ĐHĐCĐ TRA: “Nóng” với vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất dược
Sáng ngày 27/03, ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) đã diễn ra với sự quan tâm đặc biệt của cổ đông về vấn đề xây dựng 2 nhà máy tại Sa Pa và Hưng Yên. Đồng thời, Đại hội lần này cũng đánh dấu sự thay đổi nhân sự trong HĐQT với sự tham gia của Phó Chủ tịch Unilever Asia Việt Nam.
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của TRA được tổ chức sáng 27/03
|
“Nóng” với vấn đề xây dựng nhà máy
Trong năm 2014, TRA đã nhận bàn giao đất đợt 2 và hoàn thành san lấp xây tường rào giai đoạn 2 cho dự án Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên. Tổng mức đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược Việt Nam được điều chỉnh từ mức 300 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng.
Lý giải về việc điều chỉnh này, đại diện HĐQT cho biết, việc triển khai dự án gặp một số vướng mắc bất khả kháng về giải tỏa mặt bằng và chi phí xây dựng làm tăng mức đầu tư của dự án. Đồng thời, TRA cũng điều chỉnh dây chuyền sản xuất với việc đầu tư thêm dây chuyền công nghệ Blow – Fill – Sill sản xuất thuốc nhỏ mắt, làm tăng chi phí đầu tư thêm 56 tỷ đồng.
Trong Đại hội, cổ đông có thắc mắc về vấn đề đầu tư theo các quy chuẩn mới GPs (GMP, GSP, GLP, GDP) cho dự án Nhà máy sản xuất dược Việt Nam liệu có quá nhanh khi những đối thủ khác của TRA như DHG đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi áp dụng quy chuẩn này, đồng thời các điều kiện kèm theo cũng rất khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Giải đáp cho vấn đề này, ông Trần Trúc Mã - Phó Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, việc áp dụng quy chuẩn mới của TRA không chỉ từ việc đầu tư một dây chuyền máy móc thiết bị và điều này đã được HĐQT chuẩn bị kỹ lưỡng. Quy chuẩn mới cũng không được áp dụng triệt để toàn dự án mà sẽ áp dụng trước cho 2 dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt. Lý do thay đổi tổng mức đầu tư dự án cũng một phần xuất phát từ điều này.
Đồng thời, với ý kiến của cổ đông về vấn đề quy chuẩn KPI phải được áp dụng đến từng nhân viên thay vì từng bộ phận như hiện nay. Ông Mã cũng nói thêm, đây không phải việc có thể thực hiện ngay được và trước mắt thì TRA sẽ áp dụng đến từng bộ phận.
Tại Đại hội, cổ đông cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề mặt bằng hiện tại của nhà máy Hoàng Liệt sau khi chuyển dời toàn bộ sang Nhà máy sản xuất dược Việt Nam tại Hưng Yên. Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT TRA cho biết, kế hoạch trước mắt sẽ sử dụng mặt bằng này để làm đầu mối phân phối các sản phẩm của TRA thay vì lấy trực tiếp từ nhà máy như trước, còn về kế hoạch lâu dài sẽ được HĐQT xem xét và ra quyết định sau.
Đồng thời, về kế hoạch kinh doanh của Nhà máy sản xuất dược Việt Nam, bà Thuận cho biết thêm, theo đúng kế hoạch nhà máy sẽ mang lại doanh thu đầu tiên vào quý 1/2017, tuy nhiên TRA sẽ khai thác ngay các dây chuyền khi lắp đặt xong vì vậy dòng tiền từ dự án có thể mang lại ngay từ quý 1 – 2/2016.
Về dự án xây dựng nhà máy tại Sapa với quy mô 1 triệu USD, bà Thuận cho biết, đây là sự ưu ái đặc biệt của Tp Lào Cai đối với TRA, khi một thành phố du lịch quyết định cấp 7,666 m2 ngay sau ga Lào Cai để TRA thực hiện dự án. Đồng thời, dự án này cũng nằm trong kế hoạch phát triển nguồn cung nguyên liệu đông dược cho kế hoạch sản xuất của TRA.
Mekong Capital đề nghị tăng chỉ tiêu kế hoạch 2015
Năm 2015, TRA đề xuất kế hoạch tổng doanh thu đạt 1,860 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả thực hiện năm 2014, trong đó hàng sản xuất và độc quyền phân phối đạt 1,330 tỷ đồng doanh thu. Lãi ròng hợp nhất dự kiến 190 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2014. Cổ tức năm 2015 là 20% bằng tiền mặt.
Mặc dù đã có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2014 nhưng phát biểu tại Đại hội, ông Lê Tuấn, đại diện Mekong Capital - Công ty Quản lý quỹ Vietnam Azalea Fund cho biết đơn vị này không ủng hộ kế hoạch kinh doanh mà HĐQT đã đưa ra. Theo đó, ông Tuấn đề nghị tăng doanh thu và lợi nhuận kế hoạch năm 2015 lên lần lượt đạt 2,468 tỷ đồng và 211 tỷ đồng, dựa trên cơ hội của TRA khi là doanh nghiệp đầu tiên phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống bán lẻ OTC.
Chia sẻ về vấn đề này ông Trần Trúc Mã - Phó Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, kế hoạch của TRA tăng 30% không phải là thấp trong số những doanh nghiệp cùng ngành và việc tính toán cũng đã được HĐQT cân nhắc kỹ lưỡng với điều kiện của công ty.
Khó khăn 2014 do thay đổi chính sách bán hàng
Năm 2014, TRA chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu cả năm đạt 1,650 tỷ đồng, tương đương 89% kế hoạch và giảm nhẹ 2% so với năm 2013. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng tương tự, đạt 145.8 tỷ đồng, tương đương 90% kế hoạch và giảm 2% so với năm 2013.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thông qua, mức cổ tức cho năm 2014 dự kiến chi trả tỷ lệ 30%, cao hơn so với kế hoạch thông qua trước đó là 20%.
Lý giải về điều này, bà Vũ Thị Thuận cho rằng, trong năm vừa rồi, TRA đã thay đổi chính sách bán hàng OTC (thu tiền ngay với khách hàng bán lẻ và thu tiền trong tháng với khách hàng bán buôn) theo đó, mặc dù số tiền thu được từ khách hàng đạt 104% kế hoạch nhưng cũng khiến nhiều khách hàng không bằng lòng. Tuy nhiên, cuối năm 2014, lượng khách hàng quay lại với TRA đã tăng trở lại, hiện tại TRA đang tiếp cận trực tiếp với hơn 18,000 nhà thuốc trên tổng số 40,000 nhà thuốc trên toàn quốc.
Phó Chủ tịch Unilever Asia Việt Nam vào HĐQT
Cách đây hơn 1 tháng, ngày 13/2/2015, ông Phan Quốc Công, đại diện Quỹ Vietnam Azalea Fund Limited đã có đơn từ nhiệm và được HĐQT thông qua. Quỹ này đã đề cử bà Trần Tuệ Tri vào vị trí thay thế. Được biết, Vietnam Azalea Fund Limited sở hữu 6.2 triệu cổ phần TRA, tương đương 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Bà Tri hiện tại là Phó Chủ tịch Unilever Asia Việt Nam và là cố vấn cao cấp của Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital.
Minh Tuấn
|