Thứ Tư, 25/03/2015 15:34

Có nghị định mới về PPP, nhà đầu tư vẫn chưa hào hứng

Sở dĩ các nhà đầu tư quan tâm đến Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 10-4, là vì trước đây, trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến, các cơ quan quản lý nhà nước phát đi thông điệp rằng nghị định này sẽ đưa lĩnh vực đầu tư sang một trang mới. Thế nhưng...

Sau bảy năm thí điểm, đến nay dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, được xây dựng theo hình thức PPP, vẫn chưa thể khởi công. Trong ảnh: Một đoạn đường ven biển ở Phan Thiết. Ảnh: Kinh Luân

Nghị định 15 quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Cụ thể, đối với phần vốn đến 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng Nghị định 15 linh hoạt hơn khi không áp dụng cứng nhắc tỷ lệ vốn của nhà đầu tư như Quyết định 71 trước đây. Tuy nhiên, để kết luận nghị định này đã đủ khung pháp lý, hấp dẫn nhà đầu tư hay chưa, theo ông Thành, còn tùy thuộc vào từng dự án cụ thể và kết quả đàm phán giữa nhà đầu tư và Nhà nước.

“Tùy thuộc vào từng dự án cụ thể...”, có nghĩa là còn phải chờ thực tế trả lời.

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG, ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc tập đoàn Bitexco, đơn vị là nhà đầu tư thứ nhất, chiếm 60% vốn của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - dự án được xây dựng theo hình thức PPP đầu tiên ở Việt Nam, tỏ ra không mấy mặn mà với nghị định mới. Có lẽ vì nó không giúp giải quyết được những tồn đọng cũ mà dự án đang vướng. Dự án này được đưa ra thí điểm đã bảy năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa khởi công được. “Bitexco rất muốn đi đầu để phát triển một hình thức đầu tư mới nhưng chúng tôi đã thấy oải, giờ chỉ chờ Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quyết định”, ông nói.

Đã từng tham gia điều hành dự án xây dựng cầu Phú Mỹ (TPHCM) - cây cầu dây văng được xây dựng theo hình thức BOT, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhận xét, so với trước đây, Nghị định 15 thêm một vài hình thức đầu tư khác như BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Về điểm mới “tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư”, khác với ông Thành, ông Sanh nhìn với con mắt cảnh giác. “Do nặng về thu hút đầu tư xã hội hóa, tư nhân hóa và đầu tư nước ngoài, việc chỉ khống chế vốn thực có của nhà đầu tư ở mức 15% sẽ là một rủi ro lớn và đẩy chi phí đầu tư lên cao vì phải gánh lãi suất ngân hàng lớn”, ông nói.

Ông Sanh phân tích thêm: trước đây, quy định vốn thực có của nhà đầu tư trong các dự án BOT quá thấp (nhỏ hơn 15%), trong khi vấn đề bảo đảm thực hiện hợp đồng không rõ ràng. Chính vì vậy vốn thực chất của nhà đầu tư là đi vay ngân hàng thương mại mà cuối cùng Nhà nước vẫn phải trả lãi.

Qua một khảo sát nhỏ của TBKTSG từ bốn nhà đầu tư thì có đến ba nhà đầu tư cho rằng nghị định này chưa thấy có nhiều điểm mới để thu hút họ móc hầu bao đầu tư. Một trong những việc mà các nhà đầu tư vẫn lo ngại khi thực hiện dự án theo hình thức PPP, đó là việc bố trí vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án nhỏ thì điều này không đáng lo ngại, tuy nhiên ở các dự án lớn, nó có thể sẽ lại kéo dài hàng năm do ngân sách không đủ.

Nói về nghị định PPP, Luật sư Lương Văn Lý, Trưởng bộ phận Đầu tư và Thương mại Công ty Luật Việt Long Thăng, cho biết Nghị định 15 chi tiết, cụ thể hơn các văn bản trước đây trong một số vấn đề quan trọng như cơ quan đầu mối quản lý hoạt động PPP, quy trình ký hợp đồng dự án và giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, thời điểm giải ngân, phần đóng góp của nhà nước...

Song, nghị định vẫn còn một số quy định chưa đầy đủ so với nhu cầu thực tế như thiếu lĩnh vực sản xuất những sản phẩm cần thiết phục vụ cho chiến lược phát triển và hội nhập kinh tế.

Ví dụ, sản phẩm công nghệ cao, nông sản xuất khẩu số lượng lớn mà nhà đầu tư tư nhân phải đầu tư lớn nhưng lại chịu rủi ro cao.

Trong hình thức góp vốn của nhà nước nghị định cũng không nói rõ có góp bằng tiền mặt hay không. Đây là một trong những vấn đề nhà đầu tư rất quan tâm.

Và một trở ngại nữa cũng chưa được quy định rõ đó là trong trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất, nhưng họ không trúng thầu. Nghị định 15 quy định, khi đó cơ quan nhà nước và nhà đầu tư thương lượng với nhau. “Lẽ ra phải quy định sòng phẳng là nhà nước sẽ hoàn trả cho nhà đầu tư chí ít là toàn bộ chi phí lập nghiên cứu khả thi” ông nói.


Anh Quân

tbktsg

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu sản phẩm gỗ và cơ hội tăng trưởng kim ngạch (25/03/2015)

>   Chuyển nhượng quyền khai thác sân bay thế nào? (25/03/2015)

>   Thu hút du khách thông qua “làn sóng Hàn Quốc” (25/03/2015)

>   Quí 1: Thu hút vốn FDI giảm đến gần 45% (25/03/2015)

>   Mỹ áp đặt quy định khắt khe hơn đối với mặt hàng cá da trơn (25/03/2015)

>   Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai lên tiếng về dự án lấn sông (24/03/2015)

>   Việt Nam-Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác về nội dung số và phần mềm (24/03/2015)

>   Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT (24/03/2015)

>   DN đầu tư vào nông nghiệp: Thực tế và bất cập (24/03/2015)

>   TPHCM: Đấu thầu mua 9.100 tỉ đồng thuốc cho bệnh viện (24/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật