Cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp hàng hải
Theo kế hoạch cổ phần hóa chung các doanh nghiệp của ngành giao thông - vận tải, đối với lĩnh vực hàng không, hàng hải sẽ tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa trong năm 2015. Theo đó, riêng đối với bốn cảng đầu mối trọng yếu gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn là 51% thay vì 75% như trước đây. Một số cảng khác, tỷ lệ vốn nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75% như TP Cần Thơ, Nghệ Tĩnh...
Chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp của ngành giao thông - vận tải được Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định năm 2015 sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực, trong đó có hàng hải.
Theo kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp hàng hải, tới đây, đối với nhiều cảng biển của cả nước, sẽ đổi mới, thu hút nhiều nhà đầu tư bằng cách bán đồng loạt nhiều cổ phần của các cảng, trong đó, ngoài những cảng chủ chốt nhà nước cần nắm giữ, thì các cảng còn lại sẽ có thể đề xuất thoái toàn bộ vốn nhà nước tại đây.
Cụ thể, đối với cảng Quảng Ninh, Vinalines đang đề xuất Thủ tướng cho thoái toàn bộ vốn nhà nước thay vì nắm giữ tỷ lệ chi phối. Những lĩnh vực tư nhân làm tốt sẽ tạo điều kiện để tham gia mua cổ phần và nâng cao hiệu quả đầu tư. Rõ ràng, chủ trương cổ phần hóa được xác định là đúng đắn, và đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh trong năm 2015. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tassco Phạm Quang Dũng, cổ phần hóa ở các doanh nghiệp rất đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay, mang lại hiệu quả mới, bảo đảm việc đầu tư cũng như bảo đảm được nguồn vốn của nhà nước.
Không chỉ đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp cảng, nhà nước chỉ nắm giữ những doanh nghiệp đơn vị thiết yếu, thậm chí là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thêm vào các đơn vị doanh nghiệp làm ăn có lãi. Lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong đó có hàng hải được đánh giá là có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn cho rằng, không chỉ thoái vốn mạnh tại các cảng biển, đối với một số tàu biển, Tổng công ty cũng sẽ tính toán bán đứt, để tăng sức cạnh tranh hơn nữa đối với các doanh nghiệp của Vinalines.
Thực tế, kế hoạch Nhà nước rút toàn bộ vốn tại một cảng lớn và có tiềm năng phát triển như cảng Quảng Ninh rõ ràng quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi. Thêm vào đó, số vốn trên dưới 500 tỷ đồng giá trị của các cổ phần không quá lớn đối với các nhà đầu tư trong nước. Một số cảng biển đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, trước đó, cảng Nha Trang cũng đã được bán toàn bộ cổ phần cho Công ty cổ phần Vinpearl, thuộc Tập đoàn Vingroup, trị giá 85 tỷ đồng. Rồi phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 cũng thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Từ những lần chào bán có sức hấp dẫn như vậy, kế hoạch cổ phần hóa tiếp tục được đẩy mạnh và hy vọng sẽ thành công tại các doanh nghiệp hàng hải trong năm 2015.
Hà Nho
đại biểu nhân dân
|