, những bất lợi về dòng tiền và sự thiếu hụt thông tin hỗ trợ đang khiến các ngưỡng kháng cự ngắn hạn mạnh hơn dự kiến, việc chưa thể vượt qua vùng 600 điểm với VN-Index và 87.5 điểm với HNX-Index có thể khiến các chỉ số hình thành trạng thái điều chỉnh rõ nét hơn trong tuần tới và vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 580 điểm và của HNX-Index là 85 điểm.
Sự suy yếu của thị trường trong phiên 27/02 một lần nữa kích thích hoạt động bán giảm tỷ trọng cổ phiếu theo khuyến nghị ở bản tin trước, MBS tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng với thị trường và khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục cân bằng 50% cổ phiếu và 50% tiền mặt.
Khả năng VN-Index giảm về quanh vùng 580 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI): Khối ngoại giảm mua đã ảnh hưởng đáng kể tới thị trường 27/02. Trong khi đó lực cầu nội tỏ ra chưa đủ mạnh để hấp thụ lượng cung chốt lãi tại vùng kháng cự mạnh quanh 600 điểm. Thanh khoản tiếp tục thu hẹp cho thấy động lực thị trường giảm sút và ngưỡng hỗ trợ trước mắt 590 điểm chỉ đáng tin cậy khi khối ngoại giữ được đà mua ròng trong tuần sau. Khả năng cao hơn VN-Index sẽ giảm về quanh vùng 580 điểm và cân bằng lại tại đó.
Nhà đầu tư nên cân nhắc hạn chế mở vị thế mua mới và giảm tỷ trọng danh mục xuống mức an toàn khi rủi ro ngắn hạn đang tăng lên.
Khó khăn chinh phục ngưỡng kháng cự 600
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Dòng tiền tham gia thị trường chưa cải thiện cùng với tiếp tục thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ mới. Theo đó, hành trình chinh phục ngưỡng kháng cự 600 của VN-Index vẫn tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, KIS giữ quan điểm lạc quan trong giai đoạn hiện nay do rủi ro thị trường đã giảm đi đáng kể. Trong tuần tới, thị trường được dự báo sẽ còn biến động giằng co nhưng KIS tin quá trình tích lũy vẫn diễn ra. Các nhịp giảm vẫn là cơ hội để nhà đầu tư nâng cao vị thế mua.
Nhịp điều chỉnh là cần thiết trước khi 2 chỉ số có thể tiếp tục đi lên
CTCK Bảo Việt (BVS): Mốc điểm 600 tiếp tục là ngưởng cản tâm lý của thị trường và áp lực bán chốt lời gia tăng đáng kể mỗi khi VN-Index tiếp cận mốc điểm này. Mặc dù vậy, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì và hoạt động khá tích cực tại các vùng giá thấp trong các phiên điều chỉnh của 2 chỉ số.
BVS cho rằng các phiên rung lắc xuất hiện sau nhịp tăng mạnh hơn 10 phiên trước đó là có thể hiểu được và nhịp điều chỉnh này là cần thiết trước khi 2 chỉ số có thể tiếp tục đi lên. Bên cạnh đó, hoạt động tích cực mua ròng của khối ngoại được kỳ vọng sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ thị trường trong các phiên tới. Các thông tin chính thức về kỳ tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETFs sẽ có thể tác động và tạo ra sự phân hóa đối với các mã liên quan.
Mặc dù diễn biến điều chỉnh có thể còn tiếp diễn trong một vài phiên tới, triển vọng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn vẫn được BVS đánh giá ở mức cao. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị tích lũy cổ phiếu ở những phiên rung lắc, tập trung ở các mã, ngành được khối ngoại tăng cường mua ròng, được hưởng lợi trong kỳ review danh mục của các quỹ ETFs hoặc có triển vọng KQKD Quý 1 tích cực.
Gia Nguyên tổng hợp
|