“Cò” bất động sản sống lại
Nhiều doanh nghiệp rầm rộ tuyển nhân viên, lập sàn giao dịch để chuẩn bị đổ quân đi môi giới, phân phối cho các dự án nhà phố, đất nền, căn hộ.
Sau thời gian dài ế ẩm nên phải giảm nhân sự, đóng cửa sàn thì nay nhiều doanh nghiệp (DN) chạy đua lập công ty, khởi động sàn giao dịch để đón đầu sự nhộn nhịp trở lại của thị trường. Dự báo sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty, văn phòng môi giới vì nguồn cung quá “dày” so với nhu cầu thực tế.
Ồ ạt mở sàn
Tuần trước, Công ty CP Bất động sản (BĐS) Exim, Công ty CP BĐS CPR và một số cổ đông đã thành lập Công ty CP Dịch vụ BĐS Eximland (Eximland). Ngay khi ra mắt, Eximland đã ký hợp đồng độc quyền phân phối 2 dự án gồm khu phức hợp Goldland Binh Tay Palza (quận 6) và cao ốc thương mại - dịch vụ - văn phòng và căn hộ TIE-XIM (quận 10).
Nhân viên sàn giao dịch bất động sản Eximland tư vấn cho khách hàng mua căn hộ qua điện thoại Ảnh: Tấn Thạnh
|
Vừa thành lập cách đây vài tháng, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Thanh Yến (ThanhYen Land) đã tung quân đi chào mời khách hàng mua sản phẩm ở nhiều dự án đất nền, căn hộ. Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, DN này tổ chức hẳn ngày hội việc làm tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM để tuyển nhân viên. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc ThanhYen Land, cho biết qua ngày hội, ông đã tuyển được 150 nhân viên. “Mỗi sàn giao dịch phải có 2/3 nhân viên cũ và 1/3 nhân viên mới để đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Hiện tại, ThanhYen Land đã có 3 sàn giao dịch, dự kiến đến cuối năm sẽ có 6 sàn. Trong quý II, chúng tôi tiếp tục tuyển thêm 150 nhân viên, nâng tổng số lên 450 người để phân phối sản phẩm cho 2 dự án căn hộ và 1 dự án đất nền ở huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An” - ông Minh cho biết.
Là chủ đầu tư nhiều dự án với đội ngũ nhân viên không dưới 200 người nhưng nhằm chuẩn bị “tổng lực” cho việc phân phối 1.200 căn hộ thuộc dự án Jamona Apartment (quận 7) vào cuối tháng này, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) phải tuyển gấp thêm 80 nhân viên kinh doanh. Dự án này, Sacomreal kỳ vọng thị trường sẽ hấp thụ tốt vì người mua được vay tiền từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và có thể thanh toán linh hoạt từ 2,8 - 5 triệu đồng/tháng.
Sẽ cạnh tranh quyết liệt
Tổng Giám đốc Eximland Trần Thị Cẩm Tú cho biết Eximland dự kiến đưa ra thị trường 1.000 căn hộ, trong đó chủ yếu là căn hộ phân khúc giá trung bình, khoảng 1,5 tỉ đồng/căn. “Tiềm năng thị trường năm nay là có nhưng chúng tôi biết lợi thế của mình là các dự án căn hộ phân khúc giá bình dân. Tuy vậy, Eximland tiên liệu có thể thị trường sẽ không thuận lợi vì nguồn cung tăng lên so với nhu cầu thực nên sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy, Eximland phải chọn nguồn hàng sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường thì mới mong cạnh tranh được” - bà Tú nhận định.
Còn ông Nguyễn Duy Minh cho biết sẽ “đánh” vào các dự án có giá tốt, được hỗ trợ nhiều từ chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án “ăn theo” cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh hoặc sẽ mở rộng hạ tầng, giao thông kết nối trong thời gian ngắn. Dự kiến trong 2015, ThanhYen Land sẽ phân phối khoảng 2.000 căn hộ và 3.000 nền đất nhà phố, biệt thự.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng việc các DN ồ ạt mở sàn giao dịch, môi giới nhà đất là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường BĐS đang trên đà hồi phục. Theo ông Châu, ngoài hoạt động của giới kinh doanh, môi giới thì thị trường còn xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Ông đã tiếp xúc không ít người đã đầu tư vài ba chục căn hộ tại một dự án, chờ giá tăng để bán lại.
“Thêm nhiều công ty môi giới, nhà đầu tư thứ cấp “sống” lại sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, qua đó góp phần đưa BĐS đi dần về giá trị thực. DN BĐS cũng như các nhà môi giới chỉ kỳ vọng “sống” bằng mức lãi cơ bản, đồng thời chấp nhận tái cơ cấu lại sản phẩm để có giá tốt nhất cho khách hàng” - ông Châu nói.
Cơ chế thoáng cho sàn giao dịch
Ông Lê Hoàng Châu cho biết theo quy định hiện hành, tất cả hoạt động kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch thì từ ngày 1-7, Luật Kinh doanh BĐS mới có hiệu lực, khi đó quy định này không còn.
Thay vào đó, các bên mua và bán đều tự nguyện, có quyền nhờ sàn giao dịch hay bất cứ cá nhân, DN thực hiện môi giới, bán sản phẩm cho mình. Nếu là cá nhân đứng tên nhà môi giới thì phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Xây dựng cấp. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh, có lợi cho khách hàng. Vì nếu sàn giao dịch nào, nhân viên nào có nghiệp vụ tốt, minh bạch, chăm sóc khách hàng tận tâm, uy tín thì sẽ bán được hàng.
|
Sơn Nhung
người lao động
|