Chỉ còn 7 ngày để giải quyết hồ sơ đầu tư
Các doanh nghiệp nước ngoài than phiền hệ thống pháp lý Việt Nam chưa minh bạch.
Hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) đang đầu tư tại TP.HCM và đại diện 12 hiệp hội DNNN đã tham dự buổi gặp gỡ đầu năm với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 4-3.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP rất muốn nghe những khó khăn, vướng mắc và cả những góp ý của các DNNN đang đầu tư tại Việt Nam. Lãnh đạo cao nhất của TP.HCM và các sở, ban ngành sẽ làm hết sức để có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DNNN.
Có đi không có lại
Tại buổi gặp gỡ, nhiều DNNN cho rằng họ vẫn gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), chia sẻ công ty nằm trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng trong chín tháng qua, kể từ khi quy định về việc hoàn thuế có hiệu lực, công ty ông vẫn không được hoàn thuế. DN đã nộp thuế giá trị gia tăng hơn 1,1 triệu USD, dù đã làm việc với cơ quan liên quan, song đến nay vẫn chưa nhận được hoàn thuế.
“Số lượng rác thải của TP.HCM tăng lên đồng nghĩa vòng đời của Khu xử lý rác thải Đa Phước ngắn lại, từ 20 năm có thể xuống 8-10 năm. DN đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải mới tại Long An. Số vốn đầu tư giai đoạn 1 rất lớn, gần 500 triệu USD. Khó khăn về việc chậm hoàn thuế VAT cùng những khó khăn khác sẽ khiến DN cân nhắc khi tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam” - ông Kevin lo ngại.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM (thứ hai từ phải sang), trao đổi với các đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại buổi gặp gỡ đầu năm ngày 4-3. Ảnh: Q.HUY
|
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thay đổi từ tháng 6-2014 đã có những điều không hợp lý. Theo luật này, công dân Mỹ đến Việt Nam trong mỗi chuyến thăm ngắn hạn (dù công việc hay công tác) chỉ được cấp thị thực thời gian ba tháng. “Nếu dựa trên quan hệ “có đi có lại”, phía Mỹ cũng sẽ cấp visa cho công dân Việt Nam ba tháng thay vì một năm như hiện nay, điều này sẽ tác động tiêu cực lên đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Như Trung Quốc, việc cấp visa có thời hạn tới 10 năm cho cả công dân hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc, tạo sự thuận lợi cho công dân hai bên” - ông Herb Cochran dẫn chứng.
Thủ tục chưa minh bạch, nhân lực kém chất lượng
Còn theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (Jetro), năm 2014 Việt Nam đã tích cực cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa về thuế, hải quan. Tuy nhiên, dựa trên khảo sát hằng năm của Jetro thì các DNNN Nhật cho biết hệ thống pháp lý của Việt Nam vẫn chưa minh bạch, chưa phát triển đầy đủ so với nhu cầu. Hệ thống quy trình về thuế, hải quan còn gây trở ngại.
Một khó khăn khác được một số DNNN chỉ ra là TP.HCM vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Global Cybersoft Việt Nam, cho biết DN ông đã phải từ chối nhiều hợp đồng giá trị lớn vì thiếu nhân lực. Đôi khi thiếu 1-2 người có chuyên môn cao nhưng không thể kiếm ra dù đã thử nhiều giải pháp. Sắp tới DN mong muốn được hợp tác cùng TP xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Một cửa tại chỗ”
Những vướng mắc về thuế, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Cục Thuế có cách giải quyết trong tuần này cho các DNNN đang gặp phải vấn đề này. Còn về việc cấp visa cho công dân nước ngoài, TP.HCM sẽ báo cáo trình lên Quốc hội xem xét.
Đối với cải cách thủ tục hành chính, TP sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ”, phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN trong năm 2015.
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza), cho biết: Hepza đã chuẩn bị quỹ đất 260 ha, nhà xưởng cao tầng với 50.000 m² sàn xây dựng tại KCX Tân Thuận và Linh Trung. Mục tiêu là để thu hút các ngành công nghiệp mũi nhọn: Cơ khí, điện tử-tin học, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… TP.HCM cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực 14.000 lao động cho các dự án đầu tư vào KCN-KCX để tạo điều kiện cho DN nước ngoài mở rộng sản xuất.
Kiểm tra, cấm nhũng nhiễu
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết TP.HCM sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính quyền TP nghiên cứu, triển khai đường dây nóng nhằm giải quyết các vướng mắc của các DNNN. Đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho DN. Các cơ quan tham mưu phải chủ động nghiên cứu, đề xuất Thành ủy, UBND TP kiến nghị trung ương ban hành các chính sách thuận lợi nhất cho DNNN sản xuất, kinh doanh. “Ngược lại TP cũng mong muốn các DNNN tiếp tục nỗ lực khắc phục các khó khăn, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng TP trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế” - ông Lê Thanh Hải nói.
TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Tính đến 31-12-2014, TP.HCM có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 36,3 tỉ USD. Riêng năm 2014, vốn FDI vào TP có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tại TP.HCM là 457 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,9 tỉ USD, tăng 2,7 lần so với năm 2013. Hiện nay có khoảng 550.000 người làm việc trong các DN FDI. Các DN FDI đã tạo ra khoảng 22,5% chỗ làm cho lực lượng lao động tại TP.HCM.
Trong lĩnh vực đầu tư, đối với các dự án không cần thẩm tra, xin ý kiến bộ, ngành trung ương, chúng tôi sẽ giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ, từ 15 ngày còn bảy ngày làm việc. Trong lĩnh vực xây dựng, thủ tục cấp giấy phép xây dựng sẽ giảm 40% thời gian giải quyết, từ 20 ngày làm việc xuống còn 12 ngày. Đối với thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giảm 30% thời gian, từ 30 ngày còn 20 ngày.
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM - Hepza
|
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|