Cổ phần hóa các Genco: Còn nhiều khó khăn
Cổ phần hóa (CPH) 3 tổng công ty phát điện (Genco) để lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính cũng như bảo đảm nguồn vốn của nhà nước là mục tiêu quan trọng của EVN từ nay đến năm 2017. Tuy nhiên, với quy mô và vốn tài sản quá lớn, giá bán điện chưa theo kịp thị trường dẫn đến tỷ suất sinh lời thấp là những vướng mắc cơ bản trong quá trình CPH các Genco.
* Giá điện sinh hoạt cao nhất lên tới 2.587 đồng/kW
Xét về lâu dài, đầu tư vào ngành điện sẽ ít rủi ro hơn nhiều ngành khác
|
Một trong những yêu cầu quan trọng của việc CPH 3 tổng công ty của EVN là nhằm huy động vốn. Theo tính toán, yêu cầu đầu tư rất lớn nhưng tổng số vốn chưa cân đối được của 3 tổng công ty này tính đến năm 2019 lên tới trên 29.000 tỷ đồng. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khẳng định: với nhu cầu đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD/năm, ngay cả khi có sự tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân, EVN sẽ vẫn phải đầu tư một khoản khá đáng kể. Bản thân Genco 3 đang đầu tư 6 dự án điện có tổng công suất 4.564 MW, tổng mức đầu tư lên tới 132.174 tỷ đồng, lượng vốn đối ứng cần tới gần 40.000 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ. Vấn đề là, với tổng giá trị tài sản lên tới 70 - 80 ngàn tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 13.000 tỷ đồng thì IPO là việc không đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Theo kế hoạch, từ ngày 1/1/2015 sẽ tổ chức xác định giá trị tài sản của Genco 3, đến tháng 3/2016 sẽ chính thức phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trước, sau đó sẽ rút kinh nghiệm thực hiện IPO với các Genco còn lại.
Khó khăn thứ 2 là vấn đề giá điện. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, lý do nhà đầu tư không mặn mà trong việc đầu tư vào ngành điện là do giá điện thương phẩm không theo kịp thị trường. Trong điều kiện kinh doanh với giá đầu vào (than, dầu, khí) luôn biến động tăng mà đầu ra là giá cố định, thì việc CPH các doanh nghiệp (DN) ngành điện sẽ khó thu hút nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia. Nếu giá điện không được điều chỉnh hợp lý theo cơ chế thị trường, bài toán CPH các Genco sẽ khó có lời giải.
Theo các chuyên gia, việc tăng giá điện là giải pháp lâu dài chứ không phải là giải pháp duy nhất để thu hút đầu tư. Xét về lâu dài, nhà đầu tư sẽ thấy ngành điện ít rủi ro hơn so với nhiều ngành khác.
|
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình sẽ tác động lớn đến quá trình IPO. Bởi vì, các nhà đầu tư chỉ tham gia quá trình CPH khi nhìn thấy lợi nhuận từ các DN, mà lợi nhuận từ các công ty phát điện phụ thuộc chủ yếu vào giá điện. Hiện nay, giá mua điện trong hợp đồng ký kết theo hướng dẫn tại Thông tư 41/2010/TT-BCT của Bộ Công thương đã bảo đảm có lãi cho các nhà máy điện với mức 10% (với các DN sản xuất điện của nhà nước), còn với DN tư nhân là 13%. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa thật hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc CPH 3 Genco còn rất nhiều khó khăn như: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng; cơ chế vay vốn chưa thuận lợi... Tại Hội thảo về kế hoạch CPH 3 Genco diễn ra ngày 12/6/2014 tại Hà Nội cũng cho thấy, cả 3 Genco đều có các nhà máy phát điện với giá thành sản xuất điện cao, trong khi giá bán điện thấp, chưa bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất điện có xu hướng tiếp tục tăng mạnh do nguồn cung nguyên nhiên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm. Với tình hình tài chính chật vật, chưa có khả năng tự huy động vốn, các Genco vẫn còn khó khăn trong việc tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của EVN trong quản lý, vận hành, đầu tư, tham gia thị trường điện. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty mẹ chưa hợp lý. Nguồn nhân lực có chất lượng trong công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong công tác đầu tư xây dựng.
Khánh Chi
công thương
|